Cùng với việc sáng tác về đề tài đời sống đương đại như nhiều đồng nghiệp khác, nhiều năm nay nhà điêu khắc Trần Đức - hội viên Hội VHNT Quảng Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, còn chú tâm theo đuổi mảng đề tài chiến tranh cách mạng.
Với những người trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên sau 1975 như Đức, chiến tranh là một đề tài khó, nên đa số thường không chọn hoặc nếu có chọn thì chỉ thảng hoặc, và hết sức e dè. Bởi vậy khi Trần Đức lần đầu tiên thử sức với đề tài chiến tranh cách mạng, có người đã khuyên anh phải cân nhắc và cảnh báo không nên mạo hiểm... Nghe anh em góp ý, ban đầu Đức cũng hơi băn khoăn, nhưng lại nghĩ, nếu không thử thì làm sao biết mình có thể làm được hay không. Và anh đã quyết tâm thử sức, để rồi hạnh phúc bất ngờ đến với anh, với ngay tác phẩm đầu tay về đề tài “khó gặm” này.
Tượng tròn “Nhớ về anh” đặc tả hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ của anh được Ban Tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng chọn trưng bày. Đây là một triển lãm chuyên đề danh giá, do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, 5 năm mới có một lần, tác phẩm dự triển lãm phải trải qua sự lựa chọn rất khắt khe.
Sau thành công bước đầu này, Trần Đức dành mối quan tâm nhiều hơn đến đề tài chiến tranh cách mạng. Mỗi khi trong đầu nảy ra ý tưởng mới, anh lại làm phác thảo để dành, chờ khi cảm xúc chín muồi mới bắt tay vào hoàn thiện tác phẩm. Từ sự quyết tâm theo đuổi ấy, Đức nhận ra chiến tranh cách mạng là đề tài cực kỳ phong phú và anh ít nhiều “có duyên” với đề tài đặc biệt này.
“Khi được nghe các thế hệ đi trước kể về chiến tranh, qua tìm hiểu tư liệu, sách báo... mới thấy đây là đề tài không dễ gì khai thác hết. Chiến tranh không chỉ có bom đạn, chết chóc mà còn rất nhiều những câu chuyện đặc biệt khác, chỉ sợ mình không đủ sức để tái hiện, để chuyển hóa thành tác phẩm mà thôi...” - Đức nói.
Đến bây giờ, trong giới mỹ thuật Quảng Nam, Trần Đức đã là người có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng nhất. Và quan trọng hơn là, những bức tượng, phù điêu “được chạm khắc từ ký ức, từ lịch sử chiến tranh cách mạng” không chỉ giúp cho bộ sưu tập tác phẩm của Đức đầy lên mà còn góp phần khẳng định danh vị của anh trong làng mỹ thuật nói chung và trên lĩnh vực điêu khắc nói riêng. Nhiều tác phẩm về đề tài này của anh được giới chuyên môn đánh giá cao, một số được trưng bày ở các triển lãm quy mô lớn, được chọn xây dựng thành công trình mỹ thuật công cộng hoặc đoạt giải thưởng...
Năm 2018, tượng tròn “Địa đạo” của anh là một trong số không nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Còn với bức tượng “Mắt biển”, sau khi được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng giai đoạn 2009 - 2014 và Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc (2003 - 2013), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã sưu tập để trưng bày lâu dài. Một số tác phẩm khác của anh, như bức phù điêu về 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của quân dân xã Tam Thăng (Tam Kỳ), bức phù điêu di tích Đồng Trầu (Bắc Trà My) và mới đây nhất, vào tháng 2.2020, tượng đài Chiến thắng Mộc Bài (Quế Phú, Quế Sơn) đã được xây dựng vĩnh cửu, trở thành hình tượng minh họa cho những câu chuyện kể về một thời bi tráng...
Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, bên cạnh tính chân thực lịch sử, hầu hết tác phẩm điêu khắc của Trần Đức còn có ý tưởng sáng rõ; bố cục chặt chẽ, mạch lạc; ngôn ngữ tạo hình hiện đại, khỏe khoắn, sống động... Đấy chính là lý do nhiều tác phẩm của anh được sưu tập hoặc xây dựng vĩnh cửu. Năm 2019, Trần Đức gửi bức phù điêu “Quảng Nam những năm tháng đánh Mỹ” dự Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ III và sau đó được tặng giải C. Thật trùng hợp, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Điêu khắc - Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo Giải thưởng, cũng đưa ra những nhận định tương tự đối với tác phẩm này.
Chưa dám nghĩ đến một bộ sưu tập điêu khắc cho riêng mình về đề tài chiến tranh cách mạng, song Trần Đức cho biết đây vẫn là đề tài anh tiếp tục theo đuổi. 40 tuổi đời với hơn 20 năm tuổi nghề, hành trình nghệ thuật của anh còn rất dài. Và đó cũng là một cơ sở để chờ đợi và hy vọng...