Hôm nay 8.11, phiên họp thứ hai của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội (khóa XV) được tổ chức tập trung tại hội trường. Ở phiên họp trực tuyến toàn quốc diễn ra từ ngày 20.10 - 30.10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung trình kỳ họp, và cả kiến nghị đến Quốc hội những vấn đề được cử tri quan tâm, phản ánh…
Ghi nhận phản ánh từ thực tiễn
Phản ánh với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ hai, cử tri Hoàng Thị Liên - xã Bình Sa (Thăng Bình) nói: Hiện nay, Nhà nước bắt buộc học sinh phải mua bảo hiểm y tế (BHYT) tại trường với mức phí quy định là 563.220 đồng/năm.
Quy định này không đúng với hoàn cảnh và đối tượng, vì các em học sinh là người phụ thuộc, người ăn theo lao động trong hộ gia đình, chứ không phải là đối tượng làm công ăn lương phải đóng theo mức phí quy định bắt buộc.
Trong khi đó, hệ thống chính trị địa phương đang vào cuộc tuyên truyền vận động toàn dân tham gia BHYT tự nguyện để đảm bảo 100% thành viên trong hộ gia đình mua bảo hiểm.
Cử tri Hoàng Thị Liên phân tích, trong trường hợp các em mua BHYT ở hộ gia đình thì mức phí ở vị trí người thứ 3 khi tham gia là 482.760đồng, tương tự giảm đối với người thứ tư là 402.300 đồng, người thứ 5 là 321.840 đồng và người thứ 6 khi tham gia mức phí là 321.840 đồng.
Như vậy, quy định bắt buộc học sinh phải mua BHYT ở nhà trường với mức phí 563.220 đồng là không hợp lý. Nếu gia đình có 5 con trong độ tuổi học sinh, sẽ rất khó khăn khi mua BHYT ở nhà trường.
Như hộ ông Bùi Văn Bê tại thôn Bình Trúc (Bình Sa), mua BHYT ở nhà trường cho 5 con sẽ tốn 2.816.100 đồng; nếu ông Bê mua theo hộ gia đình được giảm dần cho 5 con nên tổng phí 1.850.580 đồng như vậy chênh lệch 965.520 đồng.
“Đại diện phụ huynh chúng tôi đề nghị Nhà nước hủy bỏ quy định bắt buộc học sinh phải tham gia mức phí quy định tại nhà trường để các em tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, miễn sao các em có thẻ BHYT xuất trình cho nhà trường” - bà Liên kiến nghị.
Liên quan đến lĩnh vực giao thông, nhiều cử tri ở địa bàn có đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua tiếp tục kiến nghị ĐBQH tỉnh có ý kiến với trung ương sớm giải quyết dứt điểm đối với những bức xúc, tồn tại hậu thi công dự án này.
Theo cử tri Nguyễn Đăng Hưởng (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) còn một số hộ dân đã kiểm kê bồi thường bổ sung vẫn chưa được nhận tiền bồi thường. Hệ thống đường chui phục vụ dân sinh nhiều nơi rất nhỏ, chiều cao thấp, đặc biệt là mặt đường thấp hơn nên mùa mưa dễ ngập, nhân dân lưu thông rất khó khăn. Nhiều nơi khi trời đang mưa thì không thể đi lại được, đường chui trở thành cống thoát nước, nước mưa dồn chảy rất xiết, gây nguy hiểm tính mạng.
Nhiều đề xuất, kiến nghị
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (khóa XV) được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và tập trung tại hội trường.
Kết thúc phiên họp trực tuyến của kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội chuẩn bị rất chu đáo, từ đường truyền cho đến các điều kiện khác, quan trọng nhất là tài liệu phục vụ kỳ họp gửi cho ĐBQH nghiên cứu rất kịp thời.
Nhờ đó, ĐBQH có đủ thời gian để nghiên cứu tài liệu kỳ họp; từ đó, tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, tâm huyết, thiết thực đối với từng nội dung ở các phiên thảo luận tổ và trực tuyến.
“Nhiều ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ, hay trực tuyến đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc. Tôi rất phấn khởi khi ý kiến phát biểu, kiến nghị của Quảng Nam đều được tiếp thu” - ĐBQH Lê Văn Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, với trách nhiệm trước cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan đến các đề án trình tại kỳ họp; ghi nhận ý kiến của cử tri, nhân dân nhằm có cơ sở đề xuất, kiến nghị trung ương sớm có giải pháp, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để kéo dài.
“Từng đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh đều có điều kiện nghiên cứu đầy đủ các nội dung. Vì thế mỗi phiên thảo luận tại tổ, hay thảo luận trực tuyến các ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu sôi nổi, góp ý tâm huyết vào nhiều nội dung, dẫn chứng thực tiễn đối với những vấn đề cử tri phản ánh để kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành trung ương” - ông Dũng chia sẻ.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, ở phiên họp tập trung, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị một số nội dung phát biểu tại nghị trường Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, trong đó, Quảng Nam sẽ tiếp tục kiến nghị trung ương chỉ đạo tháo gỡ những mắc mứu hiện nay, như việc quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng liên quan đến tỉnh đã 23 năm nhưng chưa triển khai thực hiện, gây ra biết bao nhiêu hệ lụy, khó khăn cho đời sống người dân trong khu vực.
Hay kiến nghị việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu; chỉ đạo quyết dứt điểm tồn tại, bức xúc phát sinh sau khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào hoạt động. Quảng Nam cũng kiến nghị trung ương có một số cơ chế đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch là những ngành mà tỉnh có thế mạnh nhưng do dịch bệnh Covid-19 bị thiệt hại nặng nề. Tái khởi động để phát triển các lĩnh vực này là việc rất khó, cần sự hỗ trợ, chung tay giúp đỡ của các bộ ,ngành...