Trách nhiệm trước cử tri

NHO TUẤN 06/01/2015 09:13

Ngày 6.1.1946 là một trong những ngày đặc biệt của lịch sử dân tộc Việt Nam, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên - mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo… đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người xứng đáng, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội Khóa I - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đánh dấu sự trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Trải qua 69 năm với 13 khóa, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới phương thức hoạt động; xu hướng dân chủ, cởi mở, thẳng thắn được phát huy; ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu, mong đợi của cử tri.

Cùng với sự phát triển của Quốc hội Việt Nam, trong những năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Quảng Nam đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận tại các diễn đàn của Quốc hội, đặc biệt là mang những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với cử tri huyện Hiệp Đức tháng 12.2014.Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với cử tri huyện Hiệp Đức tháng 12.2014. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Tính cách xứ Quảng

Nói đến tính cách con người xứ Quảng sẽ nghĩ ngay đến sự cương trực, chất phác, thẳng thắn, ít biết quanh co. Người Quảng thường hay bàn luận, nhiều khi tranh luận để tìm ra lẽ phải, đi đến cuối cùng của sự việc. Không phải vì người Quảng thích lý sự mà có lẽ xuất phát từ bản tính cương trực của mình và đặc điểm “hay cãi” cũng xuất phát từ đây. Những con người Quảng Nam tại diễn đàn Quốc hội cũng vậy, không chấp nhận những điều chưa rõ ràng, chưa đi đến sự thật cuối cùng. Đặc biệt, trong những phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quảng Nam thường hay truy vấn trước câu trả lời theo kiểu chung chung, chưa rõ trách nhiệm.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, các ĐBQH Quảng Nam đã đặt ra không ít câu hỏi chất vấn các Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ xung quanh những vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích nhân dân, doanh nghiệp cũng như các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Còn nhớ câu chuyện sự cố rò rỉ nước và động đất ở đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) vào năm 2012, không chỉ nhân dân vùng hạ lưu mà cả nước đều thấp thỏm khi nước rò rỉ qua thân đập và động đất diễn ra liên tục, đe dọa đến sự an toàn của công trình này. Với trách nhiệm trước nhân dân, liên tục 2 kỳ họp thứ 3 và thứ 4, các ĐBQH đoàn Quảng Nam không chỉ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công trình này mà còn truy vấn để làm rõ trách nhiệm. Ngoài ra, những vấn đề nóng khác trong thời gian qua cũng đã được ĐBQH đoàn Quảng Nam đặt ra tại các kỳ họp Quốc hội như: việc xây dựng kè chống sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đất lúa; trồng rừng thay thế và đời sống nhân dân tái định cư các dự án thủy điện; giá xăng dầu, điện liên tục “nhảy múa”, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước lỗ lãi chưa rõ ràng nhưng lương của cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp rất cao; vấn đề chất lượng tín dụng, lãi suất, nợ xấu của hệ thống ngân hàng; việc nợ văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; công tác đào tạo chưa gắn với nhu cầu lao động của xã hội, chất lượng đào tạo nghề; nợ bảo hiểm xã hội; vấn đề tiết kiệm, hiệu quả của các công trình giao thông… Không chỉ chất vấn tại kỳ họp, ĐBQH đoàn Quảng Nam còn chất vấn bằng văn bản, chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề như: công tác quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản; việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Công ty Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn; bất cập trong chế độ, chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức…

Có thể là chưa hết những tâm tư, bức xúc, trăn trở của cử tri, nhưng rõ ràng những nội dung chất vấn trên đã thể hiện được trách nhiệm của ĐBQH Quảng Nam. Chất vấn không phải để thể hiện mình, cũng không phải để gây khó dễ các cơ quan của chính phủ mà chất vấn là để nêu ra vấn đề, làm rõ trách nhiệm, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bởi vậy, một khi vấn đề chưa được giải quyết, trách nhiệm xác định chưa rõ, với tính cách con người Quảng Nam, đại biểu không thể ngồi im, xuê xoa qua chuyện.

Sâu sát với cuộc sống người dân

Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH. Mục tiêu cuối cùng của giám sát là nắm bắt thực trạng đời sống kinh tế - xã hội, phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong việc ban hành và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước để cùng với các cơ quan thẩm quyền có giải pháp nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhìn vào các hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH Quảng Nam từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, không khó để nhận thấy việc chú trọng hướng đến cuộc sống và sản xuất của người dân, từ khu vực nông thôn, các khu tái định cư thủy điện đến hoạt động sản xuất của ngư dân, người dân vùng bãi ngang ven biển.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam - Trần Xuân Vinh phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NHO TUẤN
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam - Trần Xuân Vinh phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NHO TUẤN

Chỉ có sâu sát cơ sở mới am hiểu cuộc sống của người dân, mới thấy hết những khó khăn, trăn trở, mới biết nhân dân cần gì để thoát khỏi cái nghèo, cái khó. Chính vì vậy, Đoàn ĐBQH Quảng Nam đã không ngần ngại đến các khu tái định cư thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4; về các xã bãi ngang ven biển, tiếp xúc trực tiếp với ngư dân bám biển; lắng nghe ý kiến, tâm tư của cán bộ cơ sở làm công tác giảm nghèo, tìm hiểu thực tế việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân… Những câu chuyện từ thực tế, những ý kiến tâm huyết hay những phiếu điều tra xã hội học đã “vẽ” lên bức tranh trung thực về thực trạng đời sống người dân. Với sự sâu sát đó, tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân được các ĐBQH Quảng Nam mang đến diễn đàn Quốc hội một cách đầy trách nhiệm như: kiến nghị về một chính sách giảm nghèo bền vững, phù hợp với từng vùng miền, đừng để người dân mong được nghèo như hiện nay; chú trọng đến sinh kế ổn định lâu dài cho người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu tái định cư thủy điện hơn là những chính sách hỗ trợ trực tiếp; tăng cường hơn nữa đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; có chính sách hỗ trợ kịp thời, bao quát những khó khăn cho ngư dân bám biển… Không thể đòi hỏi những chuyển biến, thay đổi ngay thực trạng sau các kiến nghị của ĐBQH nhưng bước đầu đã có sự ghi nhận, thay đổi về nhận thức, góp phần tạo ra cái nhìn sinh động hơn về thực trạng đời sống, sản xuất của người dân. Nhiều chủ trương, chính sách mới đã được ban hành phù hợp hơn, sát thực hơn với yêu cầu thực tiễn.

Trách nhiệm của đại biểu trước cử tri không chỉ là việc ghi nhận, chuyển đến Quốc hội và các cơ quan nhà nước những ý kiến, kiến nghị mà còn phải tâm huyết theo đuổi đến cùng việc trả lời, giải quyết những ý kiến, kiến nghị đó. Điều này đòi hỏi người đại biểu của dân phải có khí chất, dám nói và dám theo đuổi sự việc. Cùng với xu hướng dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong hoạt động của Quốc hội, hoạt động của các ĐBQH và Đoàn ĐBQH Quảng Nam trong thời gian qua đã không phụ sự tín nhiệm của cử tri.

NHO TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trách nhiệm trước cử tri
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO