Trăn trở với khôi phục nghề truyền thống

TIÊU ĐÌNH 29/10/2014 08:37

Trong chỉ thị, nghị quyết, phương hướng, kế hoạch hoạt động của các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền vẫn thường hay nhắc đến vấn đề khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống. Thậm chí có nơi còn mạnh dạn đưa thêm vào ý “nhân rộng”. Nói nghe dễ, nhưng qua thực tế thì đây là vấn đề khá nan giải. Vì sao?

Một lò rèn ở xã Quế Châu, Quế Sơn. Ảnh tư liệu
Một lò rèn ở xã Quế Châu, Quế Sơn. Ảnh tư liệu

Xóm tôi (ở thôn 5, xã Quế Châu, Quế Sơn) nguyên là xóm lò rèn nổi tiếng từ trước kháng chiến chống Pháp. Trong chiến tranh, nghề rèn có lúc thịnh lúc suy nhưng thịnh suy gì thì xóm vẫn có khoảng 1/3 số hộ làm nghề rèn là chính và nông nghiệp chỉ phụ thu. Các lò rèn này thu hút khách từ nhiều vùng xa xôi bán kính hàng chục cây số đi bộ đến để rèn đủ loại nông cụ như cuốc, thuổng, liềm, rựa… Có khi họ gửi gạo xin ở lại vài ngày để chờ lấy hàng. Một lò rèn “thường thường bậc trung” lúc bấy giờ ít ra cũng phải có khoảng 6 người làm: một thợ chính, ba thợ phụ, một người thổi bễ và một người quạt cho thợ chính. Đó là chưa kể một người chuyên lo khâu cơm nước cho thợ và khách. Than, sắt người ta cũng mang đến bán tận lò. Vậy nên nghề rèn tồn tại và phát triển mạnh. Sau một ngày rèn thổi vất vả, thường thấy chủ lò bỏ cả một đống tiền ra nong, vừa nhâm nhi chút rượu gạo vừa thanh toán các khoản thu chi. Có người đã giàu nhanh từ cái nghề “cùng cực… cùng cực” (phỏng theo tiếng đe búa chạm nhau) trong nóng ngoài nóng này.

Sau chiến tranh, có một thời gian nghề rèn xóm tôi được đưa vào hợp tác xã. Có lẽ do phương thức quản lý còn nhiều bất cập, khách rèn hạn chế, thu nhập thấp mà nghề rèn không phát triển, thậm chí còn có nguy cơ thụt lùi. Những năm 1980, 1990 nghề rèn bị cạnh tranh ráo riết bởi các nông lâm cụ làm bằng máy móc, tuy chất lượng không cao nhưng giá thành rẻ, được đưa về bày bán khắp tại các chợ. Bấy giờ, thanh niên trai trẻ bỏ quê đi làm ăn xa gần hết, trong thôn xóm chỉ còn lại người già và trẻ em. Vậy là nghề rèn với đặc trưng “phải có con người sức khỏe” chỉ còn biết sống cầm hơi.

Những năm 2000, chính quyền huyện, xã ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống, trong đó có nghề rèn của xóm tôi. Các hộ rèn được mời họp bàn và quán triệt chủ trương. Từ đó, một vài lò rèn được xây dựng theo kiểu mới xuất hiện trong xóm. Tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian rồi ống bễ, đe, búa… được mang cất kỹ, lò thành trại chăn nuôi heo, gà. Đi tìm nguyên nhân thăng trầm nghề truyền thống này của xóm vẫn thấy rơi vào ba yếu tố: nghề nặng nhọc mà thu nhập thấp, con người tha thiết với nghề không còn bao nhiêu, không chịu nổi với sức cạnh tranh của sản phẩm làm bằng máy móc.

Hiện nay ở xóm tôi còn được bốn lò rèn, trong khi số hộ của xóm tăng gần gấp đôi. Thực tế là vậy, nhưng tại các văn bản của xã, thôn vẫn ưu tiên khôi phục, phát triển, nhân rộng các nghề truyền thống đúng theo chỉ đạo của cấp trên. Không dễ, nếu cứ nhìn vào hành trình gập ghềnh trên đây của nghề rèn trong xóm. Tại bốn lò rèn của xóm hiện nay, máy móc đã thay thế được người thổi bễ, người quạt. Khâu làm sắt nguội bằng phương tiện hiện đại đã bớt được công khó nấu sắt chín. Vậy mà anh Võ Thìn, một trong bốn chủ lò của xóm, vẫn than: “Giá thành sản phẩm cũng cao hơn hồi xưa, mà tính ra ngày công bình quân vẫn chỉ khoảng hơn trăm nghìn đồng. Chắc hết đời tui rồi cũng thôi chứ con cái chọn đi làm nghề khác cả”. Truy tận gốc cái việc giá thành sản phẩm tăng mà tính ra thu nhập vẫn không tăng, một số chủ lò khác cho biết, là do đồ ngoài chợ bán rẻ như cho, mua quách về dùng cho khỏe. Tâm lý người sử dụng là vậy nên lượng khách rèn ít, hàng sỉ lẻ không thể lấy nhiều làm lời. Vả lại, giá than, sắt bây giờ đã cao mà còn khó tìm. Trong khi đó, xã hội phát triển nên đẻ ra nhiều ngành nghề, dịch vụ mới kiếm tiền khỏe hơn, không ai dại gì “cõng chiều qua đêm”.

Từ nghề rèn truyền thống ở xóm tôi có thể suy ra số phận hẩm hiu của nhiều nghề truyền thống hiện nay, kể cả những nghề vốn đã có thương hiệu từ trước. Tôi đã từng gặp câu trả lời khá lúng túng của một số anh chị em cán bộ xã, thôn với câu hỏi: tại địa phương nhỏ của mình, phát triển nghề truyền thống là phát triển cụ thể nghề gì? Câu trả lời có thể chung chung theo văn bản cấp trên, hoặc là thấy địa phương mình có nghề gì thì nói đại là phát triển nghề đó. Đi nhiều nơi trong tỉnh tôi vẫn gặp những hoàn cảnh tương tự. Cứ kiểu này thì ở quê tôi phải phát triển hai nghề truyền thống đã qua “thời oanh liệt”: “Phước Đức gàu nan, Ngô Cang đan lờ”.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần làm một cuộc tổng điều tra, quy hoạch lại toàn bộ các nghề gọi là truyền thống hiện nay. Qua đó, mạnh dạn loại ra ngoài “cuộc chơi” hoặc cứ để sống tự phát cầm chừng những ngành nghề không còn phù hợp với xã hội hiện nay như một quy luật tự rơi, tự loại. Mặt khác, bổ sung đầy đủ danh mục các ngành nghề, dịch vụ cần thiết để tập trung đầu tư phát triển. Không thể chung chung “vơ đũa cả nắm” như kiểu “trên sao dưới vậy” mà phải vận dụng hợp lý, hiệu quả từng ngành nghề cụ thể cho từng địa phương cụ thể.

TIÊU ĐÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăn trở với khôi phục nghề truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO