(VHQN) - Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy người nước ngoài làm nông dân, chơi nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, trẻ em làm gốm, hay nam thanh nữ tú dệt chiếu… Đó là những trải nghiệm dành cho du khách khi đến Làng nghề Trường Sơn - làng nghề khởi nguồn từ truyền thống giữa lòng thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Trải nghiệm
Bất cứ chỗ nào trong không gian xanh rộng lớn, mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống ở Làng nghề Trường Sơn cũng đem đến cho du khách những điều thú vị.
Làng nghề cuốn hút ngay từ bên ngoài với hình ảnh bức tường được tạo tác bằng cây sanh lớn nhất Việt Nam, trên đó gắn bộ ảnh chân dung danh nhân Việt Nam và thế giới được đan bằng sợi tổng hợp.
Bên trong, không gian làng nghề mát mẻ và đầy ắp sắc màu bởi cây xanh, cây cảnh và rất nhiều loài hoa, tạo cho du khách cảm giác thư thái, dễ chịu. Nhưng điều đưa chân du khách đến với làng nghề và khiến ai cũng muốn nấn ná lâu hơn, là các thuyết minh viên cùng chủ nhân của những nghề truyền thống, là nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ dân tộc… rất nhiệt tình, thân thiện và ân cần.
Làng nghề Trường Sơn (số 6 đường Trường Sơn, Nha Trang) là điểm du lịch của Khánh Hòa, được xây dựng từ năm 2014 trên diện tích gần 2ha, hoàn thành sau 6 năm xây dựng. Làng nghề có các phân khu: nhà trung tâm, 4 nhà trưng bày theo chủ đề, ẩm thực và nhà chơi trẻ em, vườn rau và dược liệu, vườn.
Đến Làng nghề Trường Sơn, bên cạnh tham quan tìm hiểu nghề thủ công truyền thống (hiện có khoảng 20 nghề truyền thống, chủ yếu của tỉnh Khánh Hòa: gốm nghệ thuật Lư Cấm, dệt chiếu Vĩnh Thái, đan lưới chài Vĩnh Trường, đan võng Nha Trang, chằm nón Diên Khánh, ốc mỹ nghệ Vĩnh Nguyên…); tham quan không gian vườn, thưởng thức ẩm thực; du khách còn có thể chiêm ngưỡng không gian văn hóa với hàng trăm tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, trong đó có 10 bộ tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam, như bộ 4 bản đồ Việt Nam thực hiện thủ công bằng nguyên liệu tự nhiên, mô hình quả bầu hồ lô từ 542 quả bầu nhỏ, mô hình trống đồng Ngọc Lũ đan bằng sợi tổng hợp...
“Hóa thân” thành thợ dệt chiếu cói, đan song mây, chằm nón lá, thợ may, nghệ nhân làm và biểu diễn nhạc cụ truyền thống… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi tham quan Làng nghề Trường Sơn.
Giữa không gian rộng lớn của làng nghề, chỗ này có mấy du khách trẻ chơi cờ tướng với hai bàn cờ khổng lồ bằng gỗ; bước thêm chút nữa, đông đảo du khách, cả người lớn và trẻ em chăm chú theo dõi nét thư họa; tiếp đến là nghệ nhân các làng nghề làm chiếu cói, đan mây tre, làm gốm… cần mẫn với nghề và nhiệt tình hướng dẫn du khách.
Anh Phan Hồng Quang (đến từ Đà Nẵng) kể, khi biết gia đình anh sắp đi du lịch Nha Trang, một người bạn gợi ý nên đến Làng nghề Trường Sơn để tham quan và nhất là để bọn trẻ trải nghiệm với việc làm các sản phẩm thủ công.
“Dệt một chiếc chiếu tưởng đơn giản nhưng tôi không ngờ tốn nhiều thời gian như vậy và phải có 2 người mới làm được. Cả làm nón cũng thế, rất khó để có chiếc nón đẹp, phải tỉ mẩn với từng sợi cước, cây kim. Chuyến đi này với gia đình tôi thật ý nghĩa khi con cái được trải nghiệm tuyệt vời” - anh Quang nói.
Và cảm nhận
Nhiều du khách có chung nhận xét khi được nghệ nhân ở Làng nghề Trường Sơn hướng dẫn làm sản phẩm thủ công, mỹ nghệ là: phải rất công phu, qua nhiều công đoạn và tốn nhiều thời gian công sức mới có một sản phẩm tương đối hoàn hảo. Biết vậy để trân trọng công sức của nghệ nhân hơn.
“Thiệt không đơn giản chút nào!”- cô Quỳnh Anh (đến từ Quảng Nam) nói sau khi được nghệ nhân “cầm tay chỉ việc” nhưng vẫn chưa thể làm được một lọ hoa bằng đất nung.
“Trong một buổi chiều se se lạnh, thật tuyệt vời khi được xem chương trình ca nhạc dân tộc Việt Nam; dạo chơi ở vườn hoa xinh đẹp trong làng nghề; tìm hiểu lịch sử về nghề thủ công của Việt Nam” - bà Beatrice Egerton, du khách châu Âu chia sẻ cảm nhận khi tham quan Làng nghề Trường Sơn.
Ông Shin-Wu Shin (người Hàn Quốc) thì “review” về làng nghề: “Mọi người có thể trải nghiệm văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam thông qua sản xuất thủ công mây tre, sản xuất nhạc cụ, chạm khắc gỗ. Trẻ em có thể sáng tạo mọi thứ bằng đất sét nung và thử chơi các nhạc cụ truyền thống ở đây”.
Không chỉ khách nước ngoài mới cảm thấy ấn tượng, lạ lẫm, thú vị với làng nghề truyền thống của Việt Nam mà cả du khách trong nước cũng thích thú. Sau khi được hướng dẫn viên giới thiệu kỹ càng từng nghề, lịch sử hình thành, hướng dẫn cách làm và xem nghệ nhân làm sản phẩm ngay tại chỗ thì du khách làm thử nếu muốn và có thể mang sản phẩm về làm kỷ niệm (trả thêm một ít phí).
“Mình thấy cách này rất hay và ý nghĩa, con em mình vừa được tham quan, vừa được trải nghiệm và có thêm niềm vui nhìn thành quả của mình. Mình cũng ấn tượng khi xem chương trình ca múa nhạc dân tộc ở đây, nghe giới thiệu về cách làm đàn đá và được chơi đàn đá” - chị Châu Giang (đến từ tỉnh Bình Định) chia sẻ.