Trạm xá không biên giới

QUỐC VŨ 19/03/2014 08:29

Trạm xá Quân dân y kết hợp xã A Xan, huyện Tây Giang, nhiều năm nay duy trì một việc làm “không biên giới”: mở cửa tiếp nhận những ca cấp cứu từ phía nước bạn Lào sang, bất kể giờ giấc. Việc làm nhân văn này góp phần tô thắm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước Việt - Lào nói chung, giữa 2 tỉnh Quảng Nam - Sê Kông nói riêng.

Bác sĩ quân y Huỳnh Văn Ngọc khám bệnh cho chị Avo Hiêm bằng máy siêu âm.
Bác sĩ quân y Huỳnh Văn Ngọc khám bệnh cho chị Avo Hiêm bằng máy siêu âm.

Trạm xá Quân dân y kết hợp xã A Xan mỗi năm tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca bệnh từ huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) chuyển sang, và từ lâu được người dân vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh gọi là “Trạm xá không biên giới”.

Gần một năm kể từ ngày cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm khai thông, con đường mới hình thành như dải lụa vắt ngang qua những mỏm núi cao chót vót nối huyện Tây Giang và Kà Lừm, huyện Sê Kông (Lào), trở thành tuyến giao thông huyết mạch cho sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh. Cũng nhờ con đường này, rất nhiều ca bệnh “thập tử nhất sinh” từ phía huyện Kà Lừm chuyển sang Trạm xá Quân dân y kết hợp xã A Xan được cứu chữa kịp thời.

Hôm chúng tôi đến, đã hơn một tuần anh Khăm Son đưa vợ và đứa con gái 6 tháng tuổi từ bản Ba Lê, huyện Kà Lừm sang Trạm xá A Xan chữa bệnh. Nhà nghèo, vợ bị viêm đường ruột, con thì viêm đường hô hấp, cả ngày sốt hầm hập rồi khóc quấy. Không có xe máy nên Khăm Son phải cõng vợ con đi suốt cả ngày đường rừng mới đến được Trạm xá xã A Xan để chữa trị. Nhờ các y - bác sĩ ở đây tận tình cứu chữa, hai mẹ con sức khỏe đều đã bình phục. “Bác sĩ ở trạm xá của Việt Nam tốt lắm. Vợ và con mình được bác sĩ khám, cho thuốc bây giờ đã khỏe nhiều rồi. Con mình cũng không còn sốt và khó thở nữa. Bác sĩ bảo phải ở lại thêm vài ngày để theo dõi. Cơm nước, chỗ nghỉ trạm xá cũng lo cho hết. Tốt lắm!” - anh Khăm Son vui mừng kể.

Nằm ở trung tâm 4 xã vùng cao của huyện Tây Giang là Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry, Trạm xá Quân dân y kết hợp xã A Xan hằng năm khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt bệnh nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu và nhân dân các bộ tộc Lào ở bên kia biên giới. Đây cũng là trạm xá duy nhất của 4 xã vùng cao huyện Tây Giang có bác sĩ quân y tăng cường và được trang bị thêm ô tô cứu thương để chuyển bệnh nhân về tuyến trên.

Vợ chồng Khăm Son (bản Ba Lê, huyện Kà Lừm) cùng con gái vui mừng vì đã được các bác sĩ quân y chữa hết bệnh. Ảnh: Quốc Vũ
Vợ chồng Khăm Son (bản Ba Lê, huyện Kà Lừm) cùng con gái vui mừng vì đã được các bác sĩ quân y chữa hết bệnh. Ảnh: Quốc Vũ

Bác sĩ Huỳnh Văn Ngọc - Trưởng trạm xá Quân dân y kết hợp xã A Xan cho biết, giữa năm 2013, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đầu tư thêm cho trạm xá máy rửa dạ dày, máy siêu âm và máy điện tim. Nhờ đó, nhiều ca sinh khó được cứu chữa tại chỗ, những nạn nhân ăn lá ngón tự tử chuyển đến trạm xã kịp thời đã được cứu sống. Mới đây nhất, vào ngày 6.2.2014, bác sĩ Ngọc đã cứu sống bệnh nhân Bling Dên (SN 1993, trú tại thôn Arầng 2, xã A Xan ăn lá ngón tự tử vì mâu thuẫn gia đình. Dên đã được bác sĩ Ngọc cùng các y sĩ súc rửa dạ dày kết hợp sử dụng hỗn dịch giải độc Antipois, truyền dịch, hồi sức tích cực.

Trạm xá hiện có 10 nhân viên y tế, trung bình mỗi tháng khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 300 lượt bệnh nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu và đồng bào các dân tộc ở huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông). Bác sĩ Ngọc cho biết thêm: “Trung bình hằng năm có khoảng 300 bệnh nhân bên kia biên giới qua đây chữa bệnh. Đó là không kể những lần chúng tôi hỗ trợ, cử cán bộ qua thăm khám, cấp phát thuốc cũng như hỗ trợ về thuốc men cho bạn khi có dịch bệnh xảy ra. Khi người dân Lào sang khám bệnh, chúng tôi đều hỗ trợ, chăm lo  chu đáo chuyện ăn ngủ của bệnh nhân và người nhà”.

Một tin vui vừa đến với Trạm xá Quân dân y kết hợp xã A Xan, đó là Sở Y tế tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp trạm xá thành phòng khám khu vực với quy mô diện tích hơn 1.000m2, có đầy đủ phòng chức năng, phòng mổ cấp cứu. Huyện Tây Giang cũng đã gửi cán bộ y tế đi đào tạo chuyên khoa để về tăng cường cho phòng khám này. Vậy là đồng bào Cơ Tu ở 4 xã vùng cao của huyện Tây Giang và người dân vùng giáp ranh của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) sẽ bớt cảnh “võng cáng đường rừng” lặn lội về trung tâm huyện khám, điều trị bệnh.

QUỐC VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trạm xá không biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO