Trải qua "sóng gió"

NGUYỄN DƯƠNG 17/07/2014 09:07

Sau gần một tháng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, 10 tàu cá của ngư dân xã Tam Hải, Tam Quang (huyện Núi Thành) đã trở về an toàn. Với họ, đó là một chuyến đi biển đáng nhớ.

Tàu Trung Quốc ngày càng hung hăng

Ngày 16.7, hơn 100 ngư dân trên 10 tàu cá của 2 xã Tam Quang, Tam Hải trở về trong sự chào đón của những người thân đang từng ngày ngóng tin từ đất liền. Họ vẫn an toàn, nhưng tinh thần rất mệt mỏi bởi nhiều ngày đêm phải đối mặt với sự truy đuổi, tìm cách đâm va của tàu Trung Quốc. “Tàu của Trung Quốc bao giờ cũng gấp đôi số lượng của tàu cá phía mình. Trung bình thì có khoảng 5 - 6 chiếc tàu tổ chức truy đuổi, vây tàu mình bất kể ngày đêm. Trước đây, khoảng 43 - 46 tàu Trung Quốc thường chia thành 2 tốp để kèm 10 tàu cá của mình. Nhưng sau đó thì chỉ để lại 5 - 6 tàu tổ chức truy đuổi, còn lại phân tán để quây tròn tàu ngư dân của mình vào giữa, cắt mũi, cắt lái để tìm cách đâm va. Chính vì vậy, chúng tôi luôn phải cảnh giác cao độ trước sự hung hăng của tàu Trung Quốc…” - ông Trần Văn Kỳ, thuyền trưởng tàu cá QNa-90448 kể.

Dù phải căng sức chống chọi với tàu của Trung Quốc, ngư dân vẫn kiên cường, tiếp tục bám biển. Ảnh: N. DƯƠNG
Dù phải căng sức chống chọi với tàu của Trung Quốc, ngư dân vẫn kiên cường, tiếp tục bám biển. Ảnh: N. DƯƠNG

Phương tiện của ông Kỳ đã bị tàu Trung Quốc vây ráp và tổ chức đâm va khiến cho mũi tàu bị hư hỏng nặng, nước tràn vào khoang. Ông Kỳ kể: “Vào khoảng 9 giờ 15 phút ngày 12.7, tại tọa độ 15 độ 14 phút, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 20 hải lý, tàu của chúng tôi bị 3 tàu của Trung Quốc truy đuổi. Hai tàu của chúng áp sát vào mạn tàu của mình, chiếc còn lại bất ngờ đâm ngang vào mạn phải của tàu. Ngay lập tức chúng tôi hãm tốc độ, “thả dù” cho tàu dừng đột ngột nên bị đâm vào mũi tàu. Nếu không kịp tránh thì chắc chiếc tàu này chẳng còn ở đây nữa…”. Với cú đâm chí mạng, mũi tàu QNa-90448 đã bị nứt toác, nước tràn vào khoang, các thuyền viên phải dùng máy thở để lặn xuống, dùng vải bịt lại những lỗ hổng rồi mới tiến hành sửa chữa được. “May là lúc đó có tàu Kiểm ngư 765 ở gần đó kịp thời tới ứng cứu chứ không chúng tôi chẳng biết làm thế nào nữa” - ông Kỳ nói.

Tàu QNa-90488 của thuyền trưởng Trần Văn Kỳ bị đâm gây hư hỏng ở phần mũi. Ảnh: N.D
Tàu QNa-90488 của thuyền trưởng Trần Văn Kỳ bị đâm gây hư hỏng ở phần mũi. Ảnh: N.D

Nhiều tàu cá của ngư dân đang khai thác ở vùng biển Hoàng Sa bị sự truy đuổi ráo riết bất kể ngày đêm của tàu Trung Quốc. Như tàu QNa-91108 của thuyền trưởng Huỳnh Ngọc Tuấn, do liên tục phải hoạt động hết công suất để chạy, tránh sự truy đuổi của tàu Trung Quốc nên xi lanh bị nứt, nước tràn vào gây chết máy giữa chừng. “Ngày nào cũng phải tăng hết tốc lực, chuyển hướng đột ngột để tránh va chạm nên máy nóng, không chịu nổi mới bị nứt, nước vào nên không hoạt động được. May lúc đó có hai tàu cá của mình ở gần đó nên tiến hành lai dắt đến vị trí mà tàu của mình tập trung nhiều” - thuyền trưởng Tuấn kể. Tàu QNa-91108 đã được tàu Kiểm ngư 765 lai dắt, trở về bờ an toàn.

Cảnh giác với các thủ đoạn

Theo ông Trần Sành (thôn  Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, thuyền trưởng tàu QNa-91259), một điều khác biệt so với trước đây là tàu Trung Quốc chủ động đâm va, gây thiệt hại cho tàu cá của Việt Nam, nhưng giờ thì ngược lại, tàu Trung Quốc tìm cách “gài bẫy” để tàu cá Việt Nam đâm vào. Đây là thủ đoạn mới được các chủ tàu của Trung Quốc đang tiến hành. Ông Sành nói: “Cứ 2 - 3 tàu của Trung Quốc tiến hành áp sát vào mạn tàu của chúng ta, sau đó đột ngột tăng tốc rồi bẻ lái ngang trước mũi tàu mình. Nếu không kịp hãm tốc độ, chúng ta sẽ đâm vào tàu của chúng, chúng quay phim, chụp ảnh rồi vu khống cho chúng ta là cố tình đâm va. Chính vì vậy, chúng tôi luôn phải cảnh giác cao độ trước thủ đoạn đó. Khi thấy chúng vượt lên rồi quay ngang, chúng tôi đánh lái nhanh một góc vuông, chạy song song với chúng rồi quay đầu để tránh. Tàu chúng lớn nên rất khó xoay xở để bắt kịp với tàu mình…”.

Trước sự hung hăng, thủ đoạn của tàu Trung Quốc, các ngư dân đã có một “tuyệt chiêu” để khắc chế, luôn tránh thoát sự đâm va trước sự ngỡ ngàng của tàu Trung Quốc, đó chính là thả dù. Dù của những chiếc tàu cá chính là một tấm vải lớn, được may như một chiếc dù to, tròn, chắc chắn. “Ở độ sâu hơn 1.000m thì neo hoàn toàn vô tác dụng. Những chiếc dù này khi thả xuống nước sẽ bung ra, như một chiếc túi bong bóng lớn đầy nước, có công năng như một chiếc neo, làm giảm tốc độ của tàu một cách nhanh nhất…” - ông Trần Sành giải thích. Chính nhờ những chiếc dù này nên mỗi khi tàu Trung Quốc tăng tốc, vượt lên rồi quay ngang đầu mũi tàu của mình, các ngư dân lập tức thả dù, làm giảm tốc độ khiến tàu của Trung Quốc bị lỡ trớn, rồi đột ngột bẻ lái, tránh được sự đâm va. Biết được điều này, tàu Trung Quốc liên tục tìm cách đâm rách những chiếc dù, nhưng ngư dân vẫn có thể sửa chữa, chế tạo lại chiếc khác để tiếp tục bám biển. Trong một lần thả dù để tránh đâm va với tàu của Trung Quốc vào ngày 28.6, thuyền viên tàu QNa-90488 Trần Văn Chinh bị dây dù quấn vào chân khiến chân của anh bị gãy. Ngay sau đó, anh Chinh đã được lực lượng kiểm ngư kịp thời đưa vào đất liền để cứu chữa.

Trở về sau gần một tháng căng sức chống chọi với sự hung hăng của tàu cá Trung Quốc, những ngư dân vẫn tỏ rõ quyết tâm bám giữ ngư trường truyền thống: “Biển của ta thì ta làm. Cả bao đời nay vẫn thế, chưa ai biết sợ là gì!” – ông Sành nói.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trải qua "sóng gió"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO