Trận cãi để đời của dân làng Hương Quế

LÊ THÍ 29/07/2017 10:24

Làng Hương Quế (香桂 mùi thơm của cây quế) nay là các thôn Hương Quế Đông, Hương Quế Trung và Hương Quế Tây thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn. Đây là xã trù phú thuộc loại hàng đầu của huyện Quế Sơn, nằm trải ra hai bên quốc lộ 1 dưới chân núi Quế.

Hai câu đối của vua Lê Thánh Tông trước trụ biển mộ Phạm Nhữ Tăng.
Hai câu đối của vua Lê Thánh Tông trước trụ biển mộ Phạm Nhữ Tăng.

Làng tiền hiền

Dựa vào gia phả của tộc Nguyễn và tộc Phạm, tác phẩm “Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của dân tộc Việt Nam” đã cho biết làng được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ 15, do người cháu 5 đời của Phạm Ngũ Lão, tên là Phạm Nhữ Tăng (1421-1478).

Tài liệu cho biết, Phạm Nhữ Dực, con trai thứ 5 của Phạm Ngũ Lão vốn có quê gốc ở làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào, thừa tuyên Hải Dương (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hải Dương) đã di cư vào sinh sống ở xã Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Năm 1402, Phạm Nhữ Dực được Hồ Quý Ly cử vào làm Chánh đô án phủ sứ phủ Thăng Hoa (là vùng đất từ bờ nam sông Thu Bồn đến bờ bắc sông Bến Ván), lo việc di dân người Việt, vỗ an người Chiêm, khai khẩn vùng đất mà họ Hồ vừa chiếm của người Chiêm. Phạm Nhữ Dực đã đến định cư tại làng Đồng Tràm, phủ Thăng Hoa (nay là xã Hương An, huyện Quế Sơn). Ông chết năm 1407, mộ ông hiện chôn tại đây. Phạm Nhữ Dực sau này được dân làng Đồng Tràm tôn làm Tiền hiền của làng và Đồng Tràm cũng được xem là ngôi làng tiền hiền của xứ Quảng.

Bản sớ 14 điều của Thượng tể Nguyễn Văn Lang.
Bản sớ 14 điều của Thượng tể Nguyễn Văn Lang.

Người chắt nội của Phạm Nhữ Dực là Phạm Nhữ Tăng đã để chú mình ở lại Đồng Tràm lên khai phá vùng đất ở phía tây lập ra làng Hương Quế. Nơi đây có gò đồi rộng rãi, đồng bằng phù sa màu mỡ, nguồn nước Bàu Sanh và sông Ly Ly rất dồi dào. Phạm Nhữ Tăng đã từng làm Tổng chỉ huy đạo quân bình Chiêm của Lê Thánh Tông năm 1471. Sau chiến thắng được bố trí ở lại làm Đô ty Quảng Nam kiêm Tri phủ Hoài Nhơn. Ông mất năm 1478, được đưa về cải tang tại làng Hương Quế. Lễ cải táng do vua Lê Thánh Tông chủ trì. Nhà vua cũng ban câu đối thờ. Câu đối hiện còn ở mộ ông và ngôi mộ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau này Phạm Nhữ Tăng được dân làng Hương Quế tôn làm một trong 3 vị tiền hiền của làng.

Trận cãi để đời

Hương Quế cũng được xem là làng tổ của “cãi” Quảng Nam. Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Nguyễn Văn Lang làm quan đến Thừa tướng Thượng tể, chị làm cung phi đời vua Tương Dực (Hồng Thuận) nhà Lê. Ông biết Mạc Đăng Dung sắp cướp ngôi vua, nhân vua mời vào triều, ông không đi lại dâng điều trần bình trị gồm 14 điểm, trong đó có những điểm triều thần cho là muốn dạy vua nên khuyên vua đừng nghe: tự răn mình sửa lễ để tránh mọi tai hại cho dân, lánh xa thanh sắc để chỉnh lòng người và can gián nhiều điểm khác về quân đội, hiệu lệnh... Lẽ tất nhiên ông biết mình không nên sống ở Bắc phải xin vua cho di dân vào Nam khai thác biên thùy. Ông lập xã Hương Ly ở Quảng Nam rồi ở luôn tại đó. Vớí những vị (thủy tổ) có thành tích cãi vua cỡ đó thì có lẽ trong bản chất người Quảng đã có máu cãi” (Phong trào Duy Tân, Nxb Đà Nẵng, 1996, trang 71, 72). Hiện nay tại nhà thờ tộc Nguyễn của làng còn treo bản sớ 14 điều của Nguyễn Văn Lang như một bảo vật của làng.

Trong cuộc biểu tình cự sưu kháng thuế vào mùa xuân năm 1908, một người cháu của tộc Nguyễn làng Hương Quế tên Nguyễn Duân đã có trận cãi tay đôi với Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung, làm cho viên “chi dân phụ mẫu” này phải một phen bẽ mặt.

Chuyện kể, vào ngày 20.3.1908, đoàn biểu tình  của nhân dân cả tỉnh kéo vào dinh Tổng đốc Hồ Đắc Trung ở La Qua (Điện Bàn) đưa yêu sách đòi giảm sưu thuế và yêu cầu viên tổng đốc can thiệp với nhà cầm quyền của Pháp đóng ở tòa sứ Hội An không được đàn áp cuộc biểu tình thể hiện nguyện vọng chính đáng của người dân. Đoàn biểu tình đã cử một người đại diện để trình bày nguyện vọng với quan tổng đốc. Đây là nội dung của cuộc đối thoại được người cùng thời kể lại, đời sau truyền tụng thành một giai thoại lý thú:

Tổng đốc Hồ Đắc Trung: Bọn bay muốn cái chi, sao dám làm huyên náo chốn công đường?

Đại diện dân: Dân chúng tôi đi xin giảm thuế mấy hôm nay mà ông Sứ (công sứ Charles) không chịu trả lời lại còn sai lính đánh đập tàn nhẫn quá, nhờ quan lớn can thiệp giúp!

Tổng đốc Hồ Đắc Trung: Thì bọn bay giải tán về nhà mắc chi bị đánh, còn thuế thì đợi nhà nước nghiên cứu sẽ liệu giảm cho.

Dân chúng (nhao nhao phản đối): Tưởng quan lớn nói răng chớ nói như rứa thì dân chúng tôi đến đây làm chi?

Tổng đốc Hồ Đắc Trung (đe dọa): Bọn bay làm loạn một tháng nay có được chi mô, bọn bay tưởng Tây họ để yên cho chúng bay làm loạn à?

Đại diện dân: Chúng tôi chỉ đi xin xâu mà lại bảo là làm loạn à! Té ra quan lớn với Tây là một phe đi với nhau, lấy thế Tây để dọa dân. Quan lớn tưởng mình ăn lương của Tây sao. Không phải đâu, quan lớn đang ăn lương của dân chúng tôi, từ tiền thuế của dân chúng tôi đóng góp, lại không làm chi cho dân chúng tôi nhờ, mà lại về hùa với Tây, toan làm hại dân. Dân Quảng Nam chúng tôi không cần những loaị quan như thế. Về trớt đi cho rảnh!

Tổng đốc Hồ Đắc Trung (tức giận nạt lớn): Mi là đứa mô, tên chi, quê ở mô mà dám xấc láo trước mặt quan lớn như vậy?

Đại diện dân (dõng dạc): Tôi là học trò tên Nguyễn Duân người làng Hương Quế, huyện Quế Sơn, thay mặt cho dân biểu tình để nói chuyện với quan lớn.

Tổng đốc Hồ Đắc Trung phải dịu giọng: Anh là học trò thì có phải nộp thuế đâu mà đi xin. Là học trò thì phải biết lễ nghĩa sao lại dám mắng tay đôi với quan tỉnh!

Nguyễn Duân (cãi lại): Tôi vì có học, biết lý sự, phải trái nên mới nói. Thấy việc đúng việc phải mà không nói không làm thì còn chi là kẻ có học. Còn thuế thì chỉ các quan như mấy ông mới không nộp, chứ ai cũng bị bắt phải nộp hết!

Tổng đốc Hồ Đắc Trung giận, cứng họng không cãi được nên… chuồn mất!

Tổ tiên thì cãi với vua, con cháu thì cãi với tổng đốc. Cả làng, từ trước tới sau lúc nào cũng sẵn sàng cãi với bạo quyền. Và xét cho cùng cuộc biểu tình “cự sưu kháng thuế” vào mùa xuân năm Mậu Thân 1908 của dân Quảng Nam cũng là một cuộc “cãi lớn”, cãi lại bạo quyền để đòi “dân quyền”. Hương Quế quả thật xứng đáng là một trong những làng cãi hàng đầu Quảng Nam và Nguyễn Duân đã góp phần xứng đáng vào truyền thống “hay cãi” và “cãi hay” của dân Quảng Nam.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trận cãi để đời của dân làng Hương Quế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO