(VHQN) - Thành phố Hyderabad là thủ phủ chung của bang Telangana và Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ. Đây là vùng đất đậm văn hóa bản địa tiêu biểu ở xứ sở thần linh.
Những sự khác biệt thú vị
Bất cứ ngôi làng nhỏ hay trung tâm hành chính ở thành phố Hyderabad đều thờ một vị thần, nhân vật lịch sử tiêu biểu, đi đến đâu cũng có đền đài và người dân có niềm tin mãnh liệt vào thần linh.
Một buổi chiều, đang mua hàng ở quầy tạp hóa, tôi thấy đoàn người trong trang phục truyền thống, đầu đội mâm trái cây và nhiều lễ vật khác. Họ lặng lẽ đi nhiều vòng xung quanh một đền đài cổ, nét mặt nghiêm trang. Có một phụ nữ bồng theo một trẻ nhỏ đi cuối hàng làm tôi chú ý. “Họ làm lễ gì vậy?”.
Bà chủ cửa hàng nói: “Thiên thần bé nhỏ đã đủ ngày tháng, họ tạ ơn thần linh, cầu mong cho em bé may mắn, nghi lễ truyền thống của bất kỳ phụ nữ sau khi sinh tròn tháng”.
Xây dựng làng quê theo tiêu chí hạnh phúc
Ở vùng nông thôn miền Nam Ấn Độ có phong trào xây dựng làng mẫu, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, hướng dẫn phương thức, lấy người trẻ làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền. Đặc biệt, mọi phương thức xây dựng làng đều do người dân quyết định, dựa vào các tiêu chí rất mở của chính quyền. Vì thế làng mẫu giữ được đặc trưng văn hóa truyền thống nhưng vẫn có nét tươi mới, cộng đồng ý thức giữ gìn sạch sẽ, hài lòng với cuộc sống của chính họ. Đây là mục tiêu quan trọng nhất mà chính quyền hướng đến: Tiêu chí hạnh phúc.
Ở xứ sở này, người dân tín ngưỡng Ấn Độ giáo, đạo Hindu, Hồi giáo và không ăn thịt bò, thịt heo. Hầu như cư dân ở thủ phủ Hyderabad ăn chay quanh năm và chỉ ăn thịt vào dịp cuối tuần, chủ yếu là thịt cừu và thịt gà.
Ấn Độ không chỉ có tôn giáo, tín ngưỡng mà ẩm thực đất nước này cũng nhiều màu sắc. Người Ấn tự hào về món cari nổi tiếng thế giới nhưng cách chế biến và khẩu vị rất khác biệt nên người Việt thường mang theo một số gia vị và thức ăn nhanh như mì ăn liền, nước mắm nếu đi du lịch dài ngày hay công tác, học tập ở Ấn.
Cách ăn của người dân Ấn không sử dụng đũa như Việt Nam hay dao nĩa như các nước châu Âu. Họ hầu như ăn cơm chung với cari trộn đều, dùng tay cho vào miệng. Người Ấn luôn tâm niệm rằng gạo là hạt ngọc trời ban, vì thế phải ăn cơm bằng tay để thể hiện sự trân trọng, biết ơn thần linh.
Và theo người Ấn, 5 ngón tay tượng trưng cho đất, lửa, nước, không khí, trời. Khi ăn bằng tay sẽ cảm nhận hương vị của đồ ăn chuẩn, ngon. Trên đường phố sầm uất, dễ dàng tìm thấy những hàng quán ven đường, người dân nông thôn lên phố bán dạo với thúng bánh Pani Puri trên đầu, khi khách hỏi mua thì hạ thúng xuống, sử dụng ngón tay chọt vào giữa chiếc bánh để thêm sốt gia vị.
Thói quen của nhiều người Việt là buổi sáng ngồi cà phê cùng bạn bè để kích hoạt tinh thần cho ngày làm việc. Còn ở Hyderabad, cà phê là thứ xa xỉ đối với người nghèo. Người lao động phổ thông như chạy xe tuk tuk, quét dọn đường phố hay tài xế taxi… khởi đầu ngày mới xung quanh chiếc xe uống trà Masala Chai và kể về những giấc mơ.
Nói là trà nhưng nguyên liệu chính là sữa tươi và trà đen, thức uống phổ biến ở Ấn Độ. Trên phố, những góc đường còn lãng đãng sương mai, những ly trà sữa ấm nóng làm người lao động phấn chấn tinh thần để bắt đầu ngày mới.
Trải nghiệm từ đường phố
Tại Ấn Độ, bò là linh vật. Những ngày ở Ấn, tôi mới có dịp cảm nhận sự ưu ái của người dân đối với loài vật này. Bò có thể tự do thong dong trên phố, kể cả đi vào phòng khách người dân, hàng quán và nhận được sự chào đón của chủ nhà.
Thậm chí, chúng có thể thoải mái “giải quyết nhu cầu riêng tư” ngay trong nhà gia chủ nhưng không ai phàn nàn và vui vẻ đón nhận như là điều may mắn. Ngoài đường, những chiếc xe tải, xe buýt, tuk tuk nhiều màu sắc rực rỡ ngược xuôi làm cho xứ sở nhiều đền đài thêm khác biệt.
Vào dịp cuối tuần, tôi thường đón xe buýt và xe tuk tuk đến trung tâm thành phố Hyderabad, mỗi chuyến xe luôn là trải nghiệm đầy thú vị. Lần đi xe buýt đầu tiên làm tôi bối rối nhất. Cùng đón xe tại trạm dừng, lên xe như mọi hành khách, nhưng một lúc sau tôi phát hiện xung quanh sao toàn là phụ nữ thế này, họ nhìn tôi lạ lắm.
Khi xuống xe ở trung tâm thương mại Char Minar, đem câu chuyện này hỏi một người bạn Ấn, anh cười phá lên: “Ồ không, xe buýt của chúng tôi chia làm 2 toa, một toa dành cho phụ nữ ở phía trước, toa còn lại dành cho nam giới, ngăn ở giữa bằng tấm lưới sắt. Thật ra đây là cách để chúng tôi bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái tránh bị xâm hại”.
Kim cương không phải là món quà lấp lánh duy nhất mà Hyderabad trao cho thế giới. Char Minar là nơi để mua lắc tay sơn mài của thành phố, vốn nổi tiếng trên khắp các tiểu lục địa Ấn Độ, là một món quà tuyệt vời cho phụ nữ và gia đình. Kim cương, ngọc trai, vòng vàng được bày bán khắp nơi và người mua bán luôn phải trả giá dù ở trung tâm thương mại lớn hay hè phố.
Nhìn những món đồ trang sức lấp lánh cả dãy phố với giá rất tốt, chắc chắn những ai lần đầu đến thành phố ngọc trai này cũng phải choáng ngợp. Niêm yết giá là của chủ tiệm, còn trả giá là chuyện của khách hàng, nếu may mắn bạn mua được món trang sức tốt, ngược lại phải trả nhiều tiền nhưng nhận được món hàng “ứa nước mắt”. Mua hàng trả giá, thậm chí trả thấp rất sâu trở thành văn hóa bán buôn ở Ấn Độ.