(QNO) - Nhiệt độ trung bình trên trái đất hiện nay luôn nóng hơn 1 độ C so với những năm cuối 1800 và sẽ đạt ngưỡng 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới. Đây là báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).
Các nhà khoa học cảnh báo, con người phải giữ cho nhiệt độ toàn cầu trung bình hằng năm không kéo dài ở mức hoặc hơn 1,5 độ C để tránh những tác động lâu dài và thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu, như lũ lụt, hạn hán.
Cạnh đó, sự nóng lên của đại dương gây ra các cơn bão nhiệt đới cũng khiến các loài sinh vật biển chết hàng loạt.
Ông Randall Cerveny - giáo sư chuyên khoa học khí hậu tại Đại học bang Arizona (Mỹ) và là báo cáo viên của WMO nói: “Chúng tôi đang thấy sự thay đổi ngày càng nhanh trong khí hậu của chúng ta”.
Cũng theo giáo sư Randall Cerveny: “Chúng tôi đã từng nghĩ rằng, với kịch bản Covid-19 năm ngoái, việc đi lại hạn chế, nhiều ngành sản xuất giảm hoặc tạm dừng hoạt động có thể là yếu tố giúp giảm khí thải nhà kính, kìm hãm gia tăng nhiệt độ trái đất. Nhưng những gì chúng ta đang thấy, thành thật mà nói, điều đó không xảy ra”.
WMO cho biết, những năm có nhiệt độ cao kỷ lục mang đến một cái nhìn về tương lai. Ví dụ, năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận với nhiệt độ toàn cầu nóng hơn khoảng 1,2 độ C so với những năm cuối 1800.
Hệ lụy kéo theo là hàng triệu người trên trái đất phải gánh chịu những tổn thất to lớn. Như Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới trải qua số lượng kỷ lục về các thảm họa thời tiết gây thiệt hại hàng tỷ đô la, bao gồm những trận siêu bão và cháy rừng.
Trong khi đó, hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt trên diện rộng đã gây tử vong nhiều người dân trên mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Thống kê của công ty tái bảo hiểm hàng đầu thế giới - Munich Re (Đức), thiên tai năm 2020 gây thiệt hại 210 tỷ USD trên toàn cầu (năm 2019 là 150 tỷ USD), cướp đi sinh mạng của khoảng 8.200 người.
Do đó, giáo sư Randall Cerveny nói: “Nhiệt độ trái đất tăng 1,5 độ C là một con số rất rất lớn. Thế giới cần phải quan tâm đến điều đó”.
Mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ cho sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp (1880 - 1900), lý tưởng hơn nữa là mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Bởi vậy, nhiệt độ nóng vượt quá 1,5 độ C trong trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ không vi phạm Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, với sự gia tăng lượng khí thải nhà kính mỗi năm ngày càng có nhiều khả năng gây ra hiện tượng ấm lên thảm khốc.
Do đó, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas phát biểu trong báo cáo trên: “Báo cáo là một lời cảnh tỉnh nữa rằng thế giới cần phải theo dõi nhanh các cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đạt được mức độ trung lập của các-bon”.