Sau một thời gian đi vào hoạt động, cửa hàng đặt trong Trạm dừng nghỉ Bình An (xã Bình An, huyện Thăng Bình) vẫn chưa thu hút khách đến tham quan, mua sắm.
“Quảng bá là chính”
Cách đây một năm, khi được hỏi việc kinh doanh của cửa hàng như thế nào, thì ông Hồ Văn Hội - Trưởng trạm dừng nghỉ Bình An nói rằng “quảng bá là chính”. Mới đây vẫn câu hỏi đấy, ông Hội vẫn trả lời như thế. Sau 3 năm kể từ khi đưa vào hoạt động, cửa hàng này vẫn chưa thể bứt phá, tạo doanh thu trong kinh doanh. Ông Hội cho biết, trước khi có sự giúp đỡ của JICA, cửa hàng đã được trạm thiết lập. Tuy nhiên, kể từ khi JICA tài trợ một số hợp phần, định hướng theo mô hình “cửa hàng trong cửa hàng”, thì cơ sở này mới được đầu tư sửa soạn, trang trí, đồng thời kêu gọi nông dân mang sản phẩm vào cửa hàng. Nhờ vậy, trạm thu hút nhiều khách ghé chân, ăn uống, còn cửa hàng cũng có ít nhiều khách đến mua, tham quan. Song, từ đó đã nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết để việc kinh doanh tăng hiệu quả. Ông Hội cho biết: “Sản phẩm của nông dân ở đây chủ yếu là các loại rau, củ, quả, mà trạm lại xa khu dân cư, cũng như thói quen đi chợ lâu nay của dân mình, nên hầu như rất ít người đến mua các mặt hàng này”.
Các mặt hàng bánh kẹo được bày bán ở cửa hàng trong Trạm dừng nghỉ Bình An. Ảnh: XUÂN THỌ |
Cửa hàng cũng được thiết lập thêm quầy bán rau sạch từ Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều). Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng, quầy rau sạch lâm vào cảnh ảm đạm. Bởi lẽ, khách của trạm (và cả cửa hàng) đều là khách đi xe ghé ngang, nên việc mua rau sạch chỉ làm họ thêm “vướng víu” trong hành trình của mình… Trong khi đó, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặt ở cửa hàng, khách chỉ đến ngắm rồi đi chứ không mua. Nguyên nhân là giá bán những sản phẩm này thường cao, trong khi khách đi đường chủ yếu là những người không có nhiều thời gian và điều kiện về kinh tế. “Cơ sở sản xuất mặt hàng lưu niệm cần phải thay đổi tư duy trong quá trình tạo ra sản phẩm. Thực tế cho thấy, khách mua hàng lưu niệm ngoài việc để nhìn, để chưng diện thì họ còn muốn có giá trị sử dụng. Chẳng hạn như hộp phấn bằng gỗ, ngoài một cái hộp đẹp, bắt mắt thì họ còn muốn nó có giá trị sử dụng như một hộp phấn thông thường, chứ không chỉ là để ngắm không không” - ông Hội cho biết thêm.
Từ những bất cập trên, ông Hội cho rằng các bên liên quan cần có hướng giải quyết cụ thể để tháo dỡ. Như đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các cơ sở cần phải thay đổi kích thước sản phẩm phù hợp với đối tượng là khách đi đường; hàng lưu niệm phải tích hợp thêm giá trị sử dụng; các sản phẩm truyền thống khác cần phải nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã để dễ thu hút khách… Ông Hội còn cho rằng Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh - đơn vị cầu nối cửa hàng với tổ chức JICA cần phải giới thiệu trạm, cửa hàng đến các làng nghề, cơ sở. Bởi lâu nay hầu hết mặt hàng được bày bán ở đây đều do ông tự tìm đến các làng nghề, cơ sở để mời gọi theo một trong 2 hình thức là mua đứt hoặc ký gửi.
Sẽ điều chỉnh
Theo ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội hữu nghị tỉnh, “cửa hàng trong cửa hàng” là một mô hình khá hay và khá phổ biến tại Nhật Bản. Ở Trạm dừng nghỉ Bình An, cửa hàng này có 2 công năng chính là bán sản phẩm của nông dân địa phương và quảng bá các thông tin về du lịch, văn hóa của địa phương. Về những bất cập mà ông Hội nói, ông Sinh cho biết Liên hiệp Các hội hữu nghị tỉnh đã nắm bắt được và đang tìm cách giải quyết. Như trước đây, khi quầy bán rau sạch hoạt động không hiệu quả thì được di chuyển vào cửa hàng số 08 Nguyễn Dục (TP.Tam Kỳ) để hỗ trợ Hợp tác xã Rau sạch Mỹ Hưng bán rau.
Từ những bất cập đã được nhận diện, ông Sinh cho biết sắp tới sẽ cùng các bên ngồi lại với nhau, tìm hướng giải quyết cụ thể hơn. Cụ thể, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sẽ khuyến khích các làng nghề, cơ sở sản xuất tạo ra các sản phẩm phù hợp với đối tượng đặc trưng của cửa hàng là khách đi đường, theo hướng sản phẩm bày bán sẽ nhỏ gọn hơn (bên cạnh các sản phẩm nguyên bản để trưng bày, thu hút khách), giá tiền hợp lý hơn; đồ lưu niệm sẽ chú ý đến khía cạnh giá trị sử dụng. Còn việc hỗ trợ quảng bá trạm (và cửa hàng), ông Sinh cho biết sắp tới, khi Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh tiến hành làm bản đồ du lịch kỹ thuật số, sẽ tích hợp thông tin của trạm vào trong bản đồ này để du khách tiện theo dõi. “Cửa hàng này chưa được khai thác đầy đủ các công năng như “bản gốc” của mô hình “cửa hàng trong cửa hàng” ở Nhật Bản. Nếu được quan tâm đầu tư hỗ trợ, giúp cửa hàng có thêm công năng thư giãn, nghỉ ngơi… thì sẽ thu hút khách nhiều hơn” - ông Sinh nói.
XUÂN THỌ