Theo quy định của UBND tỉnh về mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (dưới đây gọi chung là thôn) trên địa bàn tỉnh, có 5 chức danh ở thôn được hưởng mức phụ cấp hằng tháng gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên. Trong đó, mức phụ cấp hằng tháng cao nhất là 0,9 so với mức lương cơ sở (đối với công an viên); thấp nhất là 0,65 (đối với phó trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng, trưởng ban công tác mặt trận). Bí thư chi bộ được hưởng phụ cấp bằng hệ số 0,8; trưởng thôn được hưởng phụ cấp bằng hệ số 0,75. Các chức danh khác ở thôn được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 0,3 mức lương cơ sở gồm phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng hội phụ nữ, chi hội trưởng hội nông dân, chi hội trưởng hội cựu chiến binh, bí thư đoàn thanh niên.
Đường Chiến Thắng (phường Hòa Hương) được công nhận tuyến phố văn minh đầu tiên ở Tam Kỳ có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ thôn. Ảnh: CHÂU NỮ |
Trong khi đó, tổ trưởng các tổ đoàn kết - vốn có vai trò quan trọng đối với phong trào của thôn; có nhiệm vụ vận động, chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng gia đình nhưng không có chế độ hỗ trợ nào. Vì không có kinh phí hoạt động, không có phụ cấp nên tổ đoàn kết hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, nhiệt tình là chính. Một số lãnh đạo UBND xã và trưởng thôn cho biết, thực tế này gây ra những việc rất “khó xử” và ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào của thôn. Nếu tổ trưởng tổ đoàn kết được hưởng phụ cấp, hoạt động của thôn sẽ thuận lợi hơn.
Đối với cán bộ không chuyên trách ở thôn, tuy có phụ cấp nhưng còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Trong khi đó, cán bộ thôn phải thực hiện quá nhiều phần việc. Cụ thể như tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là hiện nay, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chính cán bộ thôn là người đưa ra dân bàn và đóng góp ý kiến trong quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch khác liên quan mật thiết đến người dân như quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi dân sinh, quy hoạch phát triển sản xuất trên địa bàn thôn.
Quảng Nam hiện có 1.718 thôn, tổ dân phố. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có sự chia tách, thành lập thôn mới. Nhìn chung, các thôn ở miền núi có quy mô diện tích lớn, trong khi đó các thôn ở đồng bằng có dân số đông nên việc quản lý, hoạt động của thôn gặp không ít khó khăn. Để phù hợp với tình hình thực tế, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh quy mô hộ gia đình để thành lập thôn mới đối với miền núi, biên giới, hải đảo từ 100 hộ xuống khoảng 30 hộ. (Nguồn: Văn phòng UBND tỉnh) |
Đối với cán bộ thôn, việc tuyên truyền đã khó nhưng không khó bằng việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng phong trào, xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân. Đó là đóng góp tiền của, công sức để làm đường bê tông giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; tham gia các phong trào, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao do địa phương tổ chức; vận động nhân dân tham gia xây dựng thôn văn hóa, gia đình, tộc họ văn hóa. Ngoài ra, cán bộ thôn phải tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khi có dịch bệnh xảy ra phải tham gia dập dịch. Việc rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng thuộc về trách nhiệm của cán bộ thôn. Mà trong vấn đề này, thực hiện sao cho khách quan, công bằng, không để xảy ra kiện tụng... cũng không đơn giản. Chưa hết, cán bộ thôn còn trực tiếp chỉ đạo tổ dân phòng, các tổ an ninh nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm và nhiều việc không tên khác, nhằm góp phần xây dựng tình đoàn kết gắn bó trong nhân dân v.v.
Nhiều trưởng thôn chia sẻ, khó khăn nhất đối với hoạt động của thôn là thời gian qua, trong các cuộc họp do thôn tổ chức, tỷ lệ người dân dự họp rất thấp, nhất là đối với các cuộc họp tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Nhiều cuộc họp mặc dù cán bộ thôn đã đến từng nhà gửi giấy mời, có lúc thông báo trên loa nhưng số người dự họp ít, không đảm bảo số lượng để biểu quyết những vấn đề quan trọng của thôn, khiến không ít cuộc họp quan trọng phải hoãn. Một trưởng thôn chia sẻ: “Nhân dân đi họp không đủ số lượng đôi khi do cán bộ thôn, tổ chưa tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, đốc thúc bà con. Nhưng với chế độ phụ cấp quá thấp hoặc không có gì như thế, mình cũng khó mà ép anh em được...”.
CHÂU NỮ