Nhiều loại củ rừng được đồn thổi là “sâm quý” với đủ tên gọi được rao bán rầm rộ ở các huyện miền núi gần đây. Tuy nhiên, rất nhiều loại củ rừng chỉ là một vị thuốc nam bình thường, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe nếu dùng không đúng chỉ dẫn.
Người dân bày bán các loại “sâm núi” tràn lan dọc đường Hồ Chí Minh qua Nam Giang. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Củ gì cũng là “sâm”
Đi dọc các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, dễ dàng bắt gặp những điểm bày bán các loại củ rừng của người dân địa phương với lời mời gọi chung là “sâm núi”. Người bán tìm mọi cách để quảng cáo cho những củ rừng mà họ bày bán, với nhiều công dụng như chữa phong thấp, nhức mỏi, bổ xương khớp… Giá của các loại củ này cũng không hề rẻ, từ 60 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/kg tùy loại. Tại một điểm bày bán của người dân nằm sát đường Hồ Chí Minh qua huyện Nam Giang, có hàng chục người bày bán loại củ to bằng ngón tay cái, dài khoảng 40cm, với giá chào bán 70 nghìn đồng/kg. Theo một người bán hàng, chỉ cần rửa sạch ngâm rượu khoảng một tháng là có thể uống, rất tốt cho sức khỏe. “Loại sâm chỉ có vào khoảng tháng 11 đến đầu tháng 1. Nghe những người đi đào về nói là uống tốt cho sức khỏe, bán cũng có nhiều người mua. Dân ở đây đi đào trong rừng sâu vài ba ngày mới có. Mỗi lần họ mang về chừng vài chục ký, tôi mua bán lại kiếm lời thôi” - người này cho biết.
Ngoài loại “sâm núi” trên, những người bán hàng còn bày một loại rễ cây khác trông lởm chởm như rễ tre kết chùm lại, to bằng nắm tay, được người dân gọi là sâm cao cẳng. Loại “sâm” này được quảng bá là ngâm rượu uống chữa đau lưng, nhức mỏi rất công hiệu. Ngoài cách gọi trên, nhiều người bán hoàn toàn không biết đặc điểm, tên gọi khác của các loại củ này. Chỉ dẫn sử dụng duy nhất là “ngâm rượu uống, tốt cho sức khỏe” với hàng loạt công dụng như chữa đau lưng, tốt cho máu, bổ thận… Anh Trần Ngọc An (ở phường Tam Thuận, Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) làm nghề lái xe taxi, chia sẻ trong lúc ghé mua “sâm” rằng, thi thoảng lái taxi cho khách lên các huyện miền núi, anh cũng hay ghé mua các loại củ này về uống. Tuy nhiên, khi sử dụng, anh chỉ thấy “có vị dễ uống, mùi thơm nhẹ” chứ không rõ thực hư công hiệu, tác dụng của các loại “sâm” này. “Mua về ngâm rượu chưng tại nhà, nhìn cũng đẹp mắt, bạn bè đến thì mang ra đãi vài ly. Lâu nay tôi cũng không thấy nó có tác dụng “thần kỳ” chữa nhức mỏi, tốt cho máu là gì đó như họ quảng cáo” - anh An nói.
Tại địa bàn huyện Đông Giang, loại “củ kun”, dân địa phương còn gọi là củ khúc khắc được khá nhiều người săn lùng, ngâm rượu bán cho người dưới xuôi từ nhiều năm nay. Loại củ này được cho là “đặc sản” của địa phương, có tác dụng trừ phong thấp, ích xương cốt với giá có khi lên đến vài trăm nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đây chỉ là một vị thuốc nam bình thường, hoàn toàn không quý hiếm như lời đồn thổi. Tương tự, thứ củ mà người dân bày bán với tên gọi “sâm núi” chỉ đơn thuần là củ của loài cây bách bộ, có tác dụng chữa ho, lao phổi, đàm, tẩy giun, hoàn toàn không bổ máu, gan thận…
Dễ phản tác dụng
Ghé chân cửa hàng của bà Nguyễn Thị T. tại thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), có hơn 50 bình rượu ngâm các loại củ rễ thân lá và nhiều loại nấm, cùng rất nhiều củ rễ tươi được bày bán. Theo bà T., bà thu mua các loại sản vật do nhiều người vào rừng tìm sâm, nấm, cây, lá... bán lại. Sau khi thu mua, bà sơ chế ngâm rượu sẵn hoặc sấy khô, phân loại đóng gói và chuyển về xuôi. Tất cả củ, rễ, thân được trưng bày đều được bà T. khẳng định là các vị thuốc có thể ngâm rượu được hoặc nấu nước để uống, với nhiều công dụng. Ví dụ nấm uống tốt cho gan thận. Cây mật nhân thì rất đắng nhưng chữa được “bách bệnh”. Sâm dây, sâm cao cẳng, lá vằng uống mát gan, lọc máu... “Khách mua chủ yếu là từ các nhà xe du lịch hoặc xe khách đường dài. Họ mua làm quà biếu là chủ yếu. Ngoài ra một số nhà thuốc ở dưới xuôi đặt hàng thì mình chuyển xuống” - bà T. nói.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Thân – Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết, việc thu hoạch, dùng cây thuốc cần đảm bảo đúng mùa, chế biến đúng cách và dùng đúng liều lượng. Các loại củ, rễ này cũng được sử dụng trong Đông y, có một số tác dụng nhất định. Tuy nhiên, chúng được chỉ định dùng cho những trường hợp bệnh cụ thể, không thể sử dụng tràn lan, thậm chí có thể phản tác dụng nếu không sử dụng đúng cách. Bác sĩ Lê Thân nói: “Ngoài nguyên tắc “hư đâu bổ đó” theo chỉ định của thầy thuốc, khi dùng thuốc, kể cả các vị thuốc bổ như sâm, củ nêu trên, cần có chừng mực, đủ mức thì dừng. Việc dùng các vị thuốc này quá mức có thể dẫn đến sự thiên lệch mới, rất có hại cho sức khỏe. Ngoài ra, còn phải căn cứ vào đặc điểm thời tiết từng mùa và mối quan hệ giữa thời tiết với các phủ tạng của cơ thể để lựa chọn loại thuốc phù hợp, không thể tùy tiện”.
Theo bác sĩ Thân, người dân có thói quen hễ nghe “sâm” là chuộng, ngâm uống tràn lan theo kiểu “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Đó là chưa kể, cùng một loại bệnh, ví dụ cao huyết áp, nhưng tùy cơ địa mỗi người, sẽ phải sử dụng những vị thuốc Đông y khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Do đó, không phải loại sâm, củ có tác dụng với người này sẽ đảm bảo tác dụng với người kia. “Không nên tin vào những lời đồn thổi, ngâm uống tràn lan có thể gây hại cho sức khỏe. Tốt nhất, cần sử dụng những vị thuốc Đông y đúng liều lượng, đúng chỉ dẫn của thầy thuốc” - bác sĩ Thân khẳng định.
PHƯƠNG GIANG