Trạm y tế xã xuống cấp trầm trọng

KHẢI KHIÊM - HOÀNG LIÊN 21/05/2014 12:18

Là một địa phương được đầu tư khá lớn về xây dựng cơ bản trong thời gian qua, nhưng các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Đại Lộc hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị cũ kỹ không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Trạm Y tế xã Đại Hiệp được xây dựng cách đây gần 30 năm. Hơn 10 năm trước, tổ chức phi chính phủ và một gia đình Việt kiều tài trợ nâng cấp 2 dãy phòng dùng khám chữa bệnh ban đầu. Còn dãy phòng họp, phòng khám phụ khoa và phòng trực thì chưa được đầu tư nâng cấp. Ai cũng thấy rõ mảng tường bị nứt nẻ, bong tróc nham nhở. Sau đợt bão năm 2013, trạm này càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Trưởng trạm Y tế xã Đại Hiệp - ông Nguyễn Hoài Diệu trăn trở: “Dù chưa cần thiết phải xây mới cả phòng làm việc, phòng khám phụ khoa và phòng trực nhưng cần nâng cấp một số phòng quá cũ kỹ. Điều này, chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng chưa thấy cấp trên có động thái gì”.

 Trạm Y tế xã Đại Thạnh.Ảnh: K.KHIÊM
Trạm Y tế xã Đại Thạnh.Ảnh: K.KHIÊM

Tương tự, Trạm Y tế xã Đại Thạnh gần 30 năm nay dường như bị lãng quên. Năm 2012, đoàn học sinh tình nguyện của Singapore đã giúp quét vôi toàn bộ các phòng, nhờ vậy đỡ ảm đạm hơn. Toàn trạm chỉ có 6 phòng, trong đó phải bố trí lắp ghép 3 phòng khám chữa bệnh cho bệnh nhân theo kiểu… đa chức năng. Trưởng trạm Y tế xã Đại Thạnh - ông Vũ Mạnh Hưng cho hay, địa bàn xã nằm xa Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, xa Trung tâm Y tế Đại Lộc nên nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của bà con rất lớn với khoảng 700 - 800 lượt người/tháng.

Song với cơ sở vật chất tạm bợ như vậy, bệnh nhân không dám nằm lại bởi giường bệnh, phòng bệnh không đảm bảo vệ sinh, ẩm thấp… Chủ tịch UBND xã - ông Huỳnh Văn Mười cho biết, Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn cố gắng chăm lo sức khỏe nhân dân bằng nhiều giải pháp. Thế nhưng, việc đầu tư nguồn kinh phí để xây mới, thậm chí chỉ nâng cấp trạm cũng khó. “Việc xây dựng mới trạm y tế xã là hết sức cấp thiết. Chúng tôi đã quy hoạch để bố trí trạm ở địa điểm cao ráo hơn. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư không biết tìm đâu ra” - ông Mười bày tỏ.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc cho rằng, nhìn chung, các trạm y tế trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu về y tế dự phòng, sơ khám chữa bệnh cho nhân dân (!). Huyện còn duy nhất Trạm Y tế xã Đại Thạnh là công trình cấp 4 đã tồn tại quá lâu và không thể tu bổ. Các trạm khác ở mức độ cần bảo dưỡng như Đại Hiệp, Đại Hồng, Đại Tân, Đại Cường. Theo Bộ tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành phục vụ xây dựng nông thôn mới, năm 2013, 3 trạm y tế trên địa bàn huyện đã được đầu tư nâng cấp. Năm nay, Sở Y tế sẽ cấp kinh phí khoảng 700 triệu đồng dùng nâng cấp, sửa chữa 2 trạm gồm Đại Hiệp, Đại Hồng.

Cũng theo ông Tâm, nguồn ngân sách đầu tư tất cả các khoản cho 1 trạm y tế hoạt động hằng năm quá ít, chỉ 26 triệu đồng. Trong khi đó, hỗ trợ của UBND cấp huyện, xã cho y tế xã hầu như không có. Theo tiêu chí mới, Trạm Y tế xã Đại Thạnh muốn đạt chuẩn về cơ sở vật chất thì cần phải xây dựng mới tối thiểu 12 phòng, kinh phí khoảng 4 - 5 tỷ đồng.

KHẢI KHIÊM - HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trạm y tế xã xuống cấp trầm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO