Thu nhập từ du lịch chưa tương xứng với lượng khách thu hút được là bài toán đã được xới lên từ lâu của du lịch Quảng Nam, tuy nhiên điều này xem ra vẫn khó lòng cải thiện trong ngắn hạn.
“Lượng” chưa đi đôi với “chất”
Thống kê tổng thu từ khách du lịch trên cả nước 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 356 nghìn tỷ đồng (đạt khoảng 80% so với cùng kỳ 2019). Dù vậy, so trên bình diện chung Quảng Nam vẫn chưa cải thiện được điểm yếu khi không chen chân vào tốp các địa phương có tổng thu nhiều nhất từ du lịch.
Hai “cánh chim” đầu đàn giữ vị trí dẫn đầu vẫn là TP.Hồ Chí Minh (ước đạt 74,5 nghìn tỷ đồng) và Hà Nội (ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng) với khoản thu nhập vượt trội so với các địa phương còn lại.
Với lợi thế từ việc tổ chức hàng loạt sự kiện trong Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, đến hết tháng 8, tỉnh đã đón được gần 3,8 triệu lượt khách, cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Con số này đã gần chạm vào mục tiêu mà ngành du lịch Quảng Nam đề ra trong cả năm 2022. Tuy nhiên, tổng thu vẫn là vấn đề trăn trở.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu xã hội từ du lịch của tỉnh đạt 4.019 tỷ đồng. Một con số tương đối khá trong bối cảnh ngành du lịch mới phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên so với một số tỉnh như Lào Cai, Bình Định, Khánh Hòa… vốn đón được lượng khách thấp hơn thì thu nhập từ du lịch của Quảng Nam khá hụt hơi. Sau 8 tháng, tổng thu từ du lịch của cả 3 địa phương nêu trên đều đã đạt trên dưới 10 nghìn tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý, liên tục trong những năm gần đây, đô thị cổ Hội An - điểm đến hạt nhân của ngành du lịch Quảng Nam thường xuyên lọt tốp các bảng xếp hạng du lịch quốc tế. Dù vậy, trong số này cũng có không ít các bảng xếp hạng tồng hợp về tốp điểm đến tốt với mức chi phí thấp, đây cũng là điều trăn trở của du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin, từ đầu năm, khách nội địa đến Hội An rất đông. Điều này giúp các hàng quán có doanh thu khá tốt để xoay xở, còn nguồn thu từ vé tham quan các điểm đến do Nhà nước quản lý, nhất là tại Khu phố cổ Hội An vẫn rất chật vật.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, đúng là so với các địa phương có hoạt động du lịch phát triển thì nguồn thu từ du lịch của Quảng Nam còn khá khiêm tốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như số ngày lưu trú bình quân của khách ở lại Quảng Nam còn quá ngắn (khoảng 2,2 ngày), chưa có nhiều sản phẩm du lịch gắn với giao dịch thương mại, thiếu mạng lưới điểm bán hàng địa phương mang tính đại chúng, vắng bóng sản phẩm du lịch đêm… Bên cạnh đó, du lịch địa phương còn thiếu sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn trong việc quảng bá, thu hút, điều phối khách đến Quảng Nam.
Không dễ cải thiện
Thực trạng nguồn thu chưa tương xứng với lượng khách của Quảng Nam đã tồn tại từ lâu. Số liệu năm 2019 cho thấy, doanh thu theo đầu khách của Quảng Nam chỉ vào khoảng 1,8 triệu đồng/khách. Con số tương tự của TP.Đà Nẵng gần gấp đôi, đạt hơn 3,5 triệu đồng/khách.
Một nguyên nhân quan trọng được doanh nghiệp du lịch chỉ ra là bởi nhiều du khách chỉ xem Hội An và một số điểm đến khác ở Quảng Nam là điểm tham quan rồi sau đó quay lại Đà Nẵng sử dụng các tiện ích và lưu trú.
Bên cạnh đó, các loại hình du lịch thường thu hút dòng khách có chi tiêu cao như du lịch MICE, du lịch golf… tại Quảng Nam chưa phát triển mạnh và hiện cũng khó cạnh tranh với một số điểm đến khác trong khu vực.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, ngành du lịch địa phương sau dịch Covid-19 đón rất nhiều khách Việt Nam. Tuy nhiên, do hệ thống du lịch Quảng Nam hiện tại vẫn thiên về sản phẩm văn hóa nên nhiều khách nội địa cảm thấy đã quá quen thuộc, không có nhu cầu trải nghiệm, hấp thụ. Một khi thị trường khách quốc tế truyền thống quay trở lại nhiều hơn thì du lịch Quảng Nam sẽ phần nào cải thiện được điều này.
Theo ông Văn Bá Sơn, trước mắt, ngành du lịch và các bên liên quan cần tăng cường kích cầu, tạo thêm sản phẩm, điểm du lịch gắn với hoạt động kinh tế đêm để giữ chân du khách.
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ cố gắng thúc đẩy du lịch golf, xúc tiến xây dựng các trung tâm hội nghị mang tầm cỡ quốc tế gắn với các khu khách sạn cao cấp, phát triển các trung tâm du lịch gắn với các hoạt động thể thao du lịch biển, phát triển dịch vụ kinh tế đêm.