Du lịch

Trải nghiệm "mùa thu vàng" ở xứ sở bạch dương

LÊ NGỌC ÁNH 10/11/2024 09:42

Mùa thu nước Nga từ lâu đã được ví như một kiệt tác thiên nhiên. Từ “mùa thu vàng” như trong tranh của Levitan cho đến nét hoang sơ của vùng Siberia, đều để nhớ để thương cho người may mắn đặt chân đến Nga ngay những ngày này...

z6005413227723_c502dd4ef911b83fe80464864049a4f3(1).jpg
"Mùa thu vàng" ở xứ sở bạch dương.

“Mùa hè rớt” của nước Nga

Gần 8 năm ở Nga, hầu như mùa thu năm nào tôi cũng thấy mình may mắn bởi được tận hưởng khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất nước này. Tôi thích gọi mùa này ở Nga bằng cái tên “Mùa hè rớt” hơn là mùa thu. Cụm từ “Mùa hè rớt” bắt nguồn từ nhà thơ Bằng Việt khi ông dịch bài thơ Бабье Лето của nữ thi sĩ nổi tiếng Olga Berggolts. Бабье Лето (Mùa hè của các quý bà) diễn tả mùa thu vàng đẹp đẽ đó giống như vẻ đẹp đằm thắm của người phụ nữ đang độ tuổi hồi xuân.

Olga Berggolts đã miêu tả “Mùa hè rớt” bằng những câu chữ nhẹ nhàng thế này: “Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ - Sắc nắng êm ru, màu trời không chói”. Mùa hè rớt thường kéo dài trong khoảng thời gian một đến hai tuần và khiến người ta vô cùng trân quý nó, trước khi bước vào mùa đông dài lạnh giá.

Những ngày đó, cả thành phố Moskva như sáng bừng lên giữa muôn sắc đỏ sắc vàng. Tôi thích đến trường sớm, để được ngắm nhìn những giọt tuyết còn vương trên lá, lấp lánh dưới nắng mai. Những chiếc lá vàng lá đỏ như ngàn bông hoa nở rộ trên cây.

Buổi chiều, trong các khu rừng ở công viên quanh thủ đô Moskva, sẽ được nghe tiếng lá xào xạc dưới từng bước chân qua. Có những chiều ngồi lặng lẽ nghe tiếng đàn guitar réo rắt của chàng trai trẻ giữa rừng vàng bên bờ sông Moskva, chúng tôi hòa mình vào bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên nơi này.

nga2.jpg
Mùa thu trong rừng nước Nga.

Những chuyến đi ngắn về vùng ngoại ô thủ đô, chúng tôi men theo những con đường nhỏ rợp bóng cây, ngắm những ngôi nhà xinh xinh với màu nâu của gỗ, của đất, màu vàng màu đỏ của lá, màu xanh của trời trong cái nắng ươm vàng của mùa thu.

Hoang sơ Siberia

Mùa thu ở vùng Siberia lại mang nét hoang sơ và bạt ngàn của thiên nhiên rộng lớn. Sau 6 giờ đồng hồ bay từ Moskva, tôi đến Irkutsk và gần như choáng ngợp trước khung cảnh tuyệt đẹp của những cánh rừng taiga rộng lớn và đầy màu sắc đang hiện ra trước mắt.

Ngôi làng Listvyanka đón tôi với nắng vàng rực rỡ. Đây là một làng chài nhỏ nằm bình yên bên hồ Baikal, là nguồn của sông Angara – con sông duy nhất chảy từ hồ nước ngọt sâu nhất thế giới.

Khoảnh khắc được tận mắt nhìn thấy “viên ngọc của vùng Siberia” vào chiều nắng thu rực rỡ là một trong những khoảnh khắc suốt đời tôi không thể nào quên. Cáp treo đưa tôi lên đài quan sát Cherskogo Rock để ngắm nhìn hồ Baikal và sông Angara từ trên đỉnh núi.

Tôi lặng người trước vẻ đẹp đang trải ra trước mắt mình. Rừng taiga đang thay lá nên màu sắc có cả xanh, vàng và đỏ xen lẫn, phía xa xa là nơi trời nước gặp nhau. Khung cảnh vừa dịu dàng, êm đềm vừa hùng vĩ bao la.

Trên đài quan sát, những dải ruy băng vải đủ màu sắc đang bay phất phới trong gió, càng điểm xuyết thêm bức kiệt tác của thiên nhiên và đất trời này. Đây là một phong tục của người Buryat theo Shaman giáo, họ thường treo những dải ruy băng vải để thể hiện lòng thành kính và gửi lời cầu nguyện đến người đã khuất.

nga.jpg
Bên mặt hồ trong rừng vào thu.

Chiều dần buông, tôi đến chợ Baikal nhỏ nằm bên hồ để được thưởng thức cá omul hun khói. Món cá trắng Baikal này bạn bè người Nga dặn tôi nhất định phải ăn khi đến Listvyanka.

Sau khi ăn xong, tôi mua thêm một con nữa để ra bãi cát, vừa thưởng thức vừa ngắm hoàng hôn đang phủ xuống mặt hồ. Khoảnh khắc này, tôi đã hiểu vì sao chiều thu trên hồ Baikal có thể làm say đắm lòng bao người đặt chân đến nơi này.

Vì muốn trải nghiệm tuyến đường sắt huyền thoại xuyên Siberia, tôi quyết định lên chuyến tàu từ Irkutsk đến Ulan-Ude. Đó là đoạn đường tôi có thể nhìn ngắm hồ Baikal, rừng taiga vùng Siberia qua ô cửa kính toa tàu.

Nhìn những cánh rừng bạt ngàn ngoài kia, tôi đã hiểu vì sao người ta gọi Siberia là “lá phổi xanh của Trái đất”. Thỉnh thoảng, tàu đi qua những ngôi làng nhỏ nằm kề chân núi, thấy từng đàn bò, đàn ngựa thong thả gặm cỏ trong ánh chiều, lòng tôi ngập tràn cảm giác bình yên.

Trên chuyến tàu xuôi về phía đông đó, tôi đến thành phố Ulan-Ude, thủ phủ của Cộng hoà Buryat. Đây là một nơi khá khác biệt so với những thành phố khác ở Nga khi đa số dân địa phương theo đạo Phật, trong khi ở các nơi khác thì theo Chính thống giáo. Đây cũng là một địa điểm hành hương nổi tiếng của các tín đồ Phật giáo.

Với tôi, mùa thu vàng nước Nga - “mùa hè rớt” rực rỡ còn là mùa nhắc nhớ tôi hãy sống cho hiện tại, trân quý từng khoảnh khắc cuộc sống đang chảy tràn qua mình. Khi tận hưởng cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên trước mắt, tôi biết, mình đã đem lòng yêu nước Nga từ thuở nào.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trải nghiệm "mùa thu vàng" ở xứ sở bạch dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO