Sau khi thu phục giang sơn, thống nhất đất nước, vua Gia Long rất chú trọng việc giáo dục, đào tạo nhân tài giúp nước, do đó năm 1802 Trường tỉnh Quảng Nam được thành lập tại xã Câu Nhí, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, đến năm 1835 trường được dời về làng Thanh Chiêm.
Đốc học Trần Đình Phong. |
Trường tỉnh Quảng Nam do một quan Đốc học điều hành nên nhân dân quen gọi là trường Đốc Thanh Chiêm. Phần lớn các Đốc học của trường là người Quảng Nam, nhưng cũng có những vị ở tỉnh khác được bổ dụng đến. Dù sinh ra trên quê hương nào nhưng khi đảm nhận chức vụ cao quý này, các quan Đốc học đều dốc hết tài đức của mình vào sự nghiệp trồng người. Chính vì thế mà trường Đốc Thanh Chiêm dưới thời phong kiến nhà Nguyễn đã lừng danh là lò luyện nhân tài không chỉ cho Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn cho cả nước.
Trường Đốc Thanh Chiêm nay chỉ còn vang bóng, nhưng nhân dân Quảng Nam vẫn tôn kính và nhớ ơn một thầy đồ Nghệ đã đào tạo cho Quảng Nam nhiều nhân tài làm rạng rỡ cho quê hương. Đó là Đốc học Trần Đình Phong.
Dốc lòng xây dựng trường
Năm Quý Tỵ (1893) Trần Đình Phong nhận chức Đốc học Quảng Nam. Được vua Thành Thái bổ nhiệm vào một chức vụ hợp với sở thích của mình, ông đã đem hết nhiệt huyết và tài năng để đóng góp cho công cuộc phát triển văn hóa, giáo dục của xứ Quảng. Ông chỉnh đốn lại trường ốc, sắp xếp đội ngũ thầy giáo, chú ý đến những vị thầy có tài, có đức. Ông còn đến các vùng lân cận tuyển chọn học sinh xuất sắc cho vào học ở trường Đốc Thanh Chiêm như trường hợp Trần Quý Cáp (lúc nhỏ tên Trần Nghị).
Trần Nghị học rất xuất sắc. Năm 1895, Đốc học Trần Đình Phong nghe tiếng liền đến khảo sát và tuyển ông vào trường Đốc Thanh Chiêm, cấp học bổng và cho đổi tên thành Trần Quý Cáp, tự Dã Hàng, lại tự Thích Phu, hiệu Thai Xuyên.
Trần Đình Phong hiệu Mã Sơn người thôn Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Thái Trạch, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; nay gọi là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847), lúc nhỏ có tên là Bằng, được thầy Bùi Huy Chân, một nhà Nho đức độ thông minh trong làng trực tiếp dạy dỗ. Từ nhỏ ông đã có tài văn chương, giỏi ứng xử đối đáp và có đạo đức nên được thầy yêu mến. Sau 1885, ông được bổ làm Đốc học ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, rồi về Huế nhận chức Tế tửu Quốc tử giám, được phong Quang lộc tự khanh. Năm Mậu Thân (1908), triều Duy Tân, ông được bổ làm Biên Tu Quốc sử. Trần Đình Phong mất năm Canh Thân (1920), an táng tại quê nhà. |
Nhờ tài tổ chức và quản lý của Trần Đình Phong mà trường Đốc Thanh Chiêm có nhiều thầy giáo giỏi và học sinh tài năng.
Hàng tháng nhà trường định kỳ giảng sách cho học sinh, quan Đốc học vừa trông coi việc học cả tỉnh, vừa tham gia giảng tập. Đến ngày giảng sách “Học quan mặc áo khăn ngồi trên nhà học, học trò mặc áo khăn ngồi im lặng nghe giảng” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, nxb Thuận Hóa - Huế 1993, Tập VII, tr.187).
Thỉnh thoảng quan Đốc học cũng mở những buổi giảng tập về những điều cao siêu trong ý nghĩa kinh sách.
Vào các ngày mùng 3, mùng 9, 17, 25 mỗi tháng, quan Đốc học ra đầu bài, học sinh đem về nhà làm đến kỳ hạn nộp bài (gọi là văn kỳ) hoặc làm ngay tại trường, trong một ngày phải xong (gọi là văn nhật khắc). Sau khi chấm, học sinh đến trường để nghe quan Đốc học nhận xét về các bài làm hoặc bình những đoạn văn hay, những bài đặc sắc.
Đôi khi các quan tỉnh yêu thích văn học cũng tham gia duyệt quyển bình văn hầu làm phong phú thêm kiến thức cho học sinh. Trong tập Lô Giang tiểu sử, ông Nguyễn Mại đã cho biết “Ta tuy làm chánh chức nhưng khi rảnh lui tới trường học cùng với ông Đốc học Trần Đình Phong duyệt quyển bình văn” (Lô Giang tiểu sử, bản dịch tr.129).
Quả ngọt cho đất và người
Mười hai năm làm Đốc học Quảng Nam (1893-1905) Trần Đình Phong đã đào tạo nhiều thế hệ nho sinh, trong đó có 6 người nổi tiếng là Phạm Liệu, Phan Quang, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng (Huỳnh Hanh) và Trần Quý Cáp.
Dưới sự điều hành và dạy dỗ của ông, học trò Quảng Nam đã đạt được những kỳ tích ở các khoa thi làm cho giới khoa bảng cả nước ngày đó ngưỡng mộ.
Nổi bật là ở khoa thi năm Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, Quảng Nam có 3 người đỗ tiến sĩ và 2 người đỗ phó bảng. Ba vị tiến sĩ là: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; hai vị phó bảng là: Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.
Năm vị đỗ Đại khoa này được vua ban áo mão vinh quy, được nhân dân Quảng Nam đón rước long trọng, tôn xưng là “Ngũ phụng tề phi” và được quan Tổng đốc Quảng Nam là Đào Tấn mở tiệc chiêu đãi tại Khán Hoa Đình ở bến sông Vĩnh Điện, nhằm xiển dương thành tích học tập xuất sắc của các vị ấy, nêu gương sáng cho quần chúng noi theo. Từ đó Quảng Nam được vinh danh là đất “Ngũ phụng tề phi”.
Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) Thành Thái 12, tại trường thi Thừa Thiên, sĩ tử Quảng Nam đỗ cử nhân chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tỉnh (14/42 chiếm tỷ lệ 34%) và từ thủ khoa đến vị thứ 4 đều là học trò Quảng Nam: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh.
Khoa thi Đình năm Tân Sửu 1901, Thành Thái 13, Quảng Nam có 4 người đỗ phó bảng, còn các tỉnh khác chỉ có 1, 2 người. Bốn vị phó bảng đó là: Nguyễn Đình Hiến, Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh.
Khoa Giáp Thìn (1904), Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cùng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Riêng Huỳnh Thúc Kháng đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương) khoa Canh Tý (1900) và đỗ Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội) khoa Giáp Thìn (1904) nên được gọi là ông Nghè song nguyên.
Trần Đình Phong không chỉ dạy văn chương, mà còn truyền thụ cho học trò của mình lòng yêu nước thiết tha, hun đúc tinh thần sẵn sàng dấn thân cứu nước. Các lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyên v.v... những nhà cách mạng nổi tiếng đó, đều là những môn sinh ưu tú của ông.
Hơn 100 năm tồn tại và phát triển chưa có lúc nào trường Đốc Thanh Chiêm đạt được nhiều thành tích vẻ vang như dưới thời Đốc học Trần Đình Phong. Ông là một trí thức yêu nước xuất thân từ Nghệ An nhưng đã xem Quảng Nam là quê hương thứ hai của mình. Và ông đã đem hết tài năng, nhân cách của một ông đồ Nghệ vun đắp vào sự nghiệp trồng người của Quảng Nam. Dân Quảng sẽ còn nhớ ông - Đốc học Trần Đình Phong, người đã một thời đem lại cho vùng đất ông gọi là “Địa linh nhân kiệt” danh xưng cao quý “ Đất Ngũ phụng tề phi”.
CHÂU YẾN LOAN