Trách nhiệm thuộc về ai?

SÁU CÒI 08/10/2014 09:11

Báo Quảng Nam đã từng phản ánh những bất cập về hoạt động của các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh. Bao nhiêu tồn tại, hạn chế của dịch vụ vận tải hành khách công cộng theo hướng văn minh này có một phần lỗi từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng cũng phải nói lại, doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) kinh doanh vận tải tham gia loại hình trên đóng vai trò “quan trọng” về hành vi vi phạm của chính thành viên mình. Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ nêu rõ trách nhiệm của DN, HTX kinh doanh xe buýt. Theo đó, các đơn vị phải áp dụng các biện pháp để tổ chức, thực hiện đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác đã ký kết trong hợp đồng. Lập kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thống kê, phân tích và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Đăng ký mẫu thẻ tên và đồng phục của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe với sở GTVT có tuyến xe buýt nơi mình đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh.

Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT cũng quy định DN, HTX phải cấp đồng phục và thẻ tên cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; thẻ tên phải được dán ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) ban hành. Đặc biệt, DN và HTX phải chịu trách nhiệm nếu phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe vi phạm các quy định về hoạt động vận tải. Đồng thời lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt phải đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu đơn vị đã đăng ký với sở GTVT; thực hiện đúng biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt. Cung cấp thông tin về hành trình tuyến, các điểm dừng khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ “thượng đế” (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ) khi lên, xuống xe. Đội ngũ này có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách không tự kiểm soát được hành vi, gây mất an ninh trật tự, an toàn trên xe; từ chối vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy nổ, hàng có mùi hôi tanh hoặc động vật sống. Quy định trên chắc chắn DN và HTX đã nắm bắt kỹ càng, các lái xe và nhân viên được phổ biến nhưng họ gần như “nói không” với việc thực hiện.

Để “chỉnh” hành vi vi phạm, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP trao quyền xử phạt thật nặng cho lực lượng chấp pháp. Song, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và cả thanh tra GTVT đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nghị định này nêu rõ, nhân viên và lái xe không hỗ trợ, giúp đỡ hành khách đi xe là người cao tuổi, trẻ em không tự lên xuống xe được, người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật thị giác; không mặc đồng phục, không đeo thẻ tên sẽ bị phạt tiền 50 - 60 nghìn đồng. Nhân viên thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách; thu cao hơn quy định bị phạt 100 - 200 nghìn đồng. Đội ngũ trên còn bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng khi đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách… Một vị cán bộ thường xuyên sử dụng xe buýt bày tỏ, các lực lượng chức năng mà “cố tình” làm đúng, DN và HTX sẽ không buông lỏng quản lý, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe sẽ không có cơ hội gây ức chế cho “thượng đế” đến vậy. Riêng Sáu Còi khẳng định, chế tài đã quá rõ ràng, vấn đề còn lại là các đơn vị quản lý trực tiếp, mà nhất là lực lượng chức năng có “chịu khó” vào cuộc hay không mà thôi.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trách nhiệm thuộc về ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO