(VHQN) - Nhìn trên bình diện các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, có lẽ nghệ thuật bài chòi có một đời sống phong phú và sống động nhất. Chưa kể số lượng người biết hô hát bài chòi, số nghệ nhân dân gian bài chòi chỉ riêng ở Quảng Nam đã lên đến 55 người.
Trong số 55 nghệ nhân dân gian theo kiểm kê của Viện Âm nhạc Việt Nam thì có 5 nghệ nhân vừa biết hô Bài Thai, vừa biết độc diễn và chơi nhạc cụ bài chòi dân gian.
Tuy nhiên, đến hiện tại, Quảng Nam chỉ có nghệ nhân Phùng Thị Ngọc Huệ và Nguyễn Đáng được phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Số còn lại vẫn chỉ dừng ở nghệ nhân dân gian của tỉnh. Dĩ nhiên, họ vẫn chưa nhận được đãi ngộ gì ngoài sự trọng thị của cộng đồng. May thay, từ đam mê và bằng đam mê, họ vẫn cố sống chết với loại hình nghệ thuật vừa gần gũi vừa thiêng liêng này.
May thay, từ đam mê và bằng đam mê, nghệ nhân dân gian vẫn cố sống chết với loại hình nghệ thuật bài chòi vừa gần gũi vừa thiêng liêng.
Chính từ những con người này, mà bài chòi xứ Quảng đã phát triển đến độ... hình như tất cả sân khấu tuyên truyền lẫn lễ hội truyền thống, đều ít nhất phải có một tiết mục ca kịch bài chòi hoặc gian trò chơi bài chòi.
Họ đã làm nên những hội bài chòi xôn xao, từ gốc cây da nơi chợ quê đến góc quảng trường rộng lớn chốn phố thị, từ sân khấu tuyên truyền chính sách đến hội diễn, liên hoan dân ca thường niên...
Người ta sẽ không thể kể hết những lần đối đáp ra trò của anh hiệu, chị hiệu ở mỗi gian bài chòi từ nguồn xuống biển, càng không thể nhớ hết số lần dựng sân khấu ở mỗi cuộc tuyên truyền.
Nhưng người ta sẽ nhớ cái không khí bài chòi, nhớ những điệu xàng xê, xuân nữ quấn quýt thiết thân với từng câu chuyện đời sống xứ Quảng. Có những ám gợi từ cuộc hội làng theo chân mỗi người từ bé thơ đến lúc trưởng thành như vậy, vì có những anh hiệu, chị hiệu, những người nghệ sĩ của làng - là chính các nghệ nhân không danh vị này.
Nghệ thuật bài chòi dân gian và nghệ thuật sân khấu dân ca kịch bài chòi đã song hành phát triển, để bộ môn này chưa bao giờ là quãng lặng tại Quảng Nam. Ông Lê Trung Thùy (Duy Xuyên), một người quen tên với hầu hết các liên hoan, hội diễn lẫn sân khấu tuyên truyền ở các địa phương, trong vai người viết kịch bản bài chòi vẫn luôn mê mải không ngừng với từng lớp lang, văn vẻ, câu từ cho mỗi cuộc diễn.
Con số kịch bản bài chòi người đàn ông này dàn dựng, có lẽ không dừng lại ở con số hơn một ngàn tác phẩm. Những vở kịch nói, kịch ngắn, diễn tấu, thậm chí truyền dạy bài chòi, người đàn ông này đều kinh qua. Hơn 40 năm làm nghề, dấn thân và gắn bó với ca kịch bài chòi, Lê Trung Thùy vẫn chỉ ở danh vị một nghệ nhân của tỉnh. Điều khiến ông già hơn 70 tuổi này đau đáu, vẫn là cuộc bảo tồn bài chòi, liệu đang dành cho ai?
“Hãy đặt vấn đề, bảo tồn cho ai và ai là người sẽ giữ gìn phát huy bài chòi? Là dân, là cộng đồng. Cho nên bảo tồn, phải để bài chòi sống trong cộng đồng. Phải để những anh hiệu, chị hiệu - vốn dĩ là nông dân thôi, sống được từ bài chòi, chứ không riêng là những nghệ sĩ chuyên nghiệp của ca kịch bài chòi” - ông Thùy nói.
Kể ra rất nhiều với người viết, Lê Trung Thùy cho rằng, đã đến lúc cần xem lại câu chuyện bảo tồn bài chòi lâu này. Các lớp học hát bài chòi, nhẽ ra phải dành cho cộng đồng người dân, chứ không nên chỉ tổ chức học cho những người đã hát được.
Đối với học đường, ông Thùy cho rằng cần sử dụng biện pháp mưa dầm thấm lâu, cho các em nghe, để các em nhớ. Và cái linh hồn bài chòi, lần nữa nhắc lại, ông Thùy quả quyết bài chòi có được định danh di sản thế giới, là công của các anh hiệu và chị hiệu.
“Tuy nhiên ở các hội thi hội diễn dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp lẫn bán chuyên nghiệp, chưa từng có hạng mục trao thưởng cho hai vị trí này. Đây cũng là điều cản trở khi muốn thành lập hồ sơ đệ trình danh hiệu nghệ nhân ưu tú, bởi quy định buộc mỗi danh hiệu phải có thành tích từ các hội thi hội diễn. Chưa kể, anh em có năng khiếu bộ môn này, lâu nay chưa được nhận hỗ trợ gì từ phía Nhà nước” - ông Thùy trải lòng. Vậy có đáng không, khi chính họ là những người nhận lãnh thiên chức duy trì, nối dài giai điệu bài chòi?