(QNO) - Trong 3 năm 2011 - 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI của Quảng Nam giảm từ 63,4 điểm (2011) xuống 60,27 (2012) và 58,76 (2013). Làm thế nào để cải thiện chỉ số PCI là vấn đề đang đặt ra bức thiết.
Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp còn ít và khả năng tiếp cận vốn yếu là một trong những nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh. |
KỲ 1: NHẬN DIỆN
PCI (Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 đối với 42 tỉnh, thành; và từ năm 2006 đến nay, tất cả tỉnh thành Việt Nam đều được đánh giá, xếp hạng.
Để xây dựng PCI, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố theo phương pháp chọn mẫu phân tổ. Có khoảng gần 10 nghìn doanh nghiệp trả lời điều tra PCI vào mỗi kỳ. Để xây dựng bộ chỉ số này, ngoài dữ liệu điều tra, nhóm nghiên cứu PCI của VCCI còn sử dụng các thông tin khác đã công bố của các bộ, ngành.
Hiện nay, có 10 chỉ số thành phần (với tổng điểm 100) nhằm đánh giá và xếp hạng các địa phương về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Những chỉ số đó là: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; Cạnh tranh công bằng (bổ sung năm 2013).
Cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Nam ngày càng quan tâm hơn về chỉ số PCI, coi đây là kết quả đáng tham khảo để xây dựng chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng điều hành quản lý nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định 3 mũi đột phá để phát triển, gồm: xây dựng hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư, nên việc theo dõi xếp hạng PCI cũng có thể xem là “nhiệt kế” để đo lường mức độ tăng trưởng và triển vọng kinh doanh. Thông qua kết quả các chỉ số trong PCI, lãnh đạo tỉnh cũng nắm bắt được "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường đầu tư và kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh.
Quảng Nam đang đứng ở đâu?
Để nhìn trực quan vị trí xếp hạng của Quảng Nam trong bảng tổng sắp 63 tỉnh, thành trong cả nước, chúng ta có thể khảo sát biểu đồ PCI năm 2013.
Biểu đồ PCI năm 2013. |
Theo biểu đồ PCI 2013, Quảng Nam đứng thứ 27/63 tỉnh, thành, thuộc vào nhóm Khá. Nhóm Khá có 27 tỉnh với mức điểm từ trên nhóm Trung bình (56,93 điểm của Đồng Nai) đến cận nhóm Tốt (59,89 điểm của Bạc Liêu). Như vậy, Quảng Nam ở khoảng giữa nhóm Khá, nếu muốn lên nhóm Tốt phải vượt qua vị thứ của 13 tỉnh, thành nữa.
Số điểm PCI năm 2013 của Quảng Nam thấp nhất trong 7 năm qua, tính từ 2007 (năm có số điểm cao nhất với 69,92). Và từ năm 2007 đến nay, kết quả xếp hạng PCI của Quảng Nam biến động theo hình sin. Cụ thể: Năm 2007, xếp thứ 13, nhóm Tốt, tụt xuống vị thứ 14 năm 2008, nhóm Khá; lên lại nhóm Tốt vào năm 2009 (vị thứ 25) rồi xuống nhóm Khá vào 2010 (vị thứ 26); hai năm 2011, 2012 lên nhóm Tốt (với vị thứ 11, 15) rồi lại tụt xuống nhóm Khá năm 2013 (vị thứ 27).
Như vậy, thứ hạng PCI của Quảng Nam năm trồi năm sụt, thiếu bền vững. Đặc biệt, năm 2013 tụt tới 12 bậc so với năm 2012, và tụt đến 16 bậc so với năm 2011 (năm có thứ hạng cao nhất). Do giảm sâu thứ hạng nên từ nhóm Tốt, Quảng Nam rơi xuống nhóm Khá, với biểu đồ hình sin chiều hướng đi xuống đáng quan ngại.
Đi sâu phân tích, ta thấy các chỉ số thành phần trong PCI năm 2013 đã giảm điểm so với 2012 là: Chi phí gia nhập thị trường (giảm 0,72 điểm); Chi phí không chính thức (giảm 0,76 điểm); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (0,42 điểm) và Đào tạo lao động (giảm 0,06 điểm). Các chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh (tăng 2,12 điểm); Thiết chế pháp lý (1,59 điểm); Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (tăng 1,58 điểm); Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (tăng 0,12 điểm), Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước (tăng 0,23 điểm). Để có cái nhìn tổng quan về sự tăng/giảm của các chỉ số thành phần trong PCI, ta có bảng thống kê từ năm 2007 đến 2013 như sau:
Đâu là nguyên nhân tụt giảm thứ hạng?
Nguyên nhân dẫn đến Quảng Nam tụt thứ hạng PCI năm 2012, 2013 có thể do nhiều địa phương trong bảng tổng sắp đã vươn lên cải thiện được vị trí xếp hạng hoặc không ngoại trừ kết quả khảo sát còn phụ thuộc vào sự lựa chọn ngẫu nhiên. (Báo cáo Chỉ số PCI 2013 khảo sát điều tra với 8.093 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thấp hơn con số bình quân 10 ngàn doanh nghiệp trên mỗi kỳ điều tra. Đồng thời, báo cáo cũng phản ánh cảm nhận của 1.609 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam, song Quảng Nam hầu như có rất ít doanh nghiệp FDI tham gia).
Một nguyên nhân khác là xuất phát từ điều kiện của tỉnh, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số đông; trong 2 năm qua kinh tế tiếp tục khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể lớn, trong đó sự “đổ vỡ” 2 công ty vàng (Bồng Miêu và Phước Sơn) và vụ vỡ nợ của Công ty Đồng Xanh v.v.. đã gây ảnh hưởng xấu. Về thị trường, cũng còn nhiều khó khăn chưa tháo gỡ được, xuất khẩu hàng hóa bấp bênh… Năm 2012, 2013 cũng là năm phải khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, từ động đất, sạt lở biển, bão lụt, hạn hán, nên môi trường đầu tư có ảnh hưởng lớn.
Về chủ quan, theo các doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại như việc cung cấp thông tin đến doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa kịp thời; tính năng động của lãnh đạo cấp sở và cấp huyện còn thấp; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, việc thực hiện các thủ tục về đất còn gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc công khai các quy hoạch, cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư của Quảng Nam còn chưa triệt để, minh bạch; nhiều doanh nghiệp phản ánh cần có "mối quan hệ" mới có được tài liệu của tỉnh.
Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi, còn trường hợp giải quyết hồ sơ cho nhà đầu tư chưa đúng tiến độ, thủ tục phải qua nhiều cơ quan dẫn đến triển khai dự án mất nhiều thời gian; công tác đào tạo lao động chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều nhà đầu tư phải đào tạo lại lao động làm phát sinh kinh phí, ảnh hưởng tiến độ dự án. Đặc biệt, việc tiếp cận vốn vay còn gặp nhiều khó khăn.
________________________
Kỳ 2: Giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam trong những năm gần đây tiếp tục duy trì ở nhóm Khá, Tốt. Vì vậy, con đường để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vươn lên nhóm Rất Tốt là hành trình dài, đầy khó khăn và thử thách.
ĐĂNG QUANG