Trăn trở vùng đông

Phóng sự của XUÂN THỌ 28/01/2018 09:21

Đâu đấy trong cái nhộn nhịp trở mình, người ta thấy thoáng qua những nét trầm tư, dấy lên chút lo lắng, ở vùng đông.

Khi đi vào hoạt động, Khu nghỉ dưỡng phức hợp Vinpearl sẽ mở ra cơ hội làm việc cho người dân địa phương . Ảnh: XUÂN THỌ
Khi đi vào hoạt động, Khu nghỉ dưỡng phức hợp Vinpearl sẽ mở ra cơ hội làm việc cho người dân địa phương . Ảnh: XUÂN THỌ

1. Buổi sáng ở thôn 6, xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) trôi đi rất nhanh, trong sôi động. Ở đó người ta tụ họp nhau lại, thành một cái chợ, chắc cũng được một năm rồi. Phần lớn người mua, không quá khó để nhận thấy trang phục của họ là công nhân trong các công trình ở khu nghỉ dưỡng Vinpearl. Chị Trần Thị Ngân, 43 tuổi, nói như phân trần: “Tranh thủ chợ sớm, để còn đi làm nữa”. Cả hai vợ chồng chị, trước đây đều làm ruộng, nay đều làm công nhân trong khu nghỉ dưỡng. Ở Bình Dương, có rất nhiều vợ chồng như chị Ngân. Giơ bịch ni lông có ít rau cá cho tôi xem, Đinh Thị Thanh Thúy, 29 tuổi, nhìn tôi cười: “Em cũng rứa thôi”. Thúy người Nghệ An, vào đây đã được hơn 6 tháng, thông qua những người hàng xóm ở quê vào làm trước đó. Có hàng trăm người đi chợ sớm như chị Ngân và Thúy. Họ về nấu sẵn thức ăn đấy, rồi vội vã lao đến công trình cách đây không xa. Hết ca, họ trở về, hâm lại đồ ăn. “Chứ mà chờ hết ca về, mới đi chợ rồi nấu ăn, thì sẽ không còn thời gian nghỉ trưa” - Thúy giải thích. Rồi với tay chỉ tấm biển cho thuê phòng trọ: “Bọn em thuê phòng ở đó, 4 đứa một phòng, cho rẻ”. Tôi quan sát lại một lần nữa con đường chính của thôn 6, mới nhận ra rằng ở đây có hàng chục tấm biển cho thuê phòng trọ được dựng lên. Cùng với đó là hàng quán mọc lên san sát.

Liền kề cái chợ ấy, là xưởng chế biến cá của ông Nguyễn Văn Bảy, không nhộn nhịp gì, nếu không muốn nói là… hơi đìu hiu. Hình ảnh ấy, ở cái xưởng cá này, kéo dài đã hơn một năm, kể từ khi các công trình du lịch nghỉ dưỡng lớn ở vùng đông bắt đầu xây dựng. Kéo tôi ra quán cà phê gần đấy, ông Bảy thở dài: “Cũng không trách người ta được, ai cũng tính đường mưu sinh cả thôi, “thằng” nào cũng phải gánh nặng vợ con trên vai cả”. Hơn một năm trở về trước, xưởng cá của ông luôn tấp nập người làm. Ông nhẩm tính, độ ấy, trung bình mỗi ngày xưởng ông làm hơn 1,5 tấn cá để gửi đi các bạn hàng. Và để giải quyết khối lượng công việc ấy, xưởng cá của ông Bảy luôn thường trực khoảng 150 người làm. Nhưng bây giờ, chính xác là khoảng hơn một năm nay, xưởng của ông chỉ còn khoảng 25 người làm thường xuyên với vài trăm ký cá mỗi ngày. “Hơn một năm nay, tháng nào tôi cũng lỗ, chỉ làm cầm chừng cho những bạn hàng thân thiết. Còn lại, chấp nhận đền bù hợp đồng cho họ. Không có người làm mà, biết sao được” - ông Bảy nói thêm, sau khi nhấp ngụm cà phê.

Hai mươi lăm người còn lại vẫn đang làm ở xưởng ông Bảy, mỗi ngày được nhận 200 nghìn tiền công, và họ phần lớn là phụ nữ lớn tuổi. Còn những người khỏe mạnh vào làm công nhân trong các công trình nghỉ dưỡng với số tiền ít nhất là 250 nghìn đồng mỗi ngày. Cạnh bàn chúng tôi, là những người luống tuổi khác, cũng nói về câu chuyện người người, nhà nhà đổ xô làm công nhân. “Kéo” tôi về lại bàn mình, ông Bảy nhắc lại: “Mình không thể trách họ được, chỗ nào trả tiền nhiều thì làm thôi, nhưng mà lo lắm”. Cái lo của ông Bảy, chính là điều những người bàn bên đang nói. Họ sợ, những nông dân bỏ ruộng làm công nhân, khi công trình xong, trở lại với ruộng sẽ gặp khó vì đất cát bỏ hoang lâu sẽ nhọc công cải tạo. Họ sợ, những ngư dân bỏ biển, thậm chí bán tháo bán đổ ngư cụ để làm công nhân, rồi khi công trình xong, nếu quay trở lại với biển, họ phải đối mặt với một thách thức lớn: mua sắm lại ngư cụ với chi phí khá cao!

2. Nhưng câu chuyện buổi sáng ở đây, hay ở các xã Bình Dương, Bình Minh (huyện Thăng Bình), Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) sau một hồi… loanh quanh, cũng trở lại chuyện đất đai. Mấy ông già cà khịa: “Mấy chỗ đất nớ, hồi trước mà “rủi” hắn cho tau, tau còn… đập vô mặt chớ để đó mà biểu tau mua”. Rồi cười sảng khoái, như kiểu tự thừa nhận thiếu đầu óc kinh doanh đất đai của chính mình. Dự án kéo về, đất đai “nắm tay” nhau lên giá vùn vụn. Từ chỉ vài trăm ngàn một mét vuông, bây giờ tìm đỏ mắt không có giá dưới 4 triệu một mét vuông ở những nơi đẹp. “Nơi đẹp” trong định nghĩa của họ, là gần các khu dự án nghỉ dưỡng.

Người làm bỏ đi làm công nhân khiến cho xưởng chế biến cá của ông Bảy không còn nhộn nhịp như trước. Ảnh: XUÂN THỌ
Người làm bỏ đi làm công nhân khiến cho xưởng chế biến cá của ông Bảy không còn nhộn nhịp như trước. Ảnh: XUÂN THỌ

Nhưng cũng chính từ niềm vui “trúng” số tiền khổng lồ từ bán đất hay được đền bù, đã nảy ra những can cớ rầu lòng. Đã có những mối quan hệ ruột thịt bị xâu xé! “Xót lắm cháu ạ. Mình người ngoài mà còn xót rứa, huống hồ chi kẻ trong cuộc” - ông Bảy khơi chuyện. Mà không riêng gì ông, cả thôn 6 Bình Dương cũng lấy đó là nỗi niềm. Cha mẹ qua đời, không một giấy tờ di chúc nào để lại ngoài vài nghìn mét vuông đất. Bán được vài tỷ đồng, người anh ruột lấy tất cả, không cho em gái một đồng nào. Ức quá, bà đi khắp thôn nguyền rủa anh trai mình. Người thấy tình cảnh mà thương, khuyên: “Mi chửi hắn có được chi mô, lo mà coi chăm lo cho con cái kìa”. Nghe nói bà ấy định đi kiện. Kéo nhau ra tòa, thắng hay thua, thì cái tình anh em coi như đã mất. “Mà thằng nớ cũng dở và tham quá, em út nó khổ thế, thì bèo chi cũng cho nó vài trăm triệu chớ” - ông già bàn bên, góp lời.

Câu chuyện ấy, tôi kể lại trong cuộc trò chuyện với ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương. Ở góc độ lãnh đạo địa phương, ông Vân bày tỏ, tất nhiên vẫn ưu tiên hòa giải là chính. Bởi anh em ruột thịt, vì bất hòa trong chia chác quyền lợi đất đai cha mẹ để lại, mà kéo ra tòa, thì còn hay ho gì. “Đấy là điều đang làm chúng tôi đau đầu” - ông Vân chia sẻ. “Còn chuyện người ta kéo đến mua đất thì sao?” - tôi hỏi. “Khá nhiều người từ nơi khác đến mua đất. Còn mình, thì làm đúng thủ tục pháp lý thôi, vì đó là quyền của họ mà. Tất nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân nên cẩn trọng các giao dịch” - ông Vân cho hay.

3. Trở lại câu chuyện nhộn nhịp ở vùng đông. Đó là câu chuyện hai mặt, mà nửa phía sau của nó luôn là điều không ai muốn, nhưng không thể tách bỏ. Đó là vấn đề an ninh trật tự. Những hàng quán - nơi số lượng lớn công nhân “giải mỏi” sau giờ làm, là nguồn cơn của những xích mích. Chưa có vụ việc nào đáng kể, nhưng ít nhiều đã làm đảo lộn nhịp sống người dân ở đây. Và trong suy nghĩ họ, phải thêm toan tính để đối phó với phường trộm cướp. Ông Hoàng Châu Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, tổ trưởng tổ công tác vùng đông của huyện cho biết khu nghỉ dưỡng Vinpearl đã thu hút 7.000 lao động, trong đó có 70% lao động đến từ các huyện trong tỉnh, 30% là từ tỉnh khác đến. Phần lớn số này tạm trú ở xã Bình Minh. Và trước thực tế nhiều phức tạp về an ninh trật tự, 6 chiến sĩ công an của Công an huyện Thăng Bình được tăng cường, lập chốt túc trực ở Bình Minh.

Mở điện thoại, đưa cho tôi xem những khung hình qua camera an ninh truyền về, ông Trần Công Tân - Trưởng Công an xã Bình Minh lộ vẻ phấn khởi: “Nhờ 6 camera đó, mà tình hình dịu hẳn”. Ở thời điểm nhiều nhất, có khoảng 2.600 người đăng ký tạm trú ở Bình Minh. “Chắc chắn một điều là số lượng người làm công nhân ở Vinpearl đã giảm nhiều do việc xây dựng gần như hoàn thành cơ bản, nên chủ đầu tư đã giảm số lượng công nhân xuống. Có điều, khi rời đi, họ không làm thủ tục khai báo, nên mình cũng khó nắm bắt hết số lượng cụ thể” - ông Tân cho biết thêm.

Bài toán ấy, coi như tạm ổn. Nhưng còn một bài toán khác, quan trọng hơn, và đòi hỏi những giải pháp căn cơ: người dân địa phương được hưởng lợi gì từ dự án này? Ông Sơn cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với nhà đầu tư, để họ ưu tiên nhận người địa phương vào làm. Tất nhiên, sẽ có những kế hoạch đào tạo nghề, kỹ năng nghiệp vụ cho họ để họ có thể phục vụ trong khu nghỉ dưỡng này”. Ông Sơn còn cho biết, theo kế hoạch, Khu nghỉ dưỡng phức hợp Vinpearl sẽ cần đến 2.500 lao động để vận hành. Và mong rằng, phần lớn người dân địa phương sẽ nằm trong con số 2.500 lao động ấy. Cuối tháng 4.2018, khu nghỉ dưỡng sẽ đi vào hoạt động. Tức là còn khoảng 3 tháng nữa. Hành trình để đưa người dân địa phương vào làm trong ấy, còn cả một chặng đường dài phía trước mà chính quyền địa phương cùng chủ đầu tư đã vạch ra. Nhưng hơn ai hết, chính người lao động vẫn phải tự nắm bắt cơ hội trước khi ai đấy đưa tay ra cứu vớt mình.

Vùng đông đầy cát, bao lâu nay vẫn trăn trở chuyển mình. Nay rục rịch cựa quậy, đâu phải đồng nghĩa với việc thôi trăn trở!

Phóng sự của XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăn trở vùng đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO