Trách... người thực thi công vụ

SÁU CÒI 29/03/2016 09:02

Trên cùng một chuyến xe buýt, Sáu Còi tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện của hai bạn đồng hành về những cắc cớ trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Mở đầu, anh đang kinh doanh ô tô khách cho rằng: “Hiện có nhiều chủ phương tiện đưa xe nhà vào hoạt động theo kiểu kinh doanh xe khách, khiến mưu sinh của gia đình thêm phần trắc trở, khó khăn muôn phần. Tôi buồn một, nhưng mấy ông taxi, xe buýt buồn chín, phiền mười ông à! Ông biết sao không? Họ nóng ruột vô kể, khi mấy xe chạy hợp đồng mà kinh doanh chẳng khác gì tuyến cố định cả. Một kiểu cạnh tranh dở ẹc, lại trốn thuế nữa mà đâu thấy lực lượng chức năng “tuýt còi”, xử lý triệt để”. Rồi anh này kể thêm, vừa rồi đi dự đám cưới ở Tam Kỳ, tan tiệc, anh nhìn thấy một người bạn lâu năm mới gặp đứng bên vệ đường như chờ đợi ai đó để cùng về Đà Nẵng. Anh sốt sắng chạy lại nói chuyện thâm tình: “Bạn đi với ai? Hay đi về cùng, mình chở luôn cho”. Anh kia mới trả lời rằng, bản thân sẽ đi xe “80”. Người bạn ngớ người, ngỡ anh ấy quan hệ với ai ngoài Trung ương nên đi xe có biển kiểm soát “80…”. Thấy được sự bối rối của bạn, anh kia giải thích đi xe “80” là đi với giá 80 nghìn đồng/người. Xe hãng Hoa Cúc hoặc hãng Hùng Vương… chở từ Tam Kỳ về Đà Nẵng luôn. “Tôi nghe mà thấy nghèn nghẹn ở cổ, ông à! Các doanh nghiệp taxi hay ngay cả Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam đã gửi đơn cầu cứu. Ngành chức năng can thiệp ra sao lại để dạng xe “núp bóng” hợp đồng chạy như tuyến cố định ngang nhiên như thế chứ” - anh kinh doanh ô tô khách buồn bã nói.

Để bạn mình “độc diễn” xong, anh kinh doanh ô tô tải mới bộc bạch rằng, cuộc sống mưu sinh của bản thân cũng lắm gian truân. Số là, anh mua lại chiếc xe tải chở được khoảng 7 tấn, rồi cùng xin nhập vào một đoàn xe tải khác để có tên “giao dịch”. Nếu chạy riêng lẻ, không dễ gì nhận được hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu cho công trình lớn. Anh kể, một lần trên đường đi đến một mỏ cát ở huyện nọ vào gần giữa trưa để lấy vật liệu, anh gặp tổ cảnh sát giao thông đang tuần tra, họ yêu cầu dừng lại kiểm tra lấy tờ rồi gặng hỏi: “Tý nữa ông có chở cát quay về không?”. Anh mới thành thật trả lời “có”. Lập tức, một người thực thi công vụ khiếm nhã đề nghị phải nộp phạt trước, vì biết chắc chắn tài xế điều khiển phương tiện sẽ vi phạm về tải trọng, gây ô nhiễm môi trường. Bởi vì, xe này cơi nới thùng thì đã sai luật rồi. Kìm hãm sự bực tức, tôi móc túi đưa tiền theo yêu cầu. Có giằng co cũng vậy thôi, ai biểu mình ngu không nhập vào một đoàn xe có chủ doanh nghiệp “đứng mũi chịu sào” “làm luật” chung rồi yên ổn làm ăn” - anh kinh doanh ô tô tải đúc kết. Anh ta kể tiếp, giờ đây xe nhập vào một doanh nghiệp cùng tham gia chở đất thi công đường cao tốc tại Núi Thành. Cự ly di chuyển đều nằm trong đường công vụ của dự án (một cách trung chuyển), dù thùng có cơi nới nhưng ít thấy lực lượng chức năng “hỏi thăm”, lại không ảnh hưởng đến dân cư, hạ tầng đường bộ. Chứ nếu chạy trên các tuyến giao thông khác, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bữa nay trời đổ mưa, anh gửi xe tải và tranh thủ đón xe buýt về quê thăm vợ con cho đầu óc thanh thản, rồi tiếp tục hành trình… kiếm cơm.

Nghe hai người bạn tâm tình, tài xế lái xe buýt nói vọng lại: “Mấy anh nhìn xe ô tô khách phía trước kìa. Nó không để chữ chạy tuyến cố định Đà Nẵng - Tam Kỳ, là xe hợp đồng. Nhưng ngày nào cũng vậy, đều đặn đúng giờ là nó chạy vào và chạy ra hai chuyến y như tuyến cố định. Ai cạnh tranh nổi với loại “xe dù” đó chứ. Công an, thanh tra, quản lý thị trường… đâu mà để chạy ngang nhiên, trốn thuế thế kia?”.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trách... người thực thi công vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO