1.Tính hết tháng 8 đầu năm nay, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn Quảng Nam đã quay trở lại điệp khúc “nóng”. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 181 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 123 người và bị thương 125 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ TNGT giảm 6, giảm 31 người bị thương, nhưng lại tăng 6 người chết. Thực trạng nhói lòng lại diễn ra dồn dập trên đường sắt, khi thống kê có đến 10 vụ tai nạn gây tử vong cho 11 người và có thêm 4 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tăng 9, tăng 10 người chết và tăng 4 người bị thương.
Xe ben cơi nới thùng, chở quá tải trọng ngang nhiên lưu thông trên một tuyến đường địa phương. Ảnh: S.C |
Một cán bộ làm công tác chuyên môn nhận định, bỏ qua yếu tố bộ phận người dân chưa nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trật tự ATGT cũng như hạ tầng còn yếu kém, có thể cảm nhận người đứng đầu chính quyền ở cấp huyện, nhất là xã, phường, thị trấn chưa thật sự làm hết sức vai trò trách nhiệm của mình. Có việc gì, họ đều kêu ca, kiến nghị UBND, Ban ATGT và các ngành chức năng của tỉnh can thiệp, mặc dù quyền hạn đã phân cấp thật rõ ràng. Chẳng hạn như chuyện kiểm soát, xử phạt xe chở quá tải. Trước khi lưu thông trên tỉnh lộ, phương tiện muốn vào mỏ chở vật liệu phải đi trên đoạn đường trung gian thuộc địa bàn mình quản lý. Hà cớ gì, chủ tịch UBND, kiêm trưởng ban ATGT cấp huyện không chỉ đạo cho trưởng công an, kiêm phó trưởng ban ATGT cùng cấp cử lực lượng chức năng, có thể gồm cả cảnh sát giao thông và cảnh sát môi trường làm rốt ráo tận gốc. Cứ để thong dong, rồi đến lúc “hung thần” chạy bạt mạng trên tỉnh lộ, quốc lộ gây khiếp vía cho mọi người, phá hoại hạ tầng giao thông, hủy hoại môi trường sống là cầu cứu, nếu không ổn là vô tư đổ lỗi cho thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tỉnh.
Xin được nói thêm rằng, theo Quy chế phối hợp số 12/QCPH-BGTVT-UBND giữa Bộ Giao thông vận tải với UBND tỉnh, quyền hạn và trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt là không nhỏ. Vậy mà, hành lang an toàn cứ bị lấn chiếm và tái lấn chiếm; đường ngang bất hợp pháp vừa “đóng”, qua một đêm lại bị người dân tháo ra và tiếp diễn nhiều ngày mà chính quyền sở tại không hay biết.
2.Các địa phương đề nghị ngành chức năng, Ban ATGT tỉnh lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu nơi ngã ba, ngã tư và được đáp ứng. Song, buồn thay cột đèn giao thông chừng như chỉ để tô điểm cho thị trấn, thị tứ đã “lên đời”. Đại bộ phận người dân chỉ tuân thủ nghiêm đèn tín hiệu khi thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông. Thực trạng trên cho thấy, nếu khâu tuyên truyền mà không đi đôi với tuần tra, xử lý thì biết bao giờ mới điều chỉnh được hành vi không tự giác chấp hành pháp luật trật tự ATGT từ phía một bộ phận nhân dân. Chưa kể, có trường hợp cơ quan tham mưu nào cũng “ngó qua, ngó lại”, rồi thả nổi cho sự việc trôi ngoài tầm kiểm soát.
Một cán bộ thuộc phòng kinh tế và hạ tầng cấp huyện có lần bộc bạch, nhằm tránh chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”, cấp trên mới phân cho lãnh đạo đơn vị đảm đương phó trưởng ban thường trực ATGT, còn trưởng công an cấp tương đương giữ chức phó trưởng ban ATGT. “Tuy nhiên, nhiều ý kiến đóng góp của chúng tôi rất ít được lực lượng chức năng tán thành trong thực tế cần tăng cường tuần tra, kiểm soát. Họa may, chủ tịch UBND kiêm trưởng ban ATGT có chỉ đạo rốt ráo, nhất là thông qua về mặt tổ chức đảng hay không mà thôi” - người này cho hay. Đến đây, Sáu tôi nhớ lại sự việc Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT TP.Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong vừa qua đã mời phó chủ tịch UBND một địa phương nọ ra về, do đi dự họp không đúng thành phần. Bởi vì, giấy mời gửi đích danh chủ tịch UBND, trưởng ban ATGT cấp quận, huyện. Ông khẳng định, bản thân không áp đặt bằng ý chí và quyền lực, mà đó phải là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Sự thẳng thắn, cương quyết trong điều hành, chỉ đạo liên quan trực tiếp đến tính mạng con người như ông Phong là điều rất đáng được người đứng đầu, đặc biệt là cấp huyện noi gương, để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu TNGT hiệu quả.
SÁU CÒI