Cơn “bão” dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) đã thực sự “thổi” qua khắp các địa bàn và lĩnh vực. Sau khi gây náo loạn một thời gian đối với dịch vụ y tế (nhất là nguồn hàng khẩu trang, nước rửa tay… tăng giá), đến lượt ngành giáo dục phải cân nhắc.
Cũng như hàng chục tỉnh, thành khác trên toàn quốc cho phép học sinh tạm nghỉ, từ hôm qua 3.2, Sở GD-ĐT Quảng Nam gửi công văn hỏa tốc số đến Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố, thị xã, các trường, trung tâm trực thuộc sở về nội dung cho học sinh nghỉ học 1 tuần để phòng nCoV. Có điều, khác với các địa bàn trọng điểm và đối diện nguy cơ nhiễm dịch lớn hơn, Quảng Nam chỉ tạm thời cho các trường mầm non, THCS, THPT tại TP.Hội An, TP.Tam Kỳ và một số cơ sở giáo dục ở thị xã Điện Bàn (giáp ranh với TP.Đà Nẵng) nghỉ học. Tất nhiên, những trường học khác cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và xử lý tẩy trùng.
Có điều, câu chuyện không dừng ở đó.
Ngoại trừ một số trang mạng xã hội phao tin đồn nhảm về dịch bệnh gây bất an thái quá trong cộng đồng (khiến nhiều chủ tài khoản bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt), các luồng thông tin chính thống đều đang hướng dư luận vào lộ trình ứng phó dịch phù hợp, bình tĩnh nhưng quyết liệt. Lộ trình này do Chính phủ vạch ra, được các địa phương triển khai ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020. Hàng loạt vấn đề đã đặt lên bàn nghị sự, cân nhắc giữa kinh tế và an toàn sức khỏe, về lưu thông, về ổn định xã hội…
Giữa “bão” dịch, khi nhiều địa phương lần lượt cho học sinh tạm nghỉ học, lại thấy phát sinh nỗi lo mới. Có luồng ý kiến ủng hộ, vì dù sao phụ huynh không phải nơm nớp lo cho sức khỏe của con cái; ngay giáo viên ở các địa bàn chưa có kế hoạch tạm nghỉ tại Quảng Nam cũng thoáng chút băn khoăn, nhất là khi họ phải mang khẩu trang giảng bài. Luồng ý kiến khác thì vặn vẹo: Phụ huynh biết gửi con nhỏ ở đâu để đi làm?
Tất nhiên, những mối lo đó không hề là chuyện vụn vặt, bởi liên đới đến công việc chung và riêng ngay sau kỳ nghỉ dài ngày. Lại thêm một bài toán khó nảy sinh… Nhưng rồi, bình tâm suy xét sẽ thấy, tình thế buộc mọi người phải tự thu xếp. Ở tầm vĩ mô, từ phiên họp chiều 27.1 (mùng 3 Tết), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân”. Vậy thì, mọi phát sinh có tính “vi mô” kiểu như gửi con ở đâu chắc chắn sẽ thu xếp và chấp nhận được.
Trước nạn dịch đã gây ra mối quan tâm ở cấp độ toàn cầu (riêng Việt Nam công bố dịch hôm 1.2), trách nhiệm của mỗi công dân bây giờ là hành động. Nhưng đó phải là hành động có tính toán, biết lựa chọn và được cộng đồng chia sẻ. Cho học sinh tạm nghỉ học cũng là một cách lựa chọn. Tất cả cho một lần đối diện nCoV với tâm thế “lo” chứ không “sợ”. Và mỗi công dân cùng góp sức để xua đi nỗi lo âu đó.