(VHQN) - Hơn 10 năm kể từ khi quần thể cây pơmu hàng trăm năm tuổi nằm giữa đại ngàn thuộc hai xã Tr’Hy và A Xan (huyện Tây Giang) được phát hiện, tôi mới có dịp ghé đến nơi này.
Một ít thông tin tôi “bỏ túi” mang theo tưởng vẫn “mới mẻ”, hữu dụng cho mình và cho những người cùng đi, hóa ra đều đã lạc hậu. Núi Zi’liêng huyền thoại của người Cơ Tu, có cao độ 1.500 mét so với mực nước biển, nơi sinh trưởng của quần thể pơmu cổ thụ, không phải là ngọn núi đơn độc như mường tượng mà là cả dải rừng mênh mông xanh thẫm, núi mẹ nằm kề núi con, lúc hiện ra kiêu hãnh trong nắng đại ngàn rực rỡ, khi lặng lẽ chìm vào mây trời lãng đãng.
Rừng pơmu ở Zi’liêng cũng không phải chỉ có 1.146 cây; số pơmu cổ thụ 300 năm tuổi trở lên cũng không phải chỉ có 725 cây như ghi nhận của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khi lập hồ sơ công nhận cây pơmu ở đây là cây di sản. Lúc tôi đến, quần thể pơmu này được xác định là 2.011 cây, phân bố trên khu vực rừng nguyên sinh gần 500ha.
Anh Pơloong Plênh - cán bộ Phòng VH-TT huyện Tây Giang, người từng nhiều lần tham gia kiểm đếm, lập sơ đồ quần thể pơmu cho biết, số cá thể pơmu ở rừng đại ngàn Tr’Hy và A Xan tăng dần theo thời gian do nhiều cây sinh trưởng ở những cánh rừng xa hơn vừa được tìm thấy.
Đã từng có nhiều cánh rừng gỗ quý bị chảy máu, bị tàn phá sau khi được phát hiện, sau khi đường sá được mở. Nhưng riêng với rừng pơmu Tây Giang, điều tệ hại ấy không xảy ra. Từ khi được phát hiện đến nay, quần thể pơmu ở đây chỉ mất một cây, nhưng không phải do con người chặt phá mà do gió lốc làm ngã đổ...
Quần thể pơmu ở Tr’Hy và A Xan thuộc loại rừng già đại ngàn. Đã có 6 tuyến đường phục vụ tham quan được mở vào rừng pơmu, tất cả đều hẹp, chỉ như những con đường mòn vừa cho một người qua. Đường được mở theo tiêu chí “không được đụng đến cây rừng”, kể cả dây leo và những cây... không phải pơmu.
Cả 6 tuyến đường, tuyến ngắn nhất khoảng một cây số, tuyến dài nhất đi mất một ngày, đều đi qua ít nhất một quãng “đường võng” - đường được hình thành bên trên những lớp rễ cây đan dày, bềnh bồng như đi trên võng.
Trong đó, tuyến tham quan thường được nhiều người chọn là tuyến số 6, không chỉ vì ngắn, dễ đi nhất mà còn vì trên tuyến này có một “điểm đến” là cội pơmu mang tên Cây Mẹ Pơmu. Cây Mẹ Pơmu thuộc loại cây to nhất ở rừng pơmu, chu vi thân cây lên tới 11m, cao 19,5m, tuổi đời hơn 1.300 năm.
Không chỉ hấp dẫn ở dáng vẻ cổ thụ cùng sức sống bền bỉ, quần thể pơmu ở đây còn gây tò mò và thích thú bởi những hình dáng thiên tạo lạ kỳ. Khi kiểm đếm và lập sơ đồ phân bố của pơmu, cùng với việc đánh số, các cán bộ của huyện Tây Giang được giao nhiệm vụ này đã dựa vào đặc điểm của cây để đặt tên.
Một thế giới sinh vật phong phú, những dấu tích văn hóa và cả những sinh hoạt đời thường... đã được gắn, gán vào từng dáng cây: Voi, Ngũ Hổ, Tê Tê, Khỉ, Gấu Trèo, Bạch Tuộc, Đình Làng, Chùa Cầu, Hẹn Hò, Vú Nàng, Dỗi Đá...
Đến và nghỉ đêm giữa rừng pơmu, tôi và những người cùng đi cũng không ngờ là nhiệt độ ở đây rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với bảng phổ nhiệt độ dựa theo cao độ địa hình.
Check-in Làng du lịch sinh thái pơmu Tây Giang - ngôi làng với 11 nóc nhà Cơ Tu truyền thống dành để phục vụ lưu trú cho khách du lịch, ngoài cảm giác u u trong tai do độ cao lớn còn có thể nhận ra rất rõ hơi lạnh từ đâu đó phả ra càng lúc càng dày, dù lúc ấy mới 16 giờ, nắng hè vẫn còn khá gắt.
Nhận chỗ ở xong, vài người rủ nhau đi tắm nhưng rồi ngay lập tức, la oai oái thối lui. Nước lạnh buốt như vừa lấy ra từ ngăn đá tủ lạnh, không thể tắm được. Vậy là việc tắm táp phải tạm dừng cho đến khi mấy nồi nước to tướng đặt trên bếp củi bắt đầu sủi bọt khí...
Đêm, càng về khuya càng lạnh. Nhưng khác hẳn với cái lạnh mỏng manh của Đà Lạt, cũng không giống cái lạnh buốt gắt trong ồn ã của Sapa. Cái lạnh giữa đêm mùa hè ở rừng pơmu Tây Giang sâu hun hút.
Những tấm chăn lụa mỏng manh mang theo không đủ để ủ ấm. May nhờ đống lửa giữa sân, được đốt lên từ đầu buổi tối khi đội văn nghệ xã A Xan trình diễn cồng chiêng và múa tâng tung da dá vẫn còn đượm.
Rượu nữa. Rượu ba kích Tây Giang thơm đậm, nhấm nháp từng chút một để cái ấm được gầy lên từ từ trong từng thớ thịt... Để rồi đêm giữa rừng pơmu trôi qua lặng lẽ mà bềnh bồng...
Sau gần 15 năm được phát hiện, việc tìm kiếm, đánh dấu và định danh cho từng cá thể pơmu ở “vương quốc pơmu Tây Giang” vẫn đang được tiếp tục. Nghe đâu, đối với những cây pơmu ở sâu trong những cánh rừng đại ngàn, nơi mà muốn đến phải mất chừng một ngày đường hoặc hơn, bên cạnh con số cơ học đã được ghi nhận, cây sẽ được đặt theo tên những du khách là người đầu tiên tìm đến. Đây là một thử thách thú vị, không lạ trong du lịch khám phá ở nhiều nước, nhưng mới và lạ ở Việt Nam, ở Tây Giang...