Dù đạt được các thông số ấn tượng với ngành kinh tế du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023, song chưa đủ để khỏa lấp sự trầm lắng của kinh tế TP.Hội An bởi nhiều trở lực vẫn hiển hiện.
Trầm lắng
Về cơ bản, các chỉ số du lịch qua 6 tháng đầu năm 2023 của Hội An tiếp đà phục hồi khá tốt sau dịch COVID-19. Lượng khách tham quan tăng cao, ước đạt 1,88 triệu lượt, trong đó khách quốc tế chiếm đến 1,48 triệu lượt.
Tổng lượng khách lưu trú ước đạt 724 nghìn lượt, công suất phòng lưu trú đạt bình quân từ 60 - 70%. Doanh thu ngành du lịch ước đạt 1.546 tỷ đồng, đạt gần 150% so với kế hoạch dự báo.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, mức chi tiêu bình quân của du khách giảm mạnh, giảm đến hơn 50% so với thời điểm 2019. Nhiều khách sạn trên địa bàn thành phố hiện cũng chưa đưa vào vận hành trở lại vì không có nguồn lực để cải tạo, một số đơn vị buộc phải bán bớt tài sản để trả nợ đến hạn.
Đến hết tháng 6, thu ngân sách Nhà nước của Hội An mới đạt khoảng 417 tỷ đồng, chưa đến 30% dự toán cả năm. Theo chính quyền địa phương, với sự “đóng băng” của các chính sách, hoạt động liên quan đến bất động sản, gần như chắc chắn thành phố sẽ không đạt chỉ tiêu nguồn thu từ đất.
Để cân đối khoảng hụt Hội An sẽ cố gắng thúc đẩy các nguồn thu phát sinh kinh tế. Hàng quý, thành phố sẽ đánh giá lại khả năng thu ngân sách Nhà nước để chủ động điều hành thu - chi năm 2023. Trong đó, sẽ chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với khả năng hụt thu (nếu có) để không xảy ra tình trạng mất cân đối ngân sách.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn khá ì ạch, đến hết tháng 5/2023 Hội An mới chỉ giải ngân được gần 117 tỷ đồng (trong tổng số 811 tỷ đồng), mới đạt 14,4 % kế hoạch vốn.
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, trong các tháng cuối năm Hội An cần có các giải pháp đồng bộ cải thiện tình hình để thúc đẩy kinh tế phát triển, trường hợp bất khả kháng thì mới báo cáo chuyển nguồn.
Loay hoay với đầu tư công
Theo phòng Tài chính - Kế hoạch Hội An, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công và không quá e ngại về các việc thực hiện giải ngân với nguồn từ ngân sách địa phương. Đến ngày 31/5/2023, UBND TP.Hội An đã quyết định chủ trương đầu tư cho 26/29 dự án nhóm C với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 457 tỷ đồng.
Tuy nhiên với các dự án được thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh thì dự báo sẽ rất nhiêu khê. Trong số gần 117 tỷ đồng vốn đầu tư công đã giải ngân của Hội An, hoàn toàn không có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
Dự án Phòng cháy chữa cháy Khu phố cổ với kế hoạch vốn năm 2023 là 52 tỷ đồng mới ở bước lựa chọn nhà thầu khảo sát lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán để trình các đơn vị liên quan thẩm định. Dự án này sẽ còn phải chờ thông qua thủ tục từ nhiều bộ, ngành nên chưa dễ giải ngân.
Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu có triển vọng hơn khi đã hoàn thành hạng mục nhà bao che và đang lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhưng đơn vị được giao quản lý thực hiện dự án cũng chưa giải ngân kế hoạch vốn 2023.
Dự án tôn tạo di tích Cây Thông Một với kế hoạch vốn khoảng 6 tỷ đồng thì phải tiến hành rà soát lại các quy trình, lập thủ tục và dự báo cũng không dễ triển khai trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, trong kế hoạch vốn đầu tư công năm nay, vốn từ Trung ương và tỉnh hỗ trợ là hơn 70 tỷ đồng nhưng không dễ “tiêu”. Mấu chốt vẫn là các bước về hồ sơ, thủ tục rà soát rất nhiêu khê.
Dự án Chùa Cầu và chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới có tiến triển và dự kiến sẽ sớm giải ngân được, còn lại đều rất loay hoay, địa phương chỉ biết phấn đấu “tiêu” được chừng nào thì hay chừng đó.