Đọc văn học Việt Nam chắc hẳn độc giả từng biết đến những nhân vật như Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu, vợ chồng Mị - A Phủ hay hai đứa trẻ… Mới đây, những nhân vật văn học này đã “tái xuất” với diện mạo mới trong tập truyện ngắn “phái sinh” - “Những khán giả ngồi trong bóng tối” (NXB Kim Đồng, 2023) của tác giả Hiền Trang.
Đối với tập sách “Những khán giả ngồi trong bóng tối”, tác giả Hiền Trang đã tận dụng nền văn học nước nhà làm nguồn nguyên liệu, cảm hứng sáng tác chính cho 12 truyện ngắn phái sinh mang đến những diện mạo, góc nhìn mới và cả những sinh nghĩa.
Diện mạo và góc nhìn mới có sự tính toán khách quan, khi Hiền Trang kiến tạo những nhân vật không hề có mặt trong tác phẩm gốc - chính họ sẽ kể về những nhân vật chính nổi tiếng trong văn học Việt.
Phái sinh tồn tại trong hội họa qua ví dụ: Năm 1919, họa sĩ Marcel Duchamp sao chép tác phẩm Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci rồi vẽ thêm ria mép cho người đàn bà nổi tiếng trong giới hội họa. Văn chương vốn có sẵn nguyên liệu khổng lồ cho những sáng tạo phái sinh. Và ngay cả những bậc thầy kể chuyện cũng lấy ra từ đó những thành phẩm có sẵn để tiếp tục đục đẽo. Như Franz Kafka viết “Sự thật về Sancho Panza” với các nhân vật bất tử của Cervantes, chỉ là ở đây, Don Quixote trở thành con quỷ ám của Sancho Panza…
Chẳng hạn, Chí Phèo qua lời kể của một đứa cháu bị dính lời nguyền của dòng tộc (Lời nguyền làng Vũ Đại), chị Dậu qua lời kể một bóng ma (Mộng tưởng cuối cùng của chị Dậu), hai đứa trẻ qua lời kể của người lữ khách (Những đứa trẻ sinh ra từ đêm), giáo Thứ được kể qua giấc mộng của chính anh (Nơi yên nghỉ một giấc mộng mòn), Huấn Cao qua lời kể từ chàng đao phủ mê thơ (Người tử tù không đầu)… Dễ nhận thấy, Hiền Trang có ngụ ý tạo ra những không gian văn học mới trên nền tác phẩm gốc.
Chưa dừng lại, để những thứ truyện kể trên vốn không phải kiểu “văn chế” hay “vẽ vời”, bắt chước, Hiền Trang đặt định một phong cách viết độc đáo khi vận dụng vốn kiến văn cùng văn hóa - nghệ thuật, lịch sử, triết học… để có thể nhìn nhận và viết về Chí Phèo, Mị hay chị Dậu qua chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Nam Mỹ của Juan Rulfo hay Gabriel García Márquez; nhìn sự tịnh lặng cô đơn của hai đưa trẻ qua chủ nghĩa hiện đại của những kẻ lang thang như Flaubert, Modiana; nhìn Huấn Cao qua sự kỳ ảo kinh dị của văn học thời kỳ gothic và chủ nghĩa siêu thực; nhìn sự gian giảo của Xuân Tóc Đỏ qua kiểu cách trào lộng của Mikhail Bulgacov…
Và khi đọc tập truyện này, mỗi độc giả không chỉ được dịp đọc (nhớ) lại tác phẩm gốc của văn chương Việt, mà còn được “phiêu” cùng những phái sinh khơi gợi trí tưởng tượng và hiểu thấm những sinh nghĩa được truyền tải vào trang viết.
Đó là những mong chị Dậu hiểu rằng “cuộc sống như một con đỉa, chặt đôi nó ra thì nó sẽ nhân ra mãi, không ai giết được nó”.
Đó là đàn kiến ký ức với những cú đốt khiến “những đứa trẻ” tê liệt. Một giấc mộng được người ta (giáo Thứ) mang theo, thì nên đi về đâu? - “nên thôi đắn đo và làm một điều gì đó”. Hay cùng tìm lời lý giải vì sao “Người lương thiện thì phải rạch mặt”?...
“Khi cuốn sách này ra đời, điều tôi mong muốn nhất đơn giản là sau nó, lại có người khác tiến lên, vẽ tiếp vào chân dung những nhân vật bất tử ở đây, có thể không là ria nữa, mà là một chòm râu, một nốt ruồi chẳng hạn”- chia sẻ của Hiền Trang trong lời mở của cuốn sách - như lời cổ võ người viết hãy góp bút cho những phái sinh trên cánh đồng văn chương vốn rộng khôn cùng.
Tác giả Hiền Trang (SN 1993, tại Hà Nội) đã in một số tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, tiểu luận… Năm 2022, cô đại diện Việt Nam tham gia chương trình Viết văn quốc tế của Đại học Iowa, Mỹ cùng với 33 tác giả, nhà văn đến từ nhiều quốc gia.