Quảng Nam qua hàng trăm năm đã định hình nên những làng nghề nổi tiếng như trống Lâm Yên, đúc đồng Phước Kiều, mộc - nề Kim Bồng, gốm Thanh Hà, dệt Mã Châu, Thi Lai... Làng nghề góp phần tạo dựng những giá trị văn hóa đặc sắc của xứ Quảng, trong đó có vai trò lớn của đội ngũ nghệ nhân...
Truyền nghề: không dễ
Dù làng nghề chìm nổi thế nào, số phận của nó vẫn luôn quyện chặt với đội ngũ nghệ nhân. Làng nghề là môi trường đào luyện nên nghệ nhân và đến lượt mình, đội ngũ nghệ nhân là người quyết định tồn tại của làng nghề. Chính họ là người nắm vững nhất các tri thức nghề nghiệp ấy cũng như khả năng sáng tạo những sản phẩm mới. Bằng niềm tự hào, lòng yêu nghề và tâm nguyện khôn nguôi về sự trường tồn của làng, nghệ nhân luôn chăm lo việc đào tạo đội ngũ thợ trẻ của làng nghề với tâm thế con tằm nhả đến sợi tơ cuối cùng. Thực tế làng nghề ở nước ta thời gian qua cho thấy không ít nghệ nhân đã neo giữ và đưa làng nghề thoát khỏi cơn bĩ cực.
Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Ry (bên trái), người có công đầu trong việc phục hưng làng mộc Kim Bồng - Hội An. |
Những năm qua, ở Quảng Nam, nhiều làng nghề truyền thống được đầu tư hạ tầng; thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nhân cấy nghề, phát triển nghề mới; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đầu tư, đổi mới thiết bị cho các cơ sở sản xuất... Chính sách phục hồi và phát triển làng nghề đã tác động tích cực đến việc bảo tồn và phát huy đội ngũ nghệ nhân. Tại làng mộc Kim Bồng, nghệ nhân Huỳnh Ry và con trai mình là Huỳnh Sướng đã tổ chức được nhiều lớp dạy nghề, tạo được một đội ngũ thợ trẻ có tay nghề ngày càng cao. Nghệ nhân Huỳnh Sướng thực sự trở thành hạt nhân của làng nghề trong việc đào tạo, đổi mới quan niệm thẩm mỹ, tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới. Tại phố cổ Hội An, nghệ nhân Huỳnh Văn Ba đã trở thành linh hồn của nghề làm đèn lồng. Ông đã có công nghiên cứu cải tiến loại lồng đèn cổ thành kiểu đèn lồng có thể xếp lại nhỏ gọn để mang đi xa, đổi mới kiểu dáng của chúng. Tại làng Đông Khương, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, cơ sở mộc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp đang ăn nên làm ra. Ông cũng rất tích cực đào tạo thợ trẻ, trong đó giành nhiều ưu tiên cho thanh thiếu niên khuyết tật. Hoạt động của làng đúc Phước Kiều gắn liền với nghệ nhân Dương Ngọc Sang và những người trẻ hơn như Dương Ngọc Tiễn, Dương Ngọc Thuần, Dương Ngọc Thắng, Dương Ngọc Truyền... Nghệ nhân Dương Ngọc Sang là bậc thầy trong lĩnh vực thẩm âm, nhất là pha chế hợp kim đồng để tạo nên những chiếc chiêng có tiếng ngân rất đặc biệt. Đây là những người đã có công đầu trong việc níu giữ làng đúc Phước Kiều khỏi nguy cơ biến mất. Sản phẩm của công ty ông phong phú, đa dạng về mẫu mã, tinh xảo về đường nét, được nhiều khách sạn như The Nam Hai, Ba Na Hill, Palm de Garden mua về trang trí.
Nghề dệt thổ cẩm đang phát triển ở làng Đhơ Rồng, xã Tà Lu huyện Tây Giang. |
Tuy nhiên phần lớn làng nghề truyền thống ở Quảng Nam vẫn đang hoạt động cầm chừng, một số làng nghề đang đối mặt với nguy cơ tiêu vong. Làng trống Lâm Yên chỉ còn 12 hộ sản xuất; làng đúc Phước Kiều chỉ còn 6 nhà đỏ lửa, số còn lại đi mua sản phẩm nơi khác về bày bán. Làng gốm Thanh Hà chỉ còn 20 hộ, trong đó chỉ có 2 người được xem là nghệ nhân. Làng mộc Kim Bồng được xem phục hồi tốt nhất nhưng chỉ có 27 hộ với 134 lao động, trong đó có 2 nghệ nhân. Làng mộc Văn Hà vang bóng một thời hiện chỉ còn nghệ nhân Đinh Văn Thẩm đã ở tuổi gần đất xa trời mà chưa có ai kế thừa được tinh hoa. Nhìn chung đội ngũ nghệ nhân làng nghề phần lớn đã cao tuổi, lớp kế cận ít. Cơ sở sản xuất của họ phần lớn nhỏ lẻ, năng lực quản lý kinh tế hạn chế, không mạnh dạn và không có khả năng mở rộng sản xuất, quảng bá thương hiệu; ít người nắm bắt, ứng dụng được các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là tin học. Do làng nghề làm ăn khó khăn nên con em thường không theo nghề cha ông. Mấy năm trở lại đây, đào tạo thợ trẻ ở làng nghề gặp nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực làng nghề là rất đáng báo động. Các nghệ nhân tuy được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nhưng không được hưởng bất cứ chính sách ưu đãi vật chất nào nên họ không thực sự phấn khởi. Sự tôn vinh chưa hoàn hảo này cũng ít thúc đẩy lớp thợ phấn đấu đạt được thành tựu như cha anh.
Cần những chính sách hỗ trợ
Với những chính sách đầu tư, hỗ trợ trong thời gian qua, Quảng Nam đã khôi phục và phát triển được 61 làng có nghề, nghề truyền thống. Trong đó có 41 làng có nghề thủ công truyền thống hình thành trên 100 năm, 20 làng có nghề thủ công hình thành dưới 100 năm. Nhiều làng nghề được khôi phục và có bước phát triển tốt. Một số nghệ nhân như Huỳnh Ry, Huỳnh Văn Ba, Nguyễn Văn Tiếp đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú... Một số nghệ nhân trẻ có thành tích xuất sắc cũng đang được đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý này. |
Điều tra, nắm chắc lực lượng nghệ nhân làng nghề, thiết nghĩ là việc cần làm ngay. Cho đến nay, chưa có số liệu điều tra chắc chắn nào về số lượng, chất lượng, sự phân bố của lực lượng nghệ nhân trong mỗi ngành nghề, làng nghề truyền thống ở tỉnh ta. Chưa có số liệu điều tra tin cậy thì chưa có cơ sở khoa học để hoạch định chính sách. Chính vì vậy cần xúc tiến xây dựng các nội dung, bộ tiêu chí về nghệ nhân làng nghề và tiến hành điều tra về đội ngũ này. Nâng cao và mở rộng chính sách đãi ngộ nghệ nhân. Trước tiên cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng về tinh thần, vật chất đối với các nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm y tế, phụ cấp hằng tháng cho họ nhằm chăm sóc, động viên, đồng thời cũng thể hiện sự trọng vọng của toàn xã hội đối với các “báu vật nhân văn sống” của làng nghề. Đây cũng nhằm khuyến khích thợ làng nghề rèn luyện, phấn đấu để đạt được danh hiệu cao quý và sự đãi ngộ này. Đối với những nghệ nhân có đóng góp xuất sắc cho làng nghề, Nhà nước nên có chính sách cho họ đi tham quan ở nước ngoài để vừa tôn vinh, vừa giúp họ học hỏi tinh hoa thủ công mỹ nghệ của các nước nhằm cải tiến mẫu mã, phát triển sản xuất ở địa phương mình.
Bồi dưỡng, phát huy vai trò đội ngũ nghệ nhân gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làng nghề cần có sự kết hợp vai trò của nghệ nhân với trường nghề hoặc các trường nghệ thuật, trường kỹ thuật để đào tạo, truyền nghề cho thợ trẻ một cách quy củ, bài bản. Chẳng hạn đối với nghề mộc thủ công mỹ nghệ, cần kết hợp giữa đào tạo theo lối truyền nghề do các nghệ nhân làng nghề đảm nhiệm với việc mời giảng viên các trường mỹ thuật tham gia giảng dạy. Giải pháp này đòi hỏi sự cố gắng và mức đầu tư lớn của chính quyền nhưng sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn, đất đai… cho nghệ nhân trong công tác đào thợ trẻ, nhất là những nghệ nhân có nhiều thành tích trong đào tạo. Cần tăng cường mời các chuyên gia, các nghệ nhân nước ngoài vào giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, giúp nghệ nhân và thợ làng nghề tiếp cận với kinh nghiệm và kỹ thuật thủ công mỹ nghệ của các nước tiên tiến. Kết hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng do chuyên gia trong nước thực hiện. Từ đó họ có thể chắt lọc, đổi mới quan niệm thẩm mỹ, mẫu mã, tăng tính hữu dụng của sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm thích ứng với nhu cầu của xã hội hiện đại.
Nghệ nhân là vốn quý của làng nghề. Các giải pháp giúp làng nghề tồn tại, mở rộng sản xuất và hỗ trợ nghệ nhân có mối tác động qua lại. Vì thế nghiên cứu, đề xuất và thực thi các giải pháp thích hợp sẽ giúp phát huy tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao của làng nghề truyền thống xứ Quảng đồng thời đưa làng nghề đạt bước phát triển mới.
DUY HIỂN