Mỗi lần vào Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, tôi thường luẩn quẩn rất lâu trong đó. Đi quanh những bức tượng, những bức phù điêu, những bệ thờ... Ngắm nghía tỉ mỉ, bồi hồi hình dung những bàn tay nghệ nhân hàng ngàn năm trước đã tạc nên những đường nét huy hoàng. Nhưng câm lặng. Ngoài sự thán phục tài khéo của người Chăm xưa, tôi không hiểu gì về những hình tượng đó.
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương. |
Cho đến ngày tôi đọc được một bài viết giải mã những hình khắc trên bệ thờ Trà Kiệu, cái bệ thờ lớn nằm ngay giữa gian trưng bày đầu tiên của bảo tàng. Bốn phía quanh bệ thờ đó, khắc hàng trăm hình người, trong những hoạt động khác nhau, với ngựa xe, cờ quạt rộn ràng... Đó là những hoạt cảnh liên hoàn (như một cuốn truyện tranh vậy) mô tả đám cưới của Rama và Sita, hai nhân vật đình đám trong sử thi Ấn Độ.
Dĩ nhiên bài viết ấy chỉ nói về bệ thờ Trà Kiệu thôi, khi tôi đến bệ thờ E1 Mỹ Sơn, tôi vẫn mù tịt trước những hình khắc trên đó như thường. Nhưng ít nhất tôi biết được mỗi hình khắc Chăm là một câu chuyện có nội dung mà tôi có thể tìm hiểu được. Điều này khiến cho niềm hứng thú tăng lên rõ rệt mỗi khi bước chân vào bảo tàng, hay đến tham quan một tháp Chăm nào đó...
Bây giờ thì xin nói vì sao tôi kể chuyện cái bệ thờ Trà Kiệu. Vì bài viết đó đăng trên một tạp chí khoa học, ký tên bên dưới là Trần Kỳ Phương.
Người đa tài
Trần Kỳ Phương đâu có lạ gì với tôi! Tôi từng gặp anh nhiều lần, trong những cuộc rượu hay café vỉa hè với anh em làm thơ. Nhớ là đã được nghe giới thiệu anh “nhà nghiên cứu nghệ thuật Chăm”, chỉ là chưa từng hình dung ồ như thế thì ổng làm cụ thể những thứ gì? Trong những cuộc ngồi đó, chỉ toàn nói chuyện vẩn vơ về văn chương, thời cuộc. Tôi quen nhìn anh là người làm thơ, người vẽ, và người chơi đàn - những bộ môn thuộc về “nghệ thuật”. Bởi tại bạn bè ai cũng chơi với anh vì văn nghệ, có ai hiểu gì về chuyên môn khoa học của anh đâu.
Trần Kỳ Phương đa tài đa nghệ vậy đó, trước khi bập vào cái nghiệp nghiên cứu Chăm hơn 30 năm trước. Đương nhiên anh vẫn làm thơ, vẫn vẽ, chỉ cho vui chứ không có ý “lập nghiệp” bằng mấy thứ đó. Về khoản đàn địch, thì khá bảnh: anh từng là chủ nhiệm câu lạc bộ guitar cổ điển Đà Nẵng, nổi đình nổi đám khoảng đầu những năm 90 thế kỷ trước. Và thu nhập từ việc dạy đàn đã giúp anh cầm cự cho gia đình sống sót qua những năm kinh tế khó khăn trước đổi mới.
Vài năm trước, tôi tình cờ gặp lại Trần Kỳ Phương ở một hội thảo về văn hóa Cơ Tu ở Tây Giang. Từ đó anh em thường cặp kè nhau những chuyến dong xe lên núi, lặn lội đi điền dã vào các làng Cơ Tu. Mới nói chuyện nhiều hơn, hiểu anh rõ hơn. Lý gì mà một người nghiên cứu Chăm tự dưng hứng thú với Cơ Tu? Đều là có liên quan hết. Anh đang theo đuổi một dự án nghiên cứu mô hình kinh tế Chăm liên hệ đến Cơ Tu, những dân tộc từng có quan hệ gần gũi trong lịch sử. Lại nữa, nghiên cứu nghệ thuật sao lại đề cập chuyện kinh tế? Trần Kỳ Phương nói, kinh tế quyết định xã hội, là cái gốc để phát triển nghệ thuật...
Anh nói với tôi nhiều về chuyện kinh tế - nghệ thuật nó hữu cơ này nọ làm sao, nhiều lắm. Đối với tôi những chuyện đó hàn lâm quá, tôi không hiểu hết. Tôi chỉ thỉnh thoảng chở anh đi thăm các làng Cơ Tu, nghe anh nói chuyện, và nhìn con người nhỏ thó mà hăng hái đến mức năng động mỗi khi nhắc đến những đề tài hứng thú.
Gần 65 tuổi rồi, mà cách nói năng, cách tranh biện của anh vẫn sôi như tuổi thiếu niên vậy. Quyết liệt, dứt khoát. Chỉ nhìn ra cái tuổi “nhi nhĩ thuận” của anh ở chỗ, dù đang hùng hồn cỡ nào, anh cũng sẵn sàng lắng lại mà nghe người khác nói ngược ý mình. Anh nói, tao đỡ hơn nhiều rồi đó, ngày xưa tao nóng nảy lắm, gặp thằng nào nhìn không ưng, tao quất những câu đau điếng rồi bỏ đi, chẳng lý gì tới xã giao hay hòa khí ráo!
Cái khí chất nóng nảy của anh, như anh tự giải thích, là vì tao nhỏ con. Hồi nhỏ hay bị hiếp đáp, tao đi học võ. Cái máu tranh đấu của một người yếu thế luôn thường trực, dần dà đọng thành tính cách quyết liệt. Và tính cách đó, tôi nghĩ, là thứ hữu dụng nhất cho anh khi bước vào con đường nghiên cứu, dĩ nhiên bên cạnh tri thức và khả năng khoa học của anh nữa.
Nghệ sĩ và khoa học
Có cảm giác con người Trần Kỳ Phương là sự pha trộn giữa tính nghệ sĩ với nhà khoa học. Anh đòi hỏi sự chính xác, rạch ròi trong câu chuyện, trình bày ý tưởng rất khúc chiết. Đồng thời lại có một hứng thú bất tận về sự kết nối, giao tiếp với mọi người. Anh vừa đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao với người đối thoại, vừa rất sẵn sàng giải thích bất cứ câu hỏi ngớ ngẩn nào (ít ra là đối với tôi). Có lẽ vì anh làm khoa học nhưng lại nghiên cứu về nghệ thuật. Cũng có lẽ vì anh “xuất thân” từ văn nghệ, cái môi trường lãng đãng mà nổi loạn, mà hầu như ai cùng lớp tuổi anh cũng từng nhúng một đoạn đời mình trong đó. Đến hiện tại, dù là một nhà nghiên cứu có tiếng tăm (trong giới chuyên môn thôi, còn với đại chúng thì còn lâu anh mới là người nổi tiếng), đi đông đi tây đủ cả, anh vẫn thích ngồi tán chuyện với bạn bè trên vỉa hè.
Ngồi với Trần Kỳ Phương, hình như ai cũng có thể mang về một chút kiến thức mới, về đủ thứ lĩnh vực chứ không riêng gì nghệ thuật Chăm mà anh đã được công nhận là người có tư cách để nói. Ít nhất có hai người bạn của tôi, sau buổi sơ giao với anh, đã tỏ ra vô cùng thú vị và khâm phục. Giả như bạn là người am hiểu nhiều, những câu chuyện của Phương không khiến bạn ngạc nhiên đi nữa, bạn cũng sẽ thấy thú vị với sự độc đáo và nhiệt tình của anh trong câu chuyện, miễn là bạn không khiến anh nhìn bằng con mắt trắng ngay từ đầu.
Trần Kỳ Phương hay chuyện, nói chuyện hấp dẫn, nhưng anh có một thái độ rạch ròi đến lạnh lùng khi chạm đến việc nghiên cứu. Với anh, nghiên cứu mà không đặt một vấn đề mới, không nói ra một khía cạnh mới, một lý giải mới cho những đối tượng cũ, thì vứt đi. Anh giận dữ với những người mang danh nhà nghiên cứu bằng những bài báo phổ thông, những cóp nhặt sách vở... Một thái độ khinh bỉ không kiềm chế.
Những dự định dở dang
Tôi nhớ lại bài nghiên cứu đầu tiên của anh, chính là bài tôi đọc được về bệ thờ Trà Kiệu. Anh viết nó khi đang là nhân viên quản thủ bảo tàng Chăm, đầu thập niên 1980, hoàn toàn là tay ngang nhảy vào. Trong bài viết đó, anh đã ngang nhiên phản bác vài nhà Chăm học đã được tôn sùng từ lâu trong cộng đồng quốc tế, trước khi đưa ra luận giải của mình.
Anh kể, bài viết đó đưa anh vào nghiệp nghiên cứu nghệ thuật Chăm, một phần nhờ sự đón nhận và tán thưởng vô tư của những “cây đa cây đề” quốc tế trong lĩnh vực này. Đến nay thì chưa thể thống kê hết những bài báo, báo cáo khoa học của anh trên các tạp chí quốc tế, các trường đại học Âu, Mỹ, Á... “Tao muốn sưu tầm, hệ thống lại những nghiên cứu đó để in thành một tuyển tập, phải đến cả ngàn trang” - anh nói.
Nhưng làm được việc đó, phải tập trung mất hàng năm trời. Và tiền. Vấn đề là anh không thể dành hết thời gian cho việc đó, khi cuộc sống và việc nghiên cứu của anh đang trông chờ vào những học bổng của các trường đại học, các tổ chức khoa học quốc tế. Vài năm trước, thường nghe anh lúc ở Mỹ, lúc ở Nhật hay châu Âu với những dự án nghiên cứu, giảng dạy dài ngày. “Bây giờ già rồi, tao sợ phải đi xa”. Anh kể, tự dưng một ngày thấy mình già, không còn háo hức với những chuyến đi. Anh trở về với những dự án ngắn, chỉ phải đi những chuyến ngắn, gần thôi.
Vậy mà cái dự án về mô hình kinh tế anh đang theo đuổi lại chưa nhìn thấy được kết thúc ở đâu cả. Anh biết nó sẽ có kết quả, sẽ có đột phá trong việc đặt lại quan điểm về lịch sử, văn hóa ít nhất trong các cộng đồng sinh sống ở lưu vực sông Thu Bồn. Vậy mà anh vẫn phải loay hoay với việc tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện. Những chuyến điền dã của anh đến hiện tại, chỉ mới là thăm dò và sưu tầm một số chi tiết. Anh cần nhiều chuyến đi hơn, anh lo sợ sức khỏe mình rồi sẽ không còn đủ để xông xáo nữa. Và anh cũng cần có một cộng sự, để chia sẻ ý tưởng, công việc, thậm chí kế thừa đề tài của anh một khi anh không còn đủ sức...
Câu chuyện của anh khiến tôi buồn quá. Giá mà những người như anh có thể thoát khỏi những ràng buộc, âu lo về kinh tế để toàn tâm toàn ý làm việc, thì đỡ lãng phí biết bao nhiêu!
MINH ĐIỀN