Hơn 20 hộ dân sinh sống tại khu vực giáp ranh giữa các thôn Phú Quý, Phú Ngọc, Phú Bình và Phú Thạnh (còn gọi là xóm Diên Hồng, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) có đơn khiếu nại: Trong thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại xóm Diên Hồng ngày càng trầm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nguyên nhân là do mô hình nuôi heo rừng lai tự phát của ông Nguyễn Văn Danh gây ra. Do không tuân thủ các quy trình về bảo vệ môi trường theo quy định của ngành chăn nuôi như xây dựng chuồng trại gần khu dân cư, hệ thống xử lý nước thải thủ công, xả trực tiếp ra môi trường gây mùi hôi thối, phát sinh ruồi nhặng dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh. Điều đáng nói là mô hình chăn nuôi này chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương. Bà Trần Thị Minh Thại (thôn Phú Thạnh) cho biết: “Những ngày nắng nóng, ruồi nhặng nhiều, chúng bay vào nhà, bu bám vào mọi vật dụng, dùng tấm dính ruồi để bẫy vẫn không xuể. Đến bữa cơm, gia đình tôi phải thả mùng mới tránh được ruồi”.
Trại nuôi heo rừng lai tự phát bốc mùi hôi thối, phát sinh ruồi nhặng khiến người dân xóm Diên Hồng rất bức xúc. Ảnh: H.G |
Ông Trương Công Phước (thôn Phú Bình) bức xúc: “Chịu không thấu với ruồi nên chúng tôi làm đơn khiếu nại gửi UBND xã Tam Phú giải quyết, mới hay mô hình chăn nuôi này là tự phát. Hơn một tháng trôi qua nhưng chính quyền địa phương và cơ quan có chức năng vẫn chưa vào cuộc kiểm tra, xử lý”. Nếu tình trạng ô nhiễm, mất vệ sinh do ruồi nhặng xuất hiện ngày một nhiều mà không được xử lý, để kéo dài thì nguy cơ về phát sinh dịch bệnh là rất cao. Ở đây hầu hết các hộ đều làm nghề bán nước giải khát cho du khách nên ai cũng lo lắng cho thu nhập, ổn định cuộc sống. Bà con mong muốn trình trạng chăn nuôi trái phép, không tuân thủ các quy định về chăn nuôi, về bảo vệ môi trường phải được xử lý dứt điểm”.
Chiều ngày 9.10, đoàn kiểm tra của xã Tam Phú gồm địa chính, thú y và kinh tế xuống hiện trường chăn nuôi heo để kiểm tra, ghi nhận thực tế. Theo đoàn kiểm tra, hộ trực tiếp chăn nuôi là ông Nguyễn Văn Danh (thôn Phú Ngọc), còn chủ trại heo được xác định là ông Nguyễn Thanh Tùng (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) và người cung cấp con giống có tên là Sơn (huyện Phú Ninh). Trại heo này rộng khoảng 100m2, khoảng cách từ nhà dân gần nhất đến trại heo chưa tới 50m, đang nuôi nhốt 59 con heo rừng lai lớn nhỏ. Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi xả trực tiếp ra hầm đất, che đậy sơ sài bằng tấm fibro xi măng và ni lông. Ông Lê Văn Trí - cán bộ địa chính xã Tam Phú khẳng định: “Đây là mô hình nuôi heo tự phát, chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương. UBND xã Tam Phú cũng đã 3 lần mời 3 hộ tham gia nuôi heo lên làm việc nhưng họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn cho việc giải quyết theo đơn khiếu nại của người dân”.
Ông Nguyễn Quang Cư - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết: “Sau đợt kiểm tra này, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ngành chức năng của thành phố để xử lý dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật”. Người dân xóm Diên Hồng rất mong lời hứa của lãnh đạo xã sớm trở thành hiện thực để không phải sống trong môi trường bị ô nhiễm vì sự tồn tại của trại heo tự phát.
HÀN GIANG