Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp du lịch

NHẬT PHONG 13/07/2013 09:24

Danh sách 7 doanh nghiệp (DN) du lịch được tôn vinh sau cuộc thi “Tiếp thị xã hội” không hề xa lạ với giới du lịch Quảng Nam. Điều gì đã làm nên năng lực kinh doanh và khả năng trên thương trường của họ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này?

1.Công ty Du lịch - dịch vụ Hội An từ một nhà hàng bé nhỏ với 40 con người tay ngang đã trở thành một “đại gia” làng du lịch Quảng Nam nhờ vào việc coi trọng yếu tố con người với những định hướng phát triển DN đều có sự tham vấn của những người lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm du lịch. Ngoài những chính sách bắt buộc của Nhà nước, những hình thức tập huấn, thỏa ước lao động đã được ký kết trên cơ sở thương lượng từ hai phía với các chế độ chính sách cao hơn, có lợi hơn cho người lao động như giảm thời gian làm việc, hỗ trợ học phí, tăng chế độ an sinh xã hội… đã giúp người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài. Hay một Sunrise mới chỉ gia nhập làng du lịch Quảng Nam vào tháng 3.2013, ngoài thu nhập ổn định, chế độ an sinh cho 324 nhân viên (90% người địa phương) thì việc xây dựng mối quan hệ với người lao động thông qua việc lắng nghe thu thập ý kiến giải đáp những thắc mắc và quan tâm đến đời sống nhân viên đã nhận được sư thiện cảm từ phía người lao động…

Những DN này đều xứng đáng được “tôn vinh” qua cái nhìn của người lao động. Song vẫn khẳng định rằng họ không phải là những DN hàng đầu, đại diện cho hình ảnh “trách nhiệm xã hội của DN du lịch với người lao động” mà phải được hiểu rằng họ được vinh danh thông qua sự góp mặt các bài thi từ nhân viên của họ. Không ít chủ DN đã thực hiện triết lý của một người kinh doanh, lợi ích lớn nhất vẫn là lợi nhuận, nhưng lợi ích phải được chia đều cho những người tham gia. Nỗ lực, sáng tạo của người lao động sẽ nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng… Nhưng cũng không ít chủ lao động đi ngược lại quá trình vận động của đời sống, vắt kiệt sức lao động người làm công để đạt lợi nhuận tối đa cho mình.
2.Theo kết quả của vài cuộc điều tra mới đây, giới DN đều hài lòng về chất lượng và trình độ của người lao động ngành du lịch nhưng vẫn phàn nàn về thách thức gặp phải trong việc tuyển dụng lao động. Chỉ có 26% số DN được khảo sát cho rằng việc tuyển dụng lao động theo nhu cầu khá dễ dàng, còn lại phần lớn DN (56%) gặp khó khăn khi tuyển dụng, 10% DN không có năng lực trả đủ lương cho người lao động cần tuyển, số ít còn lại gặp khó khăn trong việc không thu hút được người lao động do điều kiện làm việc và lao động tại DN chưa tốt, không có lao động đến dự tuyển. Các nghiên cứu của dự án SIT cho thấy tỷ lệ luân chuyển lao động trong ngành du lịch Quảng Nam rất cao (từ 20 - 50%). Con số tỷ lệ thay thế lao động cao thông thường có nguyên do từ xu hướng tìm kiếm mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn của người lao động. Sự khó khăn này còn gia tăng khi sự cạnh tranh giữa các DN trong tuyển dụng, thu hút lao động của nhau trong ngành du lịch. Lực lượng quản lý và lãnh đạo du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển du lịch, đặc biệt cấp giám sát, quản lý bộ phận giỏi còn thiếu so với nhu cầu thực tế nên sự dịch chuyển lao động lòng vòng giữa các cơ sở lưu trú trên cùng một địa bàn thường xuyên xảy ra. Người ta vẫn thường đau đầu việc một dự án ra đời đã sử dụng chính sách chiêu hiền đãi sĩ thông qua việc trả lương cao hơn DN cũ, đã làm “choáng ngợp” nhiều cán bộ, công nhân có tay nghề cao khiến họ sẵn sàng rời bỏ công việc đang làm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhân sự ở các DN du lịch. Đây là điều khó tránh khỏi trên thực tế, bởi một khi DN không đủ nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của người lao động về điều kiện làm việc và mức lương bổng thích đáng, sẽ xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Và phía ngược lại, chủ DN cũng phải vì cuộc mưu sinh tính toán cho vận mệnh của DN mình!
3.Không tham vọng lớn lao gì nhiều về sự thay đổi quan niệm “gắn kết” giữa giới chủ và người lao động để tạo ra sự thông hiểu, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững trong phát triển du lịch khi chỉ thông qua một cuộc thi ngắn ngủi với số lượng người tham gia hạn chế. Nhưng trên thực tế gần đây, trong các diễn ngôn của DN, doanh nhân luôn có những dấu nhấn về khía cạnh nhân đạo, đóng góp vào sự phát triển của người lao động và xã hội. Phải công nhận sự thật là trách nhiệm xã hội của DN không phải là một dòng sông yên tĩnh. Nó đầy khó khăn khi phải toan tính giữa lợi nhuận và lợi ích cộng đồng. Nhưng việc nhiều DN xác nhận được những khó khăn, mâu thuẫn và việc cần phân xử cũng là dấu hiệu cho thấy giới doanh nhân đã bắt đầu thay đổi quan niệm. Có thể ví sự thay đổi quan niệm trong hài hòa các mối lợi ích của kinh doanh như một cuộc hành trình. Mà “Một cuộc hành trình ngàn dặm phải bắt đầu bằng những bước nhỏ”. Bởi thước đo sự kính trọng, tôn vinh doanh nhân không phải công ty anh lớn hay nhỏ, kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng hơn là DN và anh đã mang lại cho xã hội cái gì, có góp phần làm thay đổi xã hội và làm cho cuộc sống của con người tốt lên hay không? Vì vậy, con đường dài hơi này rất cần sự vận động không ngừng của chính quyền, cơ quan quản lý, DN và người lao động.

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO