(QNO) - Các quốc gia khu vực Đông Nam Á gồm Lào, Thái Lan, Myanmar phối hợp thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm triệt phá các băng nhóm và tội phạm có tổ chức tại khu vực Tam giác vàng.
Ngày 5/2 vừa qua, Thái Lan tạm ngừng cung cấp điện, quyền truy cập internet và xăng dầu cho 5 khu vực ở Myanmar là nơi nghi ngờ tổ chức các hoạt động lừa đảo qua mạng sau vụ giải cứu một diễn viên Trung Quốc - người bị lừa đến Thái Lan, ép qua biên giới vào một tổ hợp lừa đảo ở khu vực Myawaddy của Myanmar.
Tháng 8 năm ngoái, lực lượng an ninh đặc khu kinh tế Tam giác vàng thuộc tỉnh Bokeo (Bắc Lào) phối hợp với một số đơn vị chức năng xóa sổ thành công băng nhóm lừa đảo qua mạng, bắt giữ gần 800 đối tượng.
Đặc khu kinh tế Tam giác vàng là khu vực đặc biệt nằm tại ngã ba của Lào, Thái Lan và Myanmar. Do vị trí địa lý và tình hình chính trị phức tạp, nơi đây trở thành trung tâm của nhiều hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là tội phạm liên quan đến viễn thông hay lừa đảo qua mạng.
Các nhóm lừa đảo thường lợi dụng sự thuận tiện xuyên biên giới của khu vực Tam giác vàng để tuyển dụng nhân sự, vận chuyển thiết bị và chuyển tiền. Hầu hết hoạt động tội phạm đều do các băng nhóm nước ngoài cầm đầu.
Từ năm 2022 đến 2024, Lào phát hiện 306 băng nhóm lừa đảo qua mạng, liên quan đến gần 16 nghìn người gồm hơn 6.000 công dân Lào và gần 10 nghìn người nước ngoài, cho thấy mức độ nghiêm trọng của các hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia tại Tam giác vàng như ổ tội phạm lừa đảo.
Do vậy, Lào, Thái Lan và Myanmar hợp tác và hướng đến mục tiêu triệt phá tội phạm lừa đảo liên quan viễn thông tại Tam giác vàng vào năm 2025.
Chính phủ Lào cho biết với sự phổ biến của thanh toán điện tử và truyền thông mạng, các phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi và bí mật khiến nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân.
Lào sẽ gia tăng nhân sự, giám sát khu vực Tam giác vàng, tăng cường các biện pháp an ninh tại các khu vực biên giới và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Interpol.
Cạnh đó, Lào đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân về các hoạt động lừa đảo qua mạng và thiết lập các kênh báo cáo chuyên dụng.
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, hàng trăm nghìn người trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, bị chúng buôn bán, ép buộc và tham gia những hoạt động lừa đảo trực tuyến bất hợp pháp trên khắp Đông Nam Á, mang lại cho bọn tội phạm hàng tỷ USD mỗi năm.