Cuối năm 2006, chúng tôi có chuyến ngược ngàn lên Tây Giang thực hiện phim ca nhạc thiếu nhi “Từ mơ ước hôm nay” gồm năm ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng do ca sĩ nhí Mây Linh, một trong những con chim sơn ca xứ Quảng lúc bấy giờ, thể hiện. Phim đoạt Huy chương Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc năm đó. Những người làm phim chúng tôi rất vui với kết quả này. Lâu lắm rồi Phòng Văn nghệ Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) mới “giành giải” ở thể loại thiếu nhi trong những lần Liên hoan truyền hình toàn quốc. Nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng không nói ra nhưng rất hạnh phúc bởi những ca khúc anh tâm huyết viết tặng các em thiếu niên nhi đồng đất Quảng đã được ghi nhận ở một sân chơi nghề nghiệp lớn toàn quốc. Những ca khúc như “Bên núi Ngũ hành em hát”, “Trà My quê em”, “Từ mơ ước hôm nay”, “Hè gọi”, “Em yêu chú bộ đội”, “Tây Nguyên quê em”, “Cháu xin trồng hàng cây”... của nhạc sĩ Huy Hùng, từ lâu đã đi vào tâm thức tuổi thơ đất Quảng qua những mùa “Hoa phượng đỏ”. Riêng với ca khúc “Niềm vui của em”, được bình chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX, được đưa vào sách âm nhạc dành cho tuổi học trò... lại hàm chứa cả câu chuyện dài về tình yêu trẻ thơ miền núi, về những chuyến ngược ngàn tìm cảm hứng sáng tác âm nhạc của anh.
Nhạc sĩ Huy Hùng (đội mũ) trò chuyện với bà con Cơ Tu ở Tây Giang. Ảnh: N.KẾT |
Nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng kể rằng, vào năm 1982, anh có chuyến đi thực tế đến Trại cải tạo giáo dục thanh thiếu niên hư tại huyện Giằng để làm phóng sự và tìm kiếm cảm hứng sáng tác. Từ Đà Nẵng, anh đến với vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh đượm buồn nhưng cũng lắm thú vị. Sáng hôm ấy, khi những giọt sương còn đọng trên cành lá, nhìn xa xa học sinh tíu ta tíu tít như đàn chim non cắp sách đến trường trong bộ quần áo vải mộc trên triền đồi trông thật đáng yêu. Hình ảnh ấy quá đỗi trong sáng, hồn nhiên, khiến nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng dậy lên bao cảm xúc. “Không hiểu sao lúc đó mọi thứ diễn ra trước mắt tôi thật ấn tượng, trong trẻo. Ngay đêm hôm đó, tôi hoàn thành ca khúc “Niềm vui của em”. Mỗi lần nhớ lại, cảm xúc ấy vẫn ngỡ như ngày hôm qua” - nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng tâm sự. “Niềm vui của em” với những ca từ trong sáng, long lanh như giọt sương mai, chan chứa cái tình, ôm ấp niềm mong mỏi khát khao hướng đến một ngày mai đầy tươi sáng của đồng bào miền núi: Khi ông mặt trời thức dậy, mẹ lên rẫy em đến trường, cùng đàn chim hòa vang tiếng hát. Hạt sương long lanh nhẹ thấm trên vai. Nụ hoa xinh tươi luôn hé môi cười. Đưa em vào đời đẹp những ước mơ...
Mấy chục năm công tác ở QRT, nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng luôn dành cho miền núi xứ Quảng những tình cảm đặc biệt trong công tác cũng như trong sáng tác âm nhạc. Anh tích cực tham gia đạo diễn các chương trình truyền hình trực tiếp diễn ra ở miền núi như Tây Giang, Nam Giang, Trà My, Tiên Phước. Tích cực cùng anh em đồng nghiệp không quãng ngại đường sá xa xôi cách trở đến tận bản làng xa tít của Tây Giang để ghi hình những cảnh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những thước phim ca nhạc do chính các diễn viên là con em đồng bào Cơ Tu thể hiện. Những lúc trà dư tửu hậu, anh đem hết tâm huyết về nghề mấy chục năm tích lũy ở trường lớp, ở thực tiễn công việc để truyền lại cho anh em trẻ. Trong những câu chuyện của anh, chúng tôi cảm nhận được một điều rằng, những ý tưởng, những hình ảnh đẹp, lạ và đậm đà bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc bao giờ cũng chiếm gần trọn tâm hồn anh, thôi thúc anh bắt tay thực hiện. Đôi khi, chúng tôi bắt gặp ở anh sự trăn trở không nguôi về dự định làm một bộ phim nghệ thuật về hát lý, nói lý của đồng bào Cơ Tu để tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc nhằm đem cái hay, cái đẹp của miền núi xứ Quảng giới thiệu với người xem cả nước… mà chưa thực hiện được vì nhiều nguyên do khác nhau. Ý định thực hiện một bộ phim ca nhạc thiếu nhi với những ca khúc viết về núi rừng xứ Quảng mà anh ôm ấp… vẫn chưa trở thành hiện thực. Vì thế, nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng luôn căn dặn đồng nghiệp trẻ biết chắt chiu những hình ảnh về miền núi. Anh bảo: “Chính cái hoang sơ, chân chất của cuộc sống đồng bào nơi biên ải xa xôi ấy sẽ cho ta những cảm nhận đầy đủ nhất về giá trị đích thực của cuộc sống này”.
Tháng 8 này, nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng chính thức nghỉ hưu sau mấy chục năm cống hiến sức lực và trí tuệ cho ngành phát thanh - truyền hình đất Quảng cũng như cho sự nghiệp âm nhạc quê hương. Nghỉ hưu, với anh không hẳn là một sự nghỉ ngơi, mà là sự chuẩn bị cho một hành trình khác với nhiều dự định thâm nhập thực tế để sáng tác về Tiên Phước, Phú Ninh, Nam Giang, Tây Giang, Đại Lộc... Ngoài ra, anh cũng mong muốn tiếp nối tinh thần và công việc của nghệ sĩ nhân dân Tường Vi ở Trung tâm nghệ thuật tình thương Quảng Nam. Nghĩa là, nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng vẫn còn phải đi - về giữa Quảng Nam và Đà Nẵng với những chuyến lên nguồn, xuống biển để sáng tác âm nhạc...
NGỌC KẾT