Vận hành ở quy mô nhỏ, thụ động trong việc tiếp cận khách, bỏ ngỏ việc khai thác sâu tài nguyên du lịch là thực trạng chưa thể cải thiện của mảng du lịch lữ hành ở Quảng Nam nhiều năm qua.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2022 doanh thu từ dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh chỉ đạt hơn 69 tỷ đồng. Dù tăng 5 lần so với cùng kỳ nhưng vẫn đang rất chật vật so với thời điểm năm 2019 và chỉ bằng một phần nhỏ so với hầu hết các địa phương có hoạt động du lịch phát triển.
Tính chung cả nước, doanh thu từ du lịch lữ hành ước đạt đến 18,2 nghìn tỷ (gấp gần 4 lần so với cùng kỳ). Có thể thấy, tỷ trọng doanh thu của lữ hành Quảng Nam gần như không đáng kể trong cơ cấu doanh thu lữ hành toàn quốc.
Thống kê từ Tổng cục Du lịch, một số địa phương trọng điểm về du lịch ghi nhận mức tăng doanh thu dịch vụ lữ hành cao trong 9 tháng đầu năm 2022 là Cần Thơ (tăng 766%), Đà Nẵng (tăng 634%), Hà Nội (tăng 386%), Hải Phòng (tăng 277%), TP.Hồ Chí Minh (tăng 151%)…
Ở thời điểm đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 88 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 60 công ty lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên đa số chỉ mới khôi phục hoạt động công suất 10 - 20% so với năm 2019.
Bà Phạm Quế Anh - Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Quảng Nam, Giám đốc điều hành Hoi An Express cho hay, hầu hết đơn vị lữ hành ở Quảng Nam vẫn kết nối và nhận tour khách thông qua đầu mối ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Chỉ có một vài đơn vị kết nối trực tiếp được với phía đối tác nước ngoài. Điều này khiến các đơn vị cũng gặp khó trong việc nhận định thông tin xu hướng khách, nhất là trong dài hạn.
Năng lực khai thác còn hạn chế của nhóm doanh nghiệp lữ hành địa phương đã được nhận diện từ nhiều năm qua. Các đơn vị phần lớn khai thác thô, cạnh tranh không lành mạnh, không thiết lập được chuỗi sản phẩm, “hệ sinh thái” điểm đến dẫn đến lép vế trong thị trường lữ hành.
Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, du lịch Quảng Nam hiện chưa có doanh nghiệp lữ hành tầm cỡ để cầm trịch, điều phối khách cũng như khai thác thêm các tour du lịch mới, hấp dẫn giới thiệu với du khách.
Điều này khiến việc thu hút khách đến địa phương vẫn có sự bị động, nhất là ở khu vực phía tây và phía nam dù tiềm năng rất lớn hầu nhưng hoàn toàn vắng bóng doanh nghiệp lữ hành.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến du lịch phía nam không có chuyển biến được chỉ ra là bởi gần như không có mấy đơn vị lữ hành mặn mà tiếp cận khai thác. Tại Đà Nẵng số lượng doanh nghiệp lữ hành hiện lên đến khoảng 300 đơn vị.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng, đặc thù của doanh nghiệp du lịch Quảng Nam là rất yếu và thiếu về nguồn lực.
Do đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Nhà nước, có thể là chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp thì mới nâng cao số lượng, nâng tầm được mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của địa phương.