Trà Tân cán đích nông thôn mới

NGUYỄN DƯƠNG 27/03/2018 09:25

Trong chiến tranh, xã Trà Tân là căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu 5. Trong hòa bình xây dựng, người dân nơi đây chung tay góp sức xây dựng quê hương, nhờ thế  Trà Tân trở thành xã thứ 2 của huyện Bắc Trà My được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Vượt qua nhiều khó khăn, Trà Tân hôm nay đã khoác lên một bộ mặt khác với cú hích nông thôn mới. Ảnh: N.DƯƠNG
Vượt qua nhiều khó khăn, Trà Tân hôm nay đã khoác lên một bộ mặt khác với cú hích nông thôn mới. Ảnh: N.DƯƠNG

Quá khứ hào hùng

Ông Nguyễn Văn Nghĩa trú tại thị trấn Trà My, tham gia chiến đấu ở mảnh đất này vào những năm cuối của chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông ở lại Bắc Trà My lập nghiệp. Trong ký ức của người thương binh già, xã Trà Tân ngày ấy là khu căn cứ của cơ quan Khu ủy Khu 5, người dân nơi đây quen gọi là căn cứ Nước Oa. Căn cứ nằm trong một khu rừng rậm rạp, cách xa các nóc, phía bắc giáp suối Tân, phía đông giáp sông Nước Oa, phía nam và phía tây giáp là rừng già bạt ngàn, nơi có đủ điều kiện xoi đường và mở đường giao thông thủy bộ tỏa mạn ra ngoài; đủ điều kiện để tiến thoái, công thủ... Đây cũng là nơi rất thuận lợi để che khuất, ngụy trang, nghi binh và di chuyển. Đủ điều kiện để khai thác nguồn lương thực, thực phẩm và thuốc men tại chỗ. Chính tại nơi này, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã vạch ra đường lối chiến lược cụ thể để chỉ đạo quân dân ta đánh giặc. Khi thời cơ tới, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ huy các đơn vị chủ lực đánh chiếm Tiên Phước, giải phóng Tam Kỳ và tiến quân thần tốc giải phóng Đà Nẵng, góp phần giải phóng miền Nam vào mùa xuân 1975.

Chúng tôi trở lại Trà Tân trong một ngày cuối tháng 3. Ông Lê Rô - Phó Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi hay, Trà Tân hôm nay đã có nhiều đổi thay đáng mừng. Chỉ tay về phía những con đường bê tông mới được đổ thẳng tắp, những bãi bồi xanh mướt bên sông Nước Oa, ông bảo, người dân ở đây bao đời vẫn vậy, hết trồng lúa đến trồng bắp tỉa đậu... Cứ thế, họ tìm cách để thay đổi cuộc sống của mình. Chúng tôi chợt nhận ra mảnh đất Trà Tân được che chắn bởi hai ngọn núi cao ngất ngưởng, người dân địa phương gọi là núi Ông và núi Hòn Bà. Ở giữa là dòng suối Tân hiền hòa kéo dài tới sông Tranh, sông Nước Oa. “Từ hồi mô tới giờ, lo chi thì lo chớ không lo đói. Nhìn đất khô khan nhưng trồng chi được nấy” - ông Ung Nho Tiến ở thôn 2 xã Trà Tân, cười nói.

Xây dựng nông thôn mới

Cuối năm 2017, Trà Tân chính thức cán đích nông thôn mới, trở thành xã thứ 2 (sau xã Trà Dương) đạt chuẩn nông thôn mới. “Đạt được đã khó, nhưng giữ được lại càng khó hơn. Chúng tôi sẽ lấy đây là bàn đạp, để Trà Tân khoác lên mình áo mới, ngày càng phát triển” - ông Phạm Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Tân nhấn mạnh.

Khi được phát động xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống, người dân Trà Tân hưởng ứng nhiệt tình. Họ chung tay góp sức để tạo nên một diện mạo mới cho quê hương. Ông Dương Phú Hoa - Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã khẳng định: “Vì quê hương, người dân nơi đây sẵn sàng hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa thôn. Gia đình tôi hiến hơn 1.000m2 đất để xã xây dựng nhà văn hóa mà không hề đòi hỏi đền bù”. Rồi ông Hoa cho biết thêm, thời bom đạn, bà con chia nhau nửa củ sắn khi đói, bây giờ hiến ít đất hay đập bỏ vật kiến trúc để làm đường bê tông thì có chi mà ngại. Làm là làm cho mình, cho con cháu mình chứ đâu của riêng ai. Cái được của Trà Tân, như ông Phạm Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã nói, chính là sự đồng lòng của người dân để cùng đồng hành trong 8 năm xây dựng nông thôn mới. “Cái khó nhất là tiêu chí về hộ nghèo, về mức thu nhập của người dân trên địa bàn. Xác định đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu, chúng tôi khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Cụ thể, chúng tôi hỗ trợ con giống, vật nuôi, phương tiện sản xuất... Một khi đã đăng ký thoát nghèo thì phải bền vững, lâu dài” - ông Cường cho hay.

“Bây giờ đường bê tông đã vào tận từng thôn. Cầu bản đã có, chẳng còn lo giao thông cách trở nữa. Điều kiện đã có, chúng tôi chỉ còn lo làm cách nào để phát triển kinh tế mà thôi” - ông Lê Tự Hùng, cán bộ xã Trà Tân bộc bạch. Làm kinh tế theo cách mà ông Hùng nói, chính là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Thay vì mạnh ai nấy trồng, phát triển tràn lan không có trọng điểm, UBND huyện Bắc Trà My đã có định hướng phát triển Trà Tân trở thành một vùng cây ăn quả.  “Hồi trước nhà nào cũng trồng quế nhưng hiệu quả mang lại không cao nên họ chuyển sang trồng cam, quýt và thanh trà. Đến nay, vườn cây đã đơm hoa kết trái, thu nhập bình quân mỗi mùa 7 - 8 triệu đồng” - ông Hùng chia sẻ. Với tiềm năng lợi thế của địa phương, hướng đi của Trà Tân là trồng rừng nguyên liệu, cao su tiểu điền, con vật nuôi bản địa hay cá lồng bè ở sông Tranh 2... Trong đó, chú trọng nhất vẫn là phát triển vườn cây ăn trái. Trong 3 năm qua, đã có 250ha đất vườn được cải tạo với số tiền đầu tư hơn 1 tỷ đồng để phát triển mô hình này. “Phát triển du lịch làng, tiến tới lâu dài là du lịch miệt vườn đó là hướng lâu dài. Nhưng trước mắt, để người dân có thu nhập ổn định, những loại cây này mang lại hiệu quả thiết thực hơn” - ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện bắc Trà My cho hay.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trà Tân cán đích nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO