Trăn trở vùng đất võ

VĨNH LỘC 26/03/2014 08:45

Bảo tồn và phát huy những tinh hoa võ thuật Điện Bàn, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa võ cổ truyền dân tộc luôn là niềm trăn trở của các bậc võ sư và những người làm công tác thể thao nơi đây.

Võ đường Dinh trấn Thanh Chiêm là một trong số ít võ đường còn duy trì tập luyện thường xuyên.Ảnh: VĨNH LỘC
Võ đường Dinh trấn Thanh Chiêm là một trong số ít võ đường còn duy trì tập luyện thường xuyên.Ảnh: VĨNH LỘC

Vùng đất võ

Điện Bàn được biết đến là một trong những cái nôi của võ thuật cổ truyền Quảng Nam với trên 10 môn phái và võ đường khác nhau như Ngũ Long Quyền, Hồ Công Phái, Long Xà... Theo võ sư Trần Xuân Mẫn - Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh, võ cổ truyền Điện Bàn là sự giao thoa, cộng lập giữa võ thuật Champa và võ truyền thống Đại Việt vùng Thanh - Nghệ theo chân các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi. Đến những năm đầu thế kỷ 17 và cuối thế kỷ 18 cùng với các biến động lịch sử, võ thuật Điện Bàn tiếp tục có sự cộng hưởng tiếp biến với các dòng võ thuật Trung Hoa và Tây Sơn, Bình Định để hình thành lên võ cổ truyền Điện Bàn. Nhiều võ sĩ, võ sư đã trở thành huyền thoại như Hồ Cưu, Hồ Cập, Nguyễn Hội, Nguyễn Lự… là niềm tự hào của võ thuật Điện Bàn.

Từ năm 1988 đến nay, các câu lạc bộ (CLB) võ thuật cổ truyền như Hoàng Vũ, Long Xà, Dinh trấn Thanh Chiêm… vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và đạt thành tích cao trong các giải của tỉnh và toàn quốc với hơn 100 huy chương vàng, bạc các loại, trong đó có 6 huy chương vàng tại các giải võ thuật cổ truyền quốc gia. “Võ cổ truyền Điện Bàn có một hệ thống bài bản gồm nhiều thảo bộ tay không và thảo bộ sử dụng vũ khí nhằm mục đích rèn luyện cơ thể dẻo dai, sức lực bền bỉ, kỹ năng phòng thủ kín đáo và tự vệ hiệu quả” - võ sư Trần Xuân Mẫn nhận xét. Ngoài ra, các thảo bộ đều có nhiều động tác di chuyển theo vô số đường vòng cung, vòng tròn, bao bọc quanh thân, khi chiến đấu thì phóng ra liền lạc, mềm mại, chỉ ở những động tác tấn công trúng vào đối phương mới dùng sức cương ngạnh. Chính các yếu tố này đã tạo nên sự đa dạng về động tác, uyển chuyển về hình thể, linh hoạt khi di chuyển, phóng túng về tinh thần.

Năm 2007 Chi hội Võ thuật Điện Bàn được thành lập, tạo điều kiện cho phong trào võ thuật trên địa bàn huyện phát triển. Từ 3 võ đường là Long Xà (Điện Tiến), Hoàng Vũ Phái (Điện Minh), Võ đường Điện Phương đến nay đã có 10 võ đường với hơn 600 võ sinh thường xuyên luyện tập như Lâm Nghĩa Môn (Điện Thắng), Tứ Phụng (Điện Trung), Minh Khánh (Điện Minh)... “Trong đề án phát triển sự nghiệp thể thao Điện Bàn đến năm 2020 chúng tôi đã xây dựng mục tiêu phấn đấu mỗi xã sẽ có một CLB nhằm phục hồi lại phong trào võ thuật cổ truyền trên địa bàn huyện” - ông Nguyễn Văn Điệp, Phó phòng VHTT huyện Điện Bàn cho biết.

Thất truyền

Điện Bàn là nơi đầu tiên ở miền Trung thành công trong việc phục hồi bài “Thi đấu roi trường” - một trong những môn thi đấu khoa cử dưới triều Nguyễn để chọn lấy Tạo sĩ (tiến sĩ võ) đã thất truyền. Tuy nhiên, theo võ sư Trần Xuân Mẫn, võ cổ truyền huyện Điện Bàn vẫn còn những hạn chế nhất định như chưa xây dựng được lực lượng tập luyện theo định hướng đỉnh cao; chưa có kế hoạch, giải pháp cụ thể để bảo lưu, phát triển văn hóa võ (nhất là bảo tồn các bài võ cổ bản nguyên gốc). “Qua theo dõi thực tế thì hiện nay các CLB võ thuật trên địa bàn huyện chỉ dạy các bài võ quy định của Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, ngay cả những võ phái kỳ cựu như Ngũ Long Quyền, Hồ Công Phái đều đã để thất truyền gần hết các bài bản nội môn” - võ sư Trần Xuân Mẫn nói.

Thành công của võ thuật cổ truyền thời gian qua là  phục hồi lại bài “Thi đấu roi trường” đã thất lạc hơn trăm năm trước.
Thành công của võ thuật cổ truyền thời gian qua là phục hồi lại bài “Thi đấu roi trường” đã thất lạc hơn trăm năm trước.

Còn theo võ sư Huỳnh Khải - Chi hội trưởng Chi hội Võ thuật Điện Bàn, so với nhiều địa phương khác võ cổ truyền Điện Bàn dù có tiềm năng nhưng phong trào tập luyện chưa rộng khắp. Phần lớn huấn luyện viên (HLV) không có điều kiện về kinh phí để đi tập huấn các lớp HLV quốc gia, trọng tài do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật; nhiều nơi chưa có sân bãi ổn định, dụng cụ tập luyện còn thiếu; nhiều dụng cụ lưu truyền như roi, côn, kiếm… hầu hết đã thất lạc chưa thể khôi phục được. “Khó khăn nhất vẫn là con người” - ông Khải thừa nhận. Đó không chỉ là những HLV có tâm huyết với “nghiệp” võ cổ truyền mà quan trọng nhất là khó tìm được “truyền nhân” để truyền đạt những đòn thế tuyệt kỹ của môn phái dẫn đến nguy cơ thất truyền các tinh hoa võ thuật. “Bây giờ ai cũng lo cho cuộc sống kinh tế nên khó đòi hỏi hơn được, chúng tôi chỉ động viên các HLV là cố gắng tuyển sinh để duy trì CLB hoạt động và truyền đạt cho lớp trẻ” - ông Khải tâm sự.  

Ông Nguyễn Văn Điệp khẳng định, Phòng VHTT huyện đang lập kế hoạch khôi phục những CLB cũ và nâng cao chất lượng những CLB đang hoạt động bằng cách mời chuyên gia của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh cũng như Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam về bồi dưỡng trình độ cho HLV các CLB, gắn việc phục hồi võ thuật cổ truyền với xây dựng nông thôn mới. “Một thuận lợi của huyện hiện nay là quy định của Bộ VH-TT&DL về xây dựng nông thôn mới yêu cầu mỗi xã phải có 5 CLB võ thuật cổ truyền nên tôi nghĩ đây sẽ là điều kiện tốt để huy động nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thời gian đến xã nào cũng sẽ có CLB võ thuật cổ truyền” - ông Điệp cho biết.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăn trở vùng đất võ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO