(QNO) - Doanh nhân Phan Thị Thanh Truyền - Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Kingtek (Kingtek Solar) luôn gây ấn tượng với mọi người ngay lần gặp đầu tiên bởi ở chị luôn tràn đầy năng lượng của yêu thương và sẻ chia…
Quê nhà trong tim
Doanh nhân Phan Thị Thanh Truyền sinh năm 1979 tại xã Duy Thu (Duy Xuyên), tốt nghiệp đại học kinh tế tại TP.Đà Nẵng, Truyền rời quê nhà vào TP.Hồ Chí Minh.
“Quảng Nam là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Quê hương trong tôi luôn đầy yêu thương và nghĩa tình! Tôi yêu tất cả miền quê Việt Nam, nhưng tôi chọn TP.Hồ Chí Minh để lập nghiệp bởi tôi muốn thay đổi môi trường kinh doanh và được vẫy vùng ở không gian rộng lớn hơn. Nhưng dù đi đâu, ở đâu, thì Quảng Nam luôn là nơi tôi hướng về. Tôi đang đầu tư một số dự án dân sinh, du lịch, công nghiệp tại Duy Xuyên để đến về gần hơn với quê hương mình” - chị Thanh Truyền tỏ bày.
Xa quê hơn chục năm, nhưng “chất Quảng” luôn chảy trong chị. Chúng tôi biết đến doanh nhân Phan Thị Thanh Truyền từ những chiếc xe đạp gia đình chị trao tặng cho trẻ em ở quê nhà Duy Xuyên, từ cách chị chu đáo và tỉ mẩn chọn từng món quà tết đến hay gói kỹ càng từng tấm chăn gửi đến người cao tuổi khi đông về.
Nhận quà tặng từ chị (thông qua gia đình), một cụ già ở Duy Xuyên rưng rưng cảm động, không biết sự ấm áp đến từ tấm chăn cụ nhận được hay là từ tấm lòng của người con gái xa quê dành cho người nghèo.
Chị dành tình cảm chân thành cho người dân quê, nên ai cũng quý chị. Đến nỗi mỗi khi nghe tin chị về quê, là người làng vui mừng; không hẳn vì chị luôn dành những phần quà tặng mọi người, mà mừng như khi đón người thân đi xa trở về.
Là thành viên của Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QNB), nữ doanh nhân Phan Thị Thanh Truyền còn được biết đến với tư cách là nhà tài trợ kim cương, nhà tài trợ chính trong hoạt động của QNB những năm qua, đặc biệt là các hoạt động thể dục thể thao hay chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam. Cộng đồng doanh nhân xứ Quảng ở phương Nam luôn nhắc đến chị với tình cảm, sự biết ơn và trân quý những đóng góp của chị.
Trái tim nhân ái
Chẳng phải bây giờ, khi trở thành Tổng Giám đốc một tập đoàn lớn, Thanh Truyền mới đến gần hơn với người khó khăn hơn mình. Lòng nhân ái của chị bắt nguồn từ truyền thống gia đình, khi cha mẹ chị luôn giúp đỡ người kém may mắn hơn mình bằng những gì có thể.
Chị “cho đi” ngay khi chưa có gì, từ khi còn nhỏ. Lúc chưa có tiền thì chị "cho" kiến thức bằng cách kèm những trẻ em trong xóm làng học tập. Khi ấy, Thanh Truyền rất mong có điều kiện để chia sẻ với nhiều người và giờ chị đã có thể thực hiện niềm mong mỏi của mình.
“Của cho không bằng cách cho”, là quan niệm của Truyền. Cách cho của chị cũng khác biệt. Bao nhiêu năm qua, doanh nhân Thanh Truyền làm từ thiện miệt mài nhưng hình ảnh người nhận sự trao gửi từ chị thì rất hiếm xuất hiện trên mạng, vì chị luôn dặn dò người trao quà hạn chế quay phim, chụp ảnh, và luôn đặt mình vào vị trí người được tặng.
“Làm từ thiện xuất phát từ tâm chắc chắn sẽ chẳng làm tổn thương bất kỳ ai dù là điều nhỏ nhất” - chị Truyền quan niệm và chị thích nhất câu nói: “Lòng trắc ẩn là cội nguồn của mọi đạo đức” (Albert Schweitzer).
Sau mỗi đợt trao quà, chị luôn tự nhìn nhận, rút kinh nghiệm, là tặng cái gì, tặng như thế nào để người nhận quà thuận tiện và vui nhất. Vậy nên những món quà chị Truyền gửi đến bà con quê nhà rất ý nghĩa và thiết thực.
Thanh Truyền nhớ lại khoảng chục năm trước, khi người dân quê ít được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, chị nghĩ, bên cạnh nhận được quà tặng (vật chất), những người cao tuổi ở quê cũng thích nhận được món quà tinh thần.
Nhớ lại mình hồi nhỏ từng ao ước được xem, được nghe cải lương, vậy là chị mời nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Minh Vương, Lệ Thủy, Lý Hùng, Việt Hương…, về quê phục vụ trong những đợt chị tặng quà.
Có lần chị mua hàng trăm bó hoa tặng người cao tuổi ở quê kèm quà và phong bì. Bởi lẽ chị nghĩ đơn giản: có những cụ già ở quê chưa bao giờ được tặng hoa, vậy là chị mua hoa. Có hoa, có quà rồi, chị lại tiếp tục nghĩ: nếu có thêm ít tiền, hẳn các cụ sẽ vui thêm chút nữa, vậy là Truyền tặng thêm phong bì cho các cụ. Chị thích mang lại niềm vui cho người khác theo kiểu như vậy.
Luôn cho đi nhưng không mong nhận lại. Nhưng những món quà doanh nhân Thanh Truyền nhận được từ những lần cho đi ấy thật là dễ thương. Đó là những lời thơ, bài hát, bài viết… của những người dù quen hay lạ, chứng kiến và xúc động trước tấm lòng của chị, đã viết tặng chị.
Một nhân viên công ty nơi chị làm Tổng Giám đốc chia sẻ, thời gian được làm việc tại Kingtek là khoảng thời gian may mắn nhất. Ở đây bạn được sống với lòng biết ơn, tư duy tích cực, hiểu và thương, sự quan tâm chân thành với mọi người… “Ai đó đã nói, “ở tuổi hai mươi đừng đi tìm công ty lớn, mà hãy tìm một người sếp tốt”. Và tôi đã may mắn có được điều đó tại Kingtek” - Ngọc, nhân viên của công ty chị đã nhận ra chân giá trị khi làm việc tại doanh nghiệp do chị Thanh Truyền làm Tổng Giám đốc.
Doanh nghiệp xanh
Kingtek, dưới bàn tay chèo lái của nữ doanh nhân quê Quảng Nam, trở thành thương hiệu phát triển điện sạch hàng đầu Việt Nam. Truyền kể, lúc đầu chị luôn suy nghĩ dù rất mơ hồ, về nguồn năng lượng tái tạo.
Từ mơ hồ đến ấp ủ, nung nấu ý định sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, điện gió… và bắt tay vào làm hết 10 năm trời. Đến năm 2015 Công ty CP Năng lượng Kingtek của chị ra đời tại quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Lúc đó điện mặt trời còn xa lạ với người dùng. Còn giờ thì, công ty chị đã triển khai hơn 500 dự án lớn nhỏ, “phủ điện” toàn quốc, và sắp tới sẽ vươn ra đến Lào, Campuchia.
Kingtek luôn hướng đến đích là doanh nghiệp xanh, bảo vệ môi trường cũng như lợi ích cộng đồng. Giải tỏa băn khoăn của tôi về vấn đề xử lý các tấm quang điện sau khi sử dụng, chị Truyền cho biết, các tấm quang điện lắp đặt trên mái nhà có thời gian sử dụng từ 20-25 năm, sau khi hết hạn sử dụng, sẽ đưa vào nhà máy tái chế và sử dụng lại đến 80% nguyên vật liệu, do vậy rất ít ảnh hưởng đến môi trường. Đó là lý do vì sao rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã và đang phát triển mạnh mẽ điện mặt trời.
Điện mặt trời là hướng đi mới. Vì mới nên chị gặp không ít khó khăn. Nhưng với quan niệm “Làm một việc bình thường nhưng bằng suy nghĩ phi thường, thì sẽ thành công” và “nghĩ lớn để thành công nhưng phải bắt đầu từ việc nhỏ”, công ty của chị lần lượt vượt qua những cản ngại ban đầu, như chuyện khách hàng không mặn mà mới điện mặt trời hay ngại bỏ vốn đầu tư ban đầu lớn…
Rất may, năm 2017, khi Chính phủ có quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, cho thấy hướng đi của chị và Kingtek là đúng đắn. Đã có sự chuẩn bị kỹ càng và dài lâu, nên chị tiếp cận rất nhanh với cơ chế mới.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, về những khó khăn khi phụ nữ đứng đầu công ty công nghệ, chị Truyền nói đại ý, khi làm với niềm đam mê thì bất cứ điều gì cũng trở nên dễ dàng hơn. Chưa kể, phụ nữ còn có lợi thế là mềm dẻo và kiên trì hơn. Và quan trọng là ở công ty, chị có đội ngũ cộng sự nhiệt tình, tử tế, giỏi chuyên môn…
“Để thành công như hôm nay, ngoài đam mê thì cần phải kiên nhẫn và hành động. Cứ đi, rồi sẽ đến” - nữ doanh nhân xứ Quảng Phan Thị Thanh Truyền đúc kết.