“Còm cõi bà già chợ huyện - Khóc thời con gái thuốc lào say” (Lưu Quang Vũ). Câu thơ này ám ảnh tôi mỗi lần qua chợ ở các miền quê xứ Quảng. Bây giờ nhà cửa đã hiếm tranh queo. Quá trình đô thị hóa đã thay đổi làng quê từ chỗ ăn đến hành xử. Chợ cũng không nằm ngoài cơn rùng mình ấy. Những dãy hàng quán tồi tàn mái tranh được thay bằng ki ốt cửa sắt. Nhưng còn đó trong ký ức những buổi chợ theo mẹ hít thở mùi bánh ram sùng sục chảo dầu, ngang qua hàng cá lấp lóa vảy mà tanh nồng, bà nội cắp rổ lót bằng tàu lá chuối xanh gói ghém mấy con cá mua rẻ lẫn trong đó mấy cây kẹo ú đánh thức cơn thèm đường. Chợ trẻ thơ một thời nghèo đói. Phiên chợ chiều xám buồn như phận nhà nông. Vì thế mới có câu buồn như chợ chiều. Sau này đi học, đọc Thạch Lam, cô hàng xén trong trang văn buồn như gió bấc mưa phùn dội về. Nhưng có lẽ nhà văn tài hoa trên chưa từng bắt gặp cảnh những gánh sơn đông mãi võ xiếc lửa, đâm kiếm vào cổ rồi bán thuốc bắc chữa ho hen nhức xương đau răng sản hậu bá phát bá trúng, khiến bà già con nít há hốc miệng xem, nên trang văn đó thiếu giấc mơ làm người hùng của đám con nít làng quê lẫn xác tín của mấy bà già khi lỡ rủi có trật thì bèn nói là chợ mà họ nói rứa tau mua rứa chứ biết chi mô…
Phiên chợ quê vùng trung du Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Thời buổi văn mình, tiện ích, nên mới đẻ ra siêu thị. Tên gọi này đang nuốt dần truyền thống văn hóa làng, là chợ. Thiếu thứ chi cũng chạy siêu thị, không lo. Không lo. Từ ngữ này đang mất trong trí óc người nông dân những phập phồng “không biết chợ có bán không”, vừa như một đòn đánh độc, là bán chi được nữa mà bán, làm ra bán cho ai, vì siêu thị chừ có đủ rồi. Siêu thị và chợ quê, nơi đã và đang diễn ra cuộc thi đấu lòng tin giữa người mua và người bán, mà phần thua thuộc về chợ quê. Trong siêu thị, sản phẩm như người câm, nó tự bán nó. Còn ở chợ, người có hàng là người bán sản phẩm. Đi chợ, khôn, dại, nhanh, chậm, lương thiện, ma lanh, hiện rõ. Ồn như cái chợ. Chỉ có chợ mới có. Còn siêu thị, không ồn ào, tranh cãi, cảm ơn. Lạnh như nhà mồ. Máy tính tiền kêu “tít”. Thế là xong. Siêu thị đồ tươi ư? Ai dám đảm bảo, vì nó được đông lạnh. Nhưng đồ chợ, không tươi là biết liền. Đồ siêu thị có sử dụng hóa chất vượt ngưỡng cho phép không? Có trời mới biết. Đồ chợ có xài thuốc trừ sâu, hóa chất không? Không ai biết, nhưng ít ra nhìn mắt, nghe giọng, yên tâm phần nào đó chút thật thà sót lại. Vào siêu thị, kỹ năng trả giá bị triệt tiêu. Ra chợ, trả giá, thách giá, là một đặc tính khiến kẻ bán người mua trở nên nhanh nhẹn, sự nghi kỵ và lòng tin, được xác lập từ đây, tính thiện và tính ác, sự thật thà đôn hậu, thói lưu manh chợ búa cũng từ đây. Mà thế, mới là chợ, là văn hóa, là kinh tế xã hội. Nó phản ánh đúng mặt tốt và xấu của làng quê Việt.
Chợ quê ngày tết.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Chợ quê dần mất. Nó đang được liệt vào “sách đỏ”. Đố ai biết tuổi thọ của nó sẽ ra sao, mà mất chợ là mất văn hóa làng quê. Chợ quê là ký ức, là ấm áp tình người, là chỗ nói cho cả chợ biết, là cả làng cả xã cả tổng biết, tốt xấu, đúng sai, từ chợ mà ra, thì ngoài chợ nói chứ ai nói, còn ai nói thì răng biết, chợ mà, đi chợ gặp người quen xôn xao nói cười chào hỏi trong veo, là non tơ chen giữa niềm vui và khốn khó, sấp ngửa lo toan và tiếng cười sung túc. Ở đó, cuộc sống thật của người dân bày ra thật đẹp, thật rõ, lấm láp bùn đất một nắng hai sương với nắm tiền lẻ của thành quả cây trái mùa màng. Chợ, chính là thẻ chứng minh thư khai rõ quê quán và bản sắc, nghề nghiệp. Ngó đồ chợ quê là biết ngay ở quê. Không gọn gàng, ngăn nắp, tinh tươm mà là lẫn lộn rác bùn, ngắn dài. Ấy mới là nhà nông. Có những chợ quê họp lúc nửa đêm, sắp sáng thì tan. Người đi chợ thắp đèn mà đi, cũng lao xao nói cười nhưng nhỏ hơn, lặng hơn, nghe giọng biết mặt và bán, tiền trao trong đêm nhập nhòa sáng tối. Không lo. Quen cả. Mua bán bằng chữ tín. Tin nhau là chính. Tin giữa chợ, giữa chốn được xem là bán mua ranh ma chợ búa đầy thủ đoạn, mà tin, ấy mới là cao thủ bản lĩnh, nhưng nó cũng tải một điều ấm lòng rằng, lòng tốt, sự tử tế đấy, không có nó, sẽ không có những cuộc hẹn, rằng lo chi, mai mốt đi lại trả tiền cũng được. Nhưng, chợ quê cũng là nơi phơi những khốn khó càng ngày càng trĩu trên vai nhà nông. Làm hết hơi, đem bán, bị trả rẻ như bèo, bởi nạn được mùa mất giá khổ cho người bán, được giá mất mùa khổ cả người mua.
… đi chợ gặp người quen xôn xao nói cười chào hỏi trong veo, là non tơ chen giữa niềm vui và khốn khó, sấp ngửa lo toan và tiếng cười sung túc. Ở đó, cuộc sống thật của người dân bày ra thật đẹp, thật rõ, lấm láp bùn đất một nắng hai sương với nắm tiền lẻ của thành quả cây trái mùa màng. Chợ, chính là thẻ chứng minh thư khai rõ quê quán và bản sắc, nghề nghiệp… |
Chợ là ánh xạ của văn hóa làng xã. Ở đó, tục lệ, thói quen, cách nói năng, tiêu tiền và thu tiền, có cả. Đó là cái hiện hữu và vô hình, khó nắm, nhưng dễ thấy, dễ gọi tên. Chợ tết là hay nhất. Cả làng, cả huyện cứ cuốn lên như chuẩn bị có lụt, có bão. Mua nhanh bán nhanh. Sặc sỡ đùn lên những sắc màu, giọng nói. Thấp thoáng những gương mặt xa xứ, lâu rồi mới về quê, lạ lẫm nhận ra nhau rồi ồ lên một tiếng, hẹn tết gặp nhau nói chuyện một bữa cho đã thèm. Người ta nhớ nhau hết, người bán nhớ người mua, kẻ mua nhớ bà bán rau bán thịt răng bữa ni không thấy, có chuyện chi à, rứa à, không biết hồi mô đi lại, quen thuộc, tin nhau, nên chỉ chọn chỗ đó, người đó. Lòng tin được xây dựng bởi những thói quen đã qua kiểm nghiệm từ miếng ăn. Lừa nhau bằng miếng ăn, sẽ thất tín một đời.
Mất chợ quê, là phai nhạt cái tình, là mất bản sắc văn hóa, nên chợ quê là di sản cần hướng tới để bảo tồn. Nhưng bảo tồn chợ quê không phải là những phiên chợ gọn gàng toàn tiếng cười gương mặt “diễn viên” đến hẹn lại lên của các mùa lễ hội để quay phim, chụp ảnh. Giữ chợ quê là không lấy đất chỗ “hội nhân, hội thủy” thuận tiện ngã ba đường vốn là chỗ tụ họp để phân lô, bán nền, mà phải giữ gìn và tạo dựng chợ đó rộng hơn, sung túc hơn. Chợ thì phải có kẻ bán người mua. Làm sao cho hàng hóa nông sản, thực phẩm từ trên bờ xuống dưới sông biển của nhà nông được dồi dào, hiệu quả thiết thực, bán ra thu lãi nhiều, mới kích thích người bán. Sản phẩm nhà nông phải thật sự là nhà nông, đảm bảo chất lượng, không dùng ba cái trò phù phép bằng thuốc tẩy rửa, hóa chất đen biến thành trắng, nhỏ biến thành to, ươn biến thành tươi trong nháy mắt, như vậy mới có và giữ được người mua. Xác lập được chữ tín ở chợ quê, mới giữ được chợ quê. Như bao chợ quê khác ở đất nước nông nghiệp này, chợ quê đất Quảng chính là trái tim của mỗi làng mỗi xã. Khi trái tim bình yên, thong thả đập, dẫu bão lũ nắng mưa, gói ghém thân thương, là chỗ ra đi và trở về của bao lớp người, thì lúc đó sẽ không vang lên những tiếng kêu thảng thốt nuối tiếc. Đó chính là việc giữ gìn căn cốt văn hóa làng xã, rộng ra, đó là căn cốt văn hóa Việt.
TRUNG VIỆT