Trần Thiên Thị: Người thơ phong vận như thơ ấy

MINH ĐIỀN 03/07/2016 07:17

“Tao với lão ghé chơi chỗ kia, anh em văn nghệ tụ họp giao lưu. Có anh mang thơ ra ký tặng, kiểu tập thơ in photo tặng bạn bè chơi. Lão cầm tập thơ, nói, tui hiểu vì sao rừng xứ này bị cưa trụi hết rồi. Mọi người đang thắc mắc thì lão đế thêm, rừng mô đủ cung cấp giấy cho mấy tập thơ như ri... Tác giả tập thơ sượng trân. Tao thầm trách lão “độc miệng” quá.

Tối về khách sạn, tao cầm tập thơ đọc, thấy ngô nghê quá, đọc to mấy câu mà cười. Lão nghiêm mặt nói, đừng có cười. Thơ có thể hay dở, nhưng mày phải trân trọng cái lao động của người ta, đó là tâm huyết của họ đó”.

Lão đây là Trần Thiên Thị. Câu chuyện trên là bạn tôi kể lại. Bạn tôi nói, “Tao xấu hổ. Miệng mồm lão ấy rất ác, nhưng lão nhìn nhận mọi chuyện rất có tình, lão biết tôn trọng con người đúng chỗ hơn tao”.

1. Khoảng 2007, tôi đọc thấy tên Trần Thiên Thị lần đầu trong một bài báo viết về thơ trẻ Đà Nẵng. Tác giả là một nhà thơ có tiếng quê ở thành phố này, nêu tên Trần Thiên Thị với nhận định đây là cây bút thơ có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Sau đó tôi và Trần Thiên Thị làm quen nhau qua một blog văn chương, rồi hẹn nhau café. Lúc đó mới ngả ngửa: ông nhà thơ trẻ Trần Thiên Thị tóc muối tiêu, râu lốm đốm bạc, tuổi ngoài tri thiên mệnh. Đến nay thì đã chẵn lục tuần rồi, mà vẫn chưa lên lão, vẫn chơi bời bù khú với bọn trẻ đáng tuổi con tuổi cháu, và làm thơ tình.

Mặc vậy, tôi và bạn bè nói chuyện với nhau, nhắc đến Trần Thiên Thị ở ngôi thứ ba, chỉ dùng một đại từ: lão.

Tốt nghiệp kỹ sư Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đi dạy ở một trường cao đẳng, rồi mở công ty cơ khí ô tô, nghe nói khá thành đạt. Những năm 1990 đã xe hơi vi vút. Nhưng đoạn tôi gặp lão, công ty chỉ còn là một xưởng cơ khí nhỏ. Bạn bè cùng lớp lão thường trêu, thằng doanh nhân Trần Hoàn (tên thật của lão) bị thằng nhà thơ Trần Thiên Thị làm cho phá sản. Chuyện đó tôi nghe như một dật thoại vậy thôi, những đoạn trường trong việc làm ăn, đâu có giản dị vì làm thơ mà hỏng đi được. Tôi cũng không hỏi lão tường tận làm gì.

Trần Thiên Thị nói, trước khi làm thơ trở lại, từng gác bút 20 năm. Sau giai đoạn hoạt động trong một bút nhóm học sinh trước 1975, lão chỉ chuyên chú vào công việc, cho đến khi gặp và chơi với họa sĩ Đỗ Toàn và nhà thơ Nguyễn Đốc. Hai ông bạn vong niên không biết làm gì mà khơi được cái hứng thơ của Trần Thiên Thị chảy một mạch 20 năm nay.

Ban đầu thơ lão chỉ chuyền tay trong bạn bè đọc với nhau. Viết rất nhiều, đã có lúc bạn bè yêu mến tập hợp in photo cho lão một lần đến 7 tập đầy đặn. Thỉnh thoảng lão lại khoe đang sửa bản thảo để in tập thơ. Bạn bè hí hửng chúc tụng, bàn tán đủ chuyện quanh “kế hoạch xuất bản” của lão. Sự phấn khích kéo dài qua vài lần hẹn hò, rồi tàn phai rơi rụng. Tới chừng có người nhớ ra hỏi tập thơ sao rồi? Lão cười xòa, tao xài hết tiền rồi. Năm lần bảy lượt như vậy, đến giờ vẫn chỉ có mấy tập bản thảo bạn bè in cho từ hồi nào...

2. Tôi thường ngồi nhìn Trần Thiên Thị mà nghĩ lẩn thẩn, không biết có bao nhiêu người yêu thơ ông này rồi vỡ mộng khi gặp mặt. Phải nói thiệt nhan sắc Trần Thiên Thị quá ẹ. Lúc nào cũng xù xì, nói năng bạt mạng, chẳng bao giờ xài uyển ngữ chi hết. Người bạn tôi nhắc trên đây có lần đề nghị giới thiệu thơ anh trên một tờ báo lớn, nói tui viết về anh vài dòng nhé. Trần Thiên Thị trả lời, mày viết chi dài dòng, cứ vẽ hình cái yoni rồi đề tên tao vô đó là y chang. Chữ yoni tôi mới dùng là uyển ngữ thay cho cái từ dân gian đậm đà chính miệng lão ấy đã nói...

Nhưng thơ thì dịu ngọt như ru. Phần lớn là thơ tự do, ít dụng tâm về bố cục, cứ thầm thĩ như nói riêng với một người trong lúc hẹn hò, với những liên tưởng tự nhiên mà duyên dáng. Thơ Trần Thiên Thị lúc nào cũng như phát ra từ một tình huống, một chuyến đi, một buổi gặp gỡ, toàn là những duyên cớ rất trực tiếp. Nên rất thực. Và những tình huống thực phản ánh vào thơ lão lúc nào cũng như mới được tắm gội, không trang sức mà tinh khôi và thơm tho, làm người đọc cứ lưu luyến hoài.

Viết ở rừng cổ chi

về nghe tiếng thác ngập
ngừng
mùa thu đi lạc giữa rừng cổ
chi
mắt nào đắng hạt xuân thì
ba mươi năm. Đóa trà mi héo
gầy
những mầm độc dược thành
cây
ngày em lên rẫy hái mây bạc
màu
hai bàn chân nhỏ còn đau
ngày em đi đổi u sầu trong
xanh
bây giờ về núi cùng anh
hai con tim nhỏ góp thành
mùa thu
chập chờn cánh bướm Trang
Chu
giận hờn chi. Một lời ru Mãi
Thần
cổ chi hạt đã đắng dần
trời khô đất bạc
môi gần hóa xa
thu là thu của người ta
cầm tay mà đợi mùa hoa hóa
vàng.
                            TRẦN THIÊN THỊ

Một mảng đáng kể trong thơ Trần Thiên Thị là lục bát. Cái thể thơ dễ làm nhất hạng, mà khó hay cũng nhất hạng, làm không khéo là thành vè ngay. Vậy mà lục bát của Trần Thiên Thị luôn hay, có giọng riêng.

Tôi nhiều khi ngồi đọc thơ lão, cố gắng nhìn ra một cái lẫy để giải mã coi vì sao những dòng viết của lão lại quyến rũ đến thế. Mà vẫn chưa định dạng được đó là cái gì. Có những lần nói chuyện về một đề tài nào đó, lão nói nhi nhiên, 30 phút sau đã thấy bài thơ hiện trên facebook, y như khi lão nói ra giữa cuộc. Mà thơ, thơ đàng hoàng. Nhưng lão thì chẳng bao giờ tuyên ngôn gì về sự viết của lão hết, chỉ cà rỡn, tao làm thơ để tán gái.

3. Đi như cỏ lông chông, quanh năm. Đi làm mà cũng là chơi, các dự án lắp đặt cơ khí từ bắc tới nam. Thỉnh thoảng nhắn tin hẹn café, lão nhắn lại, tao đang ở Thanh Hóa, Lạng Sơn, Cần Thơ, Bình Định... Rồi thỉnh thoảng nhận tin của lão, tao đang về Đà Nẵng, giờ đó giờ kia, ghé ngồi.

Ghé ngồi, ly café quán nhà, hoặc ly rượu đế ngâm táo mèo Tây Bắc... Câu chuyện loanh quanh luẩn quẩn, rồi cũng về chuyện thơ ca bạn bè. Trần Thiên Thị thực sự có con mắt xanh với thơ. Nói thì đường đột, chứ tôi hằng nghĩ những tay làm thơ, hầu hết chỉ thích đọc thơ mình, thêm chút thơ bạn bè thân cận. Lão khác. Vài bữa lại gửi tôi một cái tên, đọc thử đứa này đi, viết được quá! Những cái tên lão nhặt ra từ những trang blog, facebook hằng hà trên mạng, phần lớn còn vô danh, và trẻ.

Lên mạng, lão đọc như một con ma xó, bắt gặp ai đó, nhìn thấy chút tố chất nào, là làm quen, chat chít mù mịt đến mức thân tình. Có những cái tên sau này được giới văn chương nhận mặt, có tên không, nhưng tình tri ngộ với Trần Thiên Thị hình như vẫn bền chặt. Những quan hệ bạn bè của lão, có nhiều đến từ cái duyên thơ như vậy, và trở thành cái cớ cho những cuộc đi ta bà đến rộc người, và mang về những câu chuyện, những bài thơ “du ký”, và ánh mắt hấp háy vui.

Điều khó chịu nhất ở Trần Thiên Thị, là lão suy nghĩ sâu sắc quá, trái ngược hoàn toàn với kiểu nói chuyện lòa xòa, thô tháo và vẻ dung tục cố ý. Dường như lão luôn luôn phải giữ cân bằng giữa những suy tư nghiêm túc với đời sống xã giao hời hợt. Những cuộc hội họp ngoài vòng bạn bè thân tín, lão rất dễ bị mất thăng bằng, và những bạn bè thiếu mật thiết nhiều khi phát sợ với một Trần Thiên Thị hung dữ, bùng nổ và hùng biện.

Với anh em thân mật, lão lại hiền như con mèo ngoan. Những khi chuyện trò đến đoạn lâm ly, lão trở thành một tay tổ uyên thâm về các đề tài triết học, lão trình bày khúc chiết mạch lạc, ngôn từ phong phú đậm chất hàn lâm. Tôi đoán chừng, đó mới chính là con người thực của Trần Thiên Thị phía sau những cuộc trà dư tửu hậu, khi lão trở về ngồi một mình, xoay ánh mắt dữ dội mà nhìn ngược vào mình, lần dò soát xét những vấn đề của cuộc sống bằng lăng kính của suy tư và hiểu biết...

Nói ra chừng đó, nghe có vẻ chối tai, như đang nói về một thứ danh nhân nào đó. Nhưng tin tôi đi, giữa những người tầm thường xung quanh bạn, không thiếu gì ngọa hổ tàng long. Một người thơ chân đất như Trần Thiên Thị, không áo xống hoa hòe, không diễn đàn hoa sói, chỉ có những câu thơ viết như nghiệp dĩ, không mong hồi ứng, không cần tán dương... nhưng không phải vì thế mà lão không xứng với một sự trân trọng. Tôi nghĩ rằng khi tôi viết những câu trân trọng về Trần Thiên Thị, là tôi đang cố gắng hướng tới một giá trị trong cuộc sống rườm rà của mình. Và bạn đọc cũng vậy. Chấp nhận một giá trị, để tin có nhiều điều thú vị đang chờ đợi xung quanh mình, như một cánh hoa đựng sương dưới nắng, chờ một góc nhìn để lấp lánh với nhau.

MINH ĐIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trần Thiên Thị: Người thơ phong vận như thơ ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO