Tôi đứng giữa khoảng sân rộng của võ đường Hồ Tấn (thôn Tứ Bàn, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ), dưới hàng cau cao vút phía sông, nghe chừng đâu đó trong gió từ dòng Bàn Thạch thổi lên, là những câu thiệu kiêu hùng của bài quyền cổ. Nơi này, dấu chân người luyện võ đã in hằn ngót nghét trăm năm, mà danh tiếng đã lặng lẽ mà vang xa từ lâu, rất lâu rồi…
Môn sinh võ đường Hồ Tấn biểu diễn. Ảnh: Đ.N |
Dấu chân người luyện võ
Những gió bụi thời gian càng bồi đắp thêm cho tinh hoa của võ đường Hồ Tấn. Bia đá xanh rêu, Bàn Thạch thôn của phủ Hà Đông nay đã ồn ào dáng hình phố thị, nhưng ẩn mình giữa xô bồ kia, bao thế hệ môn sinh vẫn miệt mài dặm dấu chân mình trên sân tập. Họ, có những người đến đây từ thời niên thiếu, và trở về khi khuôn dạng, dáng hình đã đầy sương gió của tuổi già.
Trong vô vàn dấu chân suốt hơn trăm năm ấy, có lão võ sư Nguyễn Công Tiến (thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ), một trong những môn sinh của võ đường. Ông Tiến bước đến nơi này lần đầu tiên vào năm 14 tuổi. Bây giờ, đã ngoài lục tuần, nhưng khoảnh sân này, căn nhà này vẫn thi thoảng là nơi lui tới của ông, để gặp thầy, thăm bạn đồng môn, và… luyện võ. Ông Tiến dáng người thấp đậm, giọng trầm, và khuôn mặt đã in hằn dấu vết tuổi già. Nhưng bước xuống sân tập, lão võ sư như một người khác, từng bước đi, từng đòn thế dẻo dai, uy lực như một chiến binh.
Hòa quyện võ thuật và y thuật Trăm nghe không bằng một thấy. May mắn cho tôi, khi đến sân tập vào đúng những ngày võ đường đang chuẩn bị lễ giỗ Tổ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Võ sư Thái Viết Trung, đệ tử chân truyền, cũng là người hiếm hoi lĩnh hội toàn bộ 18 bài quyền cổ, được bảo tồn toàn vẹn và chân xác từ Tổ phụ. Long hổ quyền, Tôn hành quyền, Ngọc trản quyền, Phụng hoàng quyền, Mai bá kiếm, Trực chỉ đơn đầu côn..., hầu hết các loại binh khí thông dụng trong võ giới được đúc kết bằng những bài quyền vừa độc đáo, vừa đặc trưng của võ thế gia Hồ Tấn, mà mỗi bài quyền có những câu thiệu riêng. Trăm năm không suy suyển, không pha tạp, những môn sinh của võ đường vẫn miệt mài giữ lấy những bài quyền cổ, thuộc từng câu thiệu, rèn giũa cho mình công phu võ học của Hồ Tấn võ đường… Võ sư Thái Viết Trung là học trò thân cận và tin cẩn nhất của võ sư Hồ Ngọc Doãn, được thầy Doãn đem về nuôi, truyền dạy võ học và cả y thuật. “Khi thầy Doãn còn khỏe mạnh, chính ông là người giữ nguyên bổn hơn 60 bài thuốc cổ gia truyền của võ đường, chuyên trị các bệnh liên quan cơ, xương, khớp, máu huyết. Y dược cổ truyền của phái Hồ Tấn có sự kết hợp của các loại thuốc uống bên trong, bôi xoa bên ngoài và phương pháp bấm huyệt đả thông kinh mạch. Võ thuật và y thuật Hồ Tấn có sự tương đồng trong hệ thống kinh mạch, nắm rõ từng huyệt đạo để chữa bệnh giúp đời. Mấy mươi năm qua, Chưởng môn Hồ Ngọc Doãn đã chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân mắc phải các chứng bệnh liên quan đến cơ, xương, khớp, máu huyết, kinh mạch” - võ sư Thái Viết Trung tự hào chia sẻ. |
Võ đường Hồ Tấn có một tấm bia lớn, trên đó có biểu tượng đôi tay vái chào kiểu con nhà võ. Đó là hình ảnh mà những người như ông Tiến và hàng ngàn môn sinh qua bao thế hệ, đã tự nhiên mà khắc ghi trong trí nhớ những ngày đến đây. Một trăm lẻ bốn năm, kể từ ngày Tổ phụ Hồ Lan Đình, tức thầy Chánh Lơn lập ra lò võ, tinh hoa của một trong 3 dòng võ chính thống đầu tiên đất Quảng cứ thế được mài giũa bằng tâm huyết và cố gắng của bao thế hệ thầy trò, môn sinh. Chưởng môn võ đường Hồ Tấn, võ sư Hồ Ngọc Doãn, cháu nội ông Chánh Lơn, người tinh thông võ thuật và y thuật bí truyền của môn phái, đã cùng với những đệ tử tinh thông võ nghệ của mình như các thầy Đỗ Thế Chiến, Thái Viết Trung, Nguyễn Văn Sanh... cùng phát triển võ đường, tận tình chỉ dẫn cho các môn sinh từng đường côn, thế kiếm, truyền đạt các chiêu thức, bộ pháp của Hồ Tấn võ. Vị Chưởng môn ấy đã dùng hết tâm huyết, võ công và trí lực, cố gắng truyền thụ cho bằng hết những tinh hoa, tinh túy võ thế gia Hồ Tấn cho lớp con cháu sau này. Lớp lớp môn sinh bước ra từ võ đường, tiếp nối truyền thống trượng nghĩa, diệt gian, trong đó có không ít những chiến sĩ cách mạng…
Tuyệt kỹ võ thế gia
Võ sư, bác sĩ Nguyễn Văn Hường, cũng là Phó Chưởng môn của võ đường Hồ Tấn chỉ từng tấm ảnh chụp thư tịch cổ, gồm những sắc phong của triều đình, chính quyền Pháp thuộc lẫn sách dạy y thuật của võ thế gia. Ông Hường bảo, lúc còn khỏe mạnh, Chưởng môn Hồ Ngọc Doãn luôn dạy môn sinh, rằng học võ là học đạo làm người, phải biết trượng nghĩa, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, phải biết giúp đời, giúp nước... “Đó cũng là tiêu chí cao nhất để thầy thử thách và nhận đệ tử bái sư. Học võ trước hết là để lấy cái “tâm”, “đạo”. Vì thế, trong từng đòn thế phải toát lên thần lực của nhãn pháp, nội lực của khí pháp, sự an nhiên tự tại của tâm pháp. Từng nhịp điệu, tiết tấu, độ cương nhu của chiêu thức trong bài quyền gắn với từng câu thiệu, không chỉ thể hiện nghệ thuật dung hòa cái đẹp trong uy lực dụng võ, mà còn là đạo dùng võ. Thư pháp Hồ Tấn gia có câu “Chí khí hơn nhất bộ, ngôn ngữ nhượng tam phân”. “Tâm, đạo, trí, lực”, là đích đến của môn sinh võ thế gia Hồ Tấn, mà ai cũng phải bỏ công khổ luyện, có người mất hàng chục năm trời…” - ông Hường bộc bạch.
Trăm năm như một cái chớp mắt, những người trở về võ đường hôm nay, có già, có trẻ, có những người đã hơn nửa đời luyện võ, học y thuật của võ sư Hồ Ngọc Doãn, cũng có môn sinh mới ngấp nghé nhập môn. Họ đứng cùng nhau, bằng lòng bái vọng Tổ phụ tiền nhân, bằng niềm tự hào môn sinh võ phái. Những người đã luyện võ với tất cả đam mê, rèn giũa cho mình “tâm, đạo, trí, lực”, để tự mỗi người mà tôi gặp, đều bình dị đến khiêm cung, nhưng khi đứng trên sàn luyện võ lại phát lộ một thân thủ phi phàm. Bao lớp người của võ đường Hồ Tấn đã ra Bắc, vào Nam, mở hàng chục lò võ trong và ngoài tỉnh dạy dỗ thêm hàng ngàn môn đệ, kế thừa và truyền dạy tinh hoa võ học, y thuật. Một lò võ, không chỉ để rèn giũa võ nghệ, mà còn tôi luyện nên bao lớp người tài đức, cho tinh hoa võ học cổ truyền, và lớn lao hơn, là cho quê hương, Tổ quốc. Bên Bàn Thạch giang, vẫn còn vang câu thiệu, rộn tiếng hô của những bài quyền cổ, từ võ thế gia Hồ Tấn, một võ đường của trăm năm…
THÀNH CÔNG