Trắc trở đường huyện Đông Giang

TRIÊU NHAN 12/07/2016 09:20

Tuyến đường ĐH11.ĐG từ thôn A Sờ, xã Ma Cooih đến xã Kà Dăng (Đông Giang), tiếp giáp với thôn An Điềm (xã Đại Hưng, Đại Lộc) lâu nay là nỗi cách trở dằng dặc khiến đời sống của người dân miền núi thêm khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai xây dựng tuyến đường này khá chậm, phải trải qua nhiều giai đoạn đầu tư, chắp vá nhiều nguồn vốn.

Trầy trật

Tuyến ĐH11.ĐG khởi phát từ thôn A Sờ kéo dài đến tiếp giáp với thôn An Điềm có chiều dài hơn 28km. Từ trung tâm huyện Đông Giang, phải xuôi xã Sông Kôn, Jơ Ngây (Đông Giang), men theo con đường nhỏ dẫn vào nhà máy thủy điện Sông Kôn mới ra được tuyến ĐH11.ĐG, bởi lẽ 3km đầu tuyến đã bị sạt lở nặng. Từ đoạn này, để đi tới trung tâm xã Kà Dăng, dù đường sá quanh co, uốn lượn nhưng đỡ vất vả là đã được thâm nhập nhựa. Khốn khổ nhất là đoạn từ trung tâm Kà Dăng trở về An Điềm, chừng 11km nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ vật lộn với đèo cao, vực thẳm; phải vượt những đoạn đã được đổ đá dăm cấp phối, có đoạn đang được san ủi mặt bằng, hạ độ dốc… Theo người dân địa phương, tiết nắng nóng vẫn còn đỡ, chứ lỡ đi vào tiết mưa thì rất dễ bỏ cuộc, bỏ xe… chạy lấy người vì những con dốc sình lầy, trơn trượt, ví như dốc Ba Nga (thôn A Chôm 1, xã Kà Dăng). Con dốc này lâu nay vẫn là nỗi ám ảnh với cư dân trong vùng và những ai có dịp qua đây, đặc biệt là với học sinh, giáo viên miền núi. Hì hục bò lên được đầu con dốc này, chúng tôi bắt gặp hai em gái người Cơ Tu trên đường lội bộ đi học về làng. Alăng Thị H. (thôn A Chôm 1), một trong hai bé gái chia sẻ: “Năm nay em học lớp 9, Trường THCS Phan Bội Châu. Từ thôn, để tới trường, em phải lội bộ cả tiếng đồng hồ. Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa thì đến trường quần áo dính bết bùn do đường trơn, do bùn đất bắn lên”.

Con dốc Ba Nga cao chót vót, lâu nay gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ảnh: Hoàng Liên
Con dốc Ba Nga cao chót vót, lâu nay gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ảnh: Hoàng Liên

A Chôm 1, A Chôm 2 là hai thôn cuối cùng và cũng là hai thôn đặc biệt khó khăn của xã Kà Dăng, có khoảng 300 - 400 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào Cơ Tu. “Đường không thông, chúng tôi trồng cây keo, cây chuối mốc, con heo, con gà cũng không thể bán được, bị thương lái ép giá thê thảm” - Trưởng thôn A Chôm 2, ông Alăng Thắng nói. Còn Trưởng ban công tác mặt trận thôn A Chôm 2 - ông Alăng Mưa thì cho biết: “Trời nắng còn đi qua đây được chứ mưa thì chịu thôi. Muốn lên phải đi thuyền, đi phà chứ đường bộ trơn và nguy hiểm lắm. Cũng chính giao thông cách trở mà cái đói cái nghèo cứ tồn tại dai dẳng nơi này”. Đoạn đường qua xã Kà Dăng, đặc biệt là thôn A Chôm 1, A Chôm 2 đang trong quá trình thi công, song tiến độ diễn ra khá ì ạch và thiếu đồng bộ. Nhiều năm nay, không chỉ người dân, mà chính quyền địa phương cũng rất sốt ruột khi cứ ngóng trông, chờ đợi tuyến A Sờ - Kà Dăng - An Điềm hoàn thành. Ông Alăng Đen - Chủ tịch UBND xã Kà Dăng cho biết: “Dự án đường từ trung tâm xã đến Hang Gợp (giáp ranh với Ma Cooih) đã xong, giúp đồng bào bớt bị cô lập, nhưng tuyến từ trung tâm xã về A Chôm 2 không biết đến khi nào mới thông? Ai cũng trông mong từng ngày”.

Đã xong 65% công việc

Trao đổi với chúng tôi, ông Alăng Thiên - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Giang cho hay, tuyến này có lý trình 28,3km, trước đây đã được Sở GTVT đầu tư san ủi mặt bằng. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Giang chỉ đảm nhận công tác hạ độ dốc, xây dựng mặt đường, thâm nhập nhựa, xây dựng các hạng mục cống thoát nước, xây dựng cầu tại dốc Ba Nga và cầu bắc qua một số ngầm. Theo thiết kế, nền đường tuyến trung tâm xã Kà Dăng về An Điềm sẽ rộng 6,5m, mặt đường 3,5m, lề mỗi bên 1,5m. “Hiện, tại dốc Ba Nga đã xây dựng xong 1 mố cầu, các phần việc khác đang tiếp tục triển khai. Một số đoạn (khoảng 4km) trên chiều dài tuyến 11km từ xã Kà Dăng về An Điềm đã thâm nhập nhựa xong. Các chính sách đền bù hoa màu, cây cối đã triển khai cả rồi. Không có khó khăn chi hết, bà con lại rất đồng tình, công việc rất thông thoáng” - ông Thiên nói. Được biết, theo hợp đồng thi công, dự án sẽ hoàn thành vào 15.6.2017. Theo ông Thiên, đến thời điểm này, 65% phần việc đã triển khai, hoàn thành với 3 lần triển khai. “Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh các phần việc còn lại trong mùa nắng để tránh tình trạng mưa lũ xuất hiện. Tuy nhiên, cũng khó có thể nói trước vì khó chủ động về mặt thời tiết được”.

Ông Phạm Sanh - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Giang thông tin thêm, tuyến đường này được đầu tư làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 11km từ trung tâm xã Kà Dăng đến đoạn tiếp giáp với 3km sạt lở trên địa bàn xã Ma Cooih; giai đoạn 2 là 3km từ điểm mốc của đoạn sạt lở nói trên đến đường Hồ Chí Minh dẫn vào khu tái định cư Pache Palanh. Giai đoạn 3 đang triển khai là 11km dẫn từ An Điềm đến trung tâm xã Kà Dăng; giai đoạn 4 là xây dựng, nâng cấp 3km sạt lở tại xã Ma Cooih như đã nói trên với tổng giá trị đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn phát triển kinh tế vùng. “Tháng 8 năm này, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng 3km bị sạt lở trên địa bàn xã Ma Cooih, từ nguồn vốn phát triển kinh tế vùng. Hiện, 11km An Điềm - Kà Dăng được đầu tư xây dựng từ nguồn trái phiếu chính phủ. Nhìn chung, nguồn vốn đủ để triển khai thực hiện, tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn về thủ tục, cơ chế” - ông Sanh nói. Trả lời về tiến độ thi công công trình, ông Sanh khẳng định: “Tiến độ thi công rất đảm bảo, nếu có chậm là do quá trình phân bổ nguồn vốn, bởi vốn được rót thành nhiều giai đoạn và từ nhiều nguồn, rót hàng năm. Vậy nên, cái nào phân bổ trước, chúng tôi triển khai làm trước, cái nào phân bổ sau thì làm sau. Đảm bảo vào tháng 6.2017, nhiều hạng mục sẽ hoàn thành đúng tiến độ và tuyến đường hơn 28km này sẽ thông suốt”.

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trắc trở đường huyện Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO