Trần Đăng Long - người đúc bảo vật quốc gia

LÊ THÍ 27/06/2015 09:01

Không biết dun dủi thế nào mà một tàu cá của Quảng Nam đã vô tình chỉ đường cho việc tìm lại 3 báu vật ở ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh, đó lại là  3 khẩu thần công mà cách đó 182 năm quan Võ khố Trần Đăng Long, một người Quảng Nam đã chỉ huy đúc và hiện trở thành Bảo vật quốc gia.

Một trong 3 khẩu thần công được trục vớt ở Hà Tĩnh.
Một trong 3 khẩu thần công được trục vớt ở Hà Tĩnh.

Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao báu vật này lại bị chìm dưới đáy biển ngoài khơi Hà Tĩnh? Vì sao không vướng vào một chiếc tàu nào khác mà lại vướng vào tàu cá của ngư dân… Quảng Nam trong khi người đúc súng cũng chính là nhân vật đặc biệt của Quảng Nam.

Tam vị “Bảo quốc An dân Đại tướng quân”

Khoảng tháng 8.2003, một chiếc tàu đánh cá của ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, thả lưới trong vùng biển Hà Tĩnh cách Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) hơn 30 hải lý thì bất ngờ lưới bị mắc. Để cứu lưới, họ đã thuê một nhóm thợ lặn ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) lặn gỡ lưới.

Lưới được gỡ. Tàu cá Quảng Nam chuyển đi nơi khác. Nhưng nhờ việc này nhóm thợ lặn đã phát hiện ra một chiếc tàu cổ bị đắm, là nguyên nhân của sự cố mắc lưới. Nhóm thợ lặn đã thuê một chiếc tàu ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) trục vớt con tàu cổ. Khi trục vớt báu vật của con tàu có 3 khẩu thần công. Chủ tàu lấy 1 khẩu, hai người thợ lặn là Phạm Tiến Phương và Trần Trọng Thưởng mỗi người 1 khẩu.

Ông chủ tàu trục vớt bán khẩu thần công của mình cho một lái buôn để họ chở sang Trung Quốc bán. Rất may khẩu thần công thứ nhất chưa chở ra khỏi địa phận Hà Tĩnh đã bị công an tịch thu giao lại cho Bảo tàng Hà Tĩnh. Nhận ra giá trị của ba khẩu thần công, bảo tàng đã đến thuyết phục hai anh Phạm Tiến Phương và Trần Trọng Thưởng giao lại cho bảo tàng. Hiện ba khẩu thần công được lưu giữ ở Bảo tàng Hà Tĩnh.

Theo nghiên cứu, 3 khẩu thần công này được đúc bằng đồng vào năm Minh Mạng thứ hai (1821), nằm trong một bộ đặt tên là “Bảo quốc An dân Đại tướng quân” đánh số thứ tự từ một đến ba. Hình dáng, kích thước và các hoa văn trang trí trên thân súng đều giống nhau. Mỗi khẩu nặng hơn 1,2 tấn, dài 2,43m, đường kính thân súng 40cm, đường kính nòng súng 11cm; giữa thân súng có hai quai chạm khắc hình rồng và hai tai tròn làm giá đỡ cho súng. Các hoa văn trên thân súng thể hiện các đề tài truyền thống như cúc dây, rồng chầu mặt nguyệt, đầu rồng, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm. Rồng chầu mặt nguyệt bao quanh bài minh văn chữ Hán.

Trên khẩu thần công số 1 và số 3 có bài minh nói lên mục đích của việc đúc súng là chúc mừng vua Minh Mệnh lên ngôi hoàng đế và thể hiện uy quyền của vương triều, sau đó là xua tan đi những điều không tốt lành. Khẩu thứ 2, bị tróc hết lớp bạc và chữ bị mờ không đọc được.

Đặc biệt trên mặt sau cả ba khẩu thần công đều có ghi: “Minh Mạng nhị niên tuế thứ Tân Tỵ cát nguyệt nhật chú” và “Vụ khố thần Trần Đăng Long phụng chú”. Nghĩa là được đúc vào ngày lành tháng tốt năm Tân Tỵ, niên hiệu vua Minh Mạng năm thứ 2  và “Trần Đăng Long ở Vụ Khố vâng mệnh đúc”.

Năm 2006, Bảo tàng Hà Tĩnh cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phục chế 2 khẩu thần công bị bóc lớp bạc và trả nó về nguyên dạng.  Tháng 12.2013, ba khẩu thần công được Thủ tướng Chính phủ chọn làm “Bảo vật quốc gia”.

Vũ khố Trần Đăng Long là ai?

Trần Đăng Long sinh năm Canh Thìn 1760 tại làng An Quán, huyện Diên Phước (nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn). Cha ông là Trần Đăng Khoa làm Xá sai ty Thủ hợp ở Bình Hòa (Gia Định) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Ông theo cha vào sống ở đây.

Sách Đại Nam liệt truyện viết về Trần Đăng Long: “Long trạng mạo khôi ngô, có sức mạnh, trung hưng sơ tuổi 19 ra đầu quân, thường theo vua đi đánh giặc. Năm Giáp Thìn vua chạy sang Vọng Các, Long ốm không được đi theo, ẩn ở thôn quê, sợ bị giặc bắt, giả câm, giặc quả bắt được toan giết, vì câm được thoát, về sau mỗi khi ngồi sau vai liền dao động, người ta hỏi, nói rõ vì cớ ấy”.

Từ khi Nguyễn Ánh từ Vọng Các (Bangkok) về lại Gia Định (1787) Trần Đăng Long luôn có mặt bên vua, tham gia nhiều trận đánh, lập được nhiều chiến công, được Nguyễn Ánh tin dùng phong làm Phó đội Túc trực. Trong nhật ký hành quân của Trần Đăng Long có thể kể những trận đánh lớn:

Năm Nhâm Tý (1792), nhân khi mùa gió Nam thổi mạnh, Trần Đăng Long cùng  Nguyễn Văn Trương,  Nguyễn Văn Thành, Dayot và Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ (nay thuộc TP.Hồ Chí Minh) ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn), rồi quay về an toàn.

Năm Giáp Dần (1794) theo Hoàng tử Cảnh trấn Diên Khánh, sau theo Nguyễn Ánh tiến đánh Thi Nại, đánh nhau với quân Tây Sơn ở núi Tam Tòa, dù bị thương ở chân vẫn cố sức đánh, mọi người phục là khỏe. Cuối năm ấy lại cùng Nguyễn Văn Thành đánh vào cửa biển Cổ Lũy (Quảng Ngãi) cướp được rất nhiều binh thuyền, lương thực của Tây Sơn.

Năm Kỷ Mùi (1799) theo đi giải vây thành Diên Khánh, đóng đồn ở núi Giang Nam, ngăn đường chạy của quân Tây Sơn. Sau đó cùng Nguyễn Văn Trương  đem quân đánh Quảng Ngãi đốt 5 sở đồn của Tây Sơn ở Sa Hoàng, Sa Kỳ, Mân Khê, Mỹ Ý, Thái Cần xong quay về cùng đánh lấy thành Quy Nhơn rồi rút về đánh chiếm lại Diên Khánh.

Tháng Giêng năm Tân Dậu (1801), Trần Đăng Long cùng Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy đem quân vào đánh cửa Thị Nại. Đây là trận “thủy chiến” dữ dội nhất giữa Tây Sơn - Nguyễn Ánh. Trận này Trần Đăng Long góp công rất lớn.

Sau chiến thắng vang dội ở cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn) ông cùng các tướng dẫn đại quân tiến ra cửa biển Cổ Lũy (Quảng Ngãi) rồi Đại Áp, Đại Chiêm (Quảng Nam). Đại quân đến đâu quân Tây Sơn tan vỡ đến đó, đại quân chiếm đồn ở Hội An, La Qua, Phú Chiêm. Đại đô đốc Nguyễn Văn Xuân, cùng Trấn thủ Văn Tiến Thể của Tây Sơn bỏ chạy, đại quân thu được nhiều chiến lợi phẩm. Ông tiếp tục tiến ra Đà Nẵng, lấy đồn Hải Vân, chiếm của biển Tư Hiền, Thuận An và tiến chiếm Phú Xuân.

Sau khi Gia Long lên ngôi (1802) ông được triệu về kinh và đảm nhận nhiều vai trò quan trọng: Năm  Đinh Hợi (1803) ông được thăng Vệ úy vệ tiền nhất quân thị trung khâm sai thuộc nội cai cơ. Mùa thu năm ấy theo vua Gia Long ra Bắc thành. Năm Mậu Tý (1804) chỉ huy xây dựng hoàng thành Huế, cung điện, làm nhà quân. Năm Mậu Thìn (1808), ông cùng với Hữu tham tri bộ Công là Nguyễn Đức Huyên sung chức duyệt tuyển ở Bình Hòa (Gia Định). Năm Kỷ Tỵ (1809), được thăng Khâm sai thuộc nội Vệ úy vệ tiền nhất quân thị trung. Năm Bính Tuất (1814), ông được sung làm phó sứ ở Sơn Lăng. Mùa thu năm Đinh Sửu (1817), theo chức cũ làm lưu thủ trực thuộc doanh Quảng Nam.

Khi Minh Mạng lên ngôi ông tiếp tục được trọng dụng. Năm Canh Thìn (1820) ông được triệu về Kinh, làm việc ở Võ Khố thanh lại ty thuộc bộ Binh trông coi việc binh nhung khí  giới. Năm sau (Tân Tỵ, 1821) được nhà vua sai đúc ba khẩu “Bảo quốc An dân Đại tướng quân”...

Trần Đăng Long qua đời vì bị ốm năm 1828, thọ 68 tuổi. Nhà vua thương tiếc cấp cho 200 lạng bạc, 5 cây gấm, cho đưa về quê an táng.  Các con ông đều thành danh ở nghiệp võ. Một người từng làm Phó Lãnh binh Bắc Ninh, các vị khác đều làm quan ít nhất là đến chức Cai đội.

Mộ ông và vợ ông hiện ở tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, được công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trần Đăng Long - người đúc bảo vật quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO