Từ chỗ chỉ nuôi 10kg trùn quế trên diện tích một vài mét vuông, sau gần 10 năm, anh Võ Văn Trúc (SN 1988, tổ 20, thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú, Thăng Bình) đã mở rộng trang trại trùn quế lên cả nghìn mét vuông, tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín.
Anh Trúc chia sẻ, trùn quế rất dễ nuôi, chỉ cần yêu nông nghiệp, chịu khó học thêm kinh nghiệm và chăm chỉ là có thể nuôi thành công. Nuôi trùn quế có ưu điểm là ít rủi ro, không bị dịch bệnh, đầu ra ổn định và đặc biệt trùn quế thân thiện với môi trường, vì loài vật này giải quyết khá tốt mùi hôi thối của phân động vật. Nguồn thức ăn chủ yếu của trùn quế là phân động vật (trâu, bò, heo) và chất thải hữu cơ. Từ trùn quế, anh Trúc chế biến thành 3 loại sản phẩm: phân trùn quế đóng viên (loại phân này rất thích hợp trồng hoa màu, và đặc biệt phù hợp với trồng hoa hồng, hoa lan); phân trùn quế bột và trùn thịt đông lạnh.
Mỗi mét vuông trùn quế sau khi ăn khoảng 200 - 300kg phân/tháng, cho ra 1kg trùn thịt (trùn thịt là thức ăn thích hợp để nuôi heo, gà, cá, lươn) với giá bán 50 nghìn đồng/kg và đồng thời cho ra khoảng 200kg phân trùn quế (giá bán 3 nghìn đồng/kg). Dù sản xuất trùn thịt, phân trùn với số lượng khá lớn mỗi tháng nhưng sản phẩm của trang trại anh Trúc vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Bên cạnh nhiều khách hàng sỉ ở Quảng Nam và Đà Nẵng, nhiều khách hàng lẻ cũng mua sản phẩm từ trang trại của anh Trúc. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho trùn, anh Trúc bao mua toàn bộ nguồn phân hữu cơ tại địa phương với giá 250 nghìn đồng/m3. Mỗi ngày trang trại trùn quế của Trúc giải quyết việc làm cho 2 lao động, lúc cao điểm, số lao động làm tại cơ sở của Trúc nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn nhất khi nuôi trùn quế ở vùng trũng thấp của Quảng Nam như quê anh là ngập lụt. Chính vì vậy, anh Trúc xây sàn chống lụt khá cao, để giữ con giống.
Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ ở trong và ngoài tỉnh, anh Trúc còn thực hiện video clip về kỹ thuật liên quan đến trùn quế như kỹ thuật nuôi, kỹ thuật pha trộn phân trùn quế cho gà ăn, kỹ thuật cho trùn ăn... để phát trên Youtube (do anh tạo kênh riêng), nhằm giúp cho nhiều người được xem hơn. Từ hướng dẫn và chia sẻ của Trúc, nhiều bạn trẻ ở Quảng Nam đã nuôi trùn quế thành công. Trong đó, quy trình sản xuất phân trùn quế ép viên được nhiều người quan tâm. Anh Trúc chia sẻ, phân trùn quế sau khi nuôi tầm 3 - 4 tháng, tiến hành khai thác phân và tập trung phân vào một hố, gọi là hố giảm ẩm. Hố giảm ẩm nhằm giúp phân tự giảm ẩm và rút nước. Sau 10 - 15 ngày, độ ẩm được giảm hoàn toàn. Sau khi độ ẩm giảm được khoảng 30 - 40%, tiến hành bổ sung men vi sinh để phân giải hoàn toàn thức ăn mà trùn ăn chưa hết và tạo một loại nấm khác, để khi trồng cây, hạn chế nấm gây hại cho cây vì quy trình ủ men vi sinh tầm 15 - 20 ngày. Ủ xong phân, tiến hành đưa vào máy lọc bỏ tạp chất chưa phân hủy (để đem ra xử lý lại và cho trùn ăn thêm một lần nữa), phân còn lại rất tơi, mịn. Sau đó tiếp tục giảm ẩm thêm một lần nữa để đưa vào máy ép viên, phân không bị ướt. Sau đó bỏ vào khay tiếp tục giảm ẩm và phơi nắng nhẹ.
Dù trùn quế dễ nuôi, nhưng anh Trúc chia sẻ, để đem lại lợi nhuận cao từ nuôi trùn quế, cần tuân thủ kỹ thuật nhất định. Đó là nên chuẩn bị dụng cụ nuôi trùn quế và chuẩn bị chất nền. Về giống, nên mua cả trùn bố mẹ, trùn con, trứng kén và cơ chất mà trùn đang sống quen để trùn nhanh chóng làm quen với môi trường và nhanh chóng sinh sản. Lưu ý nhiệt độ, ánh sáng thích hợp vì trùn quế thích nơi ẩm và môi trường tối. Hàng ngày phải tưới ẩm mặt luống và che phủ bề mặt. Sau khi thả trùn, lấy bao tải, chiếu cói, tấm bìa… đậy lên bề mặt luống, chuồng để tạo bóng tối cho trùn nhanh chóng quen nơi ở mới, rồi tưới nước lên trên bề mặt, sao cho chất nền đệm ở dưới được ướt đẫm đều. Mùa hè tưới 2 - 3 lần/ngày, mùa đông tưới 1 - 2 lần/ngày. Ngày khô nóng tưới nhiều, ngày mưa rét tưới ít. Sau khi thả trùn giống được 1 - 2 ngày thì nên cho trùn ăn. Lượng thức ăn mỗi lần khoảng 5cm trên mặt luống. Sau khi cho ăn xong đậy tấm phủ lại và tưới ẩm.
Anh Trúc cho biết, sắp tới, anh tiếp tục nghiên cứu để sản xuất dịch trùn quế bón cho cây trồng (qua lá) và làm thức ăn cho vật nuôi.