Có rất nhiều thứ ở Đà Lạt gieo nhớ thương vào lòng người nhưng có hai thứ đặc sản mà người ta hay nghĩ đến nhất: nông sản và khí hậu. Vâng, Đà Lạt lạnh, cái lạnh làm người ta muốn gần nhau hơn thì ai cũng biết. Nhưng nông sản Đà Lạt ngon không phải ai cũng nhận ra, đặc biệt là cà phê.
Tôi chưa từng tưởng tượng một ngày của mình trông sẽ như thế nào nếu chỉ có cà phê, cho đến ngày tôi lên Đà Lạt, đứng giữa thung lũng cà phê bạt ngàn… Thay vì lựa chọn du hí những địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt như nhiều người, chúng tôi tìm đến vườn cà phê nguyên liệu và ở lại đó hai đêm. Chung quanh chỉ có cà phê. Ở cái đất Xuân Trường, Cầu Đất này, cà phê mọc dại cũng có, được chăm sóc tỉ mẩn cũng có. Đất đai vùng này chỉ để trồng cà phê là chính, còn người dân cũng chỉ biết mỗi cà phê và làm cà phê mà thôi.
Việc di chuyển vào rẫy cà phê không dễ dàng. Chúng tôi thay phiên nhau “cưỡi” 3 trên chiếc xe chuyên dụng để đi vào rẫy. Thoạt nhìn hẳn nhiều người sẽ không tin chiếc Dream cà tàng có thể đủ sức “cõng” cả nhóm băng qua cánh rừng thông với nhiều ngóc ngách. Năm nay, vụ mùa “thất thu” hơn mọi năm vì thế không khí thu hái cà phê cũng kém sôi động vì người hái không nhiều. Vườn cà phê chúng tôi đến thăm được chăm sóc tỉ mẩn dưới bàn tay của người đàn ông tên Ân. Trước khi ông Ân quay xe về nhà không quên chỉ dẫn cả nhóm cách hái làm sao cho nhanh mà hiệu quả và để lại nhiệm vụ khá cam go: một bao cà phê/ngày/hai đứa (một bao đầy chừng 70kg nhưng chỉ được hái trái đỏ, tuyệt đối không tuốt cành). Những cây cà phê lâu năm cao gấp đôi chúng tôi nên để hái được quả là rất khó khăn. Chuyến đi này làm tôi chợt nhớ về những ngày còn nhỏ. Lúc đó, mỗi tối ở quê ngoại đèn dầu hiu hắt, tầm 7 giờ tối, sau khi ăn cơm xong là… ngủ! Dẫu vậy, mọi thứ vẫn “khá” hơn so với hai đêm tôi trải nghiệm trong ngôi nhà giữa bạt ngàn cà phê.
Ông Ân kể cho chúng tôi nghe về cách trồng cà phê, chăm sóc và thu hoạch mỗi khi tới mùa vụ. Những năm cà phê chín muộn, thu hoạch kéo dài qua giêng. Đã thế lại không có người làm. Cực lắm chứ chẳng đùa! Khi được tận mắt nhìn thấy những rẫy cà phê nối tiếp nhau trải ra bát ngát, được cùng người nông dân hái cà và trở về những ngày sống đơn giản, “thiếu thốn” đúng nghĩa giữa mênh mông núi rừng, tôi mới trân quý hơn ly cà phê trên tay mỗi khi nhấm nháp.
Trước khi đến đây, chúng tôi đều đã nghĩ rằng, ở cái vùng đất khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng tốt thế kia, không trồng cà phê thì phí... Tôi và những người trong nhóm đều chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để ở lại trong rừng sâu giữa tiết trời giá lạnh của Đà Lạt. Quả nhiên, hai đêm ấy là... vô giá! Một phần vì chẳng thể định giá, một phần vì cho dù tôi có được trả bao nhiêu đi chăng nữa thì tôi cũng không thể nào “bán” được. Tôi vẫn quan niệm rằng nếu khí hậu là thứ thuộc về tự nhiên thì những hạt cà phê ngon lại do một tay người nông dân trau chuốt “nhào nặn” mà ra. Trong cà phê có sự mộc mạc của đất, sự bay bổng của gió trời, có lửa của đam mê, và có sự nhẹ nhàng, uyển chuyển của nước. Người ta uống cà phê để tỉnh còn tôi uống để say, để mê. Bởi điều hạnh phúc nhất của tuổi trẻ chính là được mê say đến tận cùng một điều gì đó.