Trang bị kỹ năng chống hàng giả

18/01/2016 12:15

Do vẫn mang tâm lý nghi ngại tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn ngập trên thị trường nên nhiều người tiêu dùng đã tự trang bị kiến thức, kỹ năng trong khi mua sắm hàng hóa vào dịp tết.Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa một cơ sở kinh doanh trong dịp tết. Ảnh: C.T.AKiểm tra mã vạch bằng điện thoạiChị Trịnh Thị Yến (đường Hoàng Hữu Nam, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) kể, cách đây hơn một tháng, chị đến cửa hàng quần áo nam khá uy tín trên đường Phan Châu Trinh (Tam Kỳ) để tìm mua hai chiếc áo sơ mi hiệu An Phước cho chồng. Về đến nhà, em trai chị lấy điện thoại có phần mềm kiểm tra hàng giả, hàng nhái soi mã vạch của hai chiếc áo chị vừa mua. Kết quả, cả hai mã vạch của hai áo đều không hiển thị thông tin về sản phẩm sơ mi An Phước mà đáng ra phải có. Điều đó chứng tỏ, chiếc áo không phải hàng thật của thương hiệu thời trang nổi tiếng An Phước. Bực mình vì điều này nhưng vốn chỗ quen biết nên chị Yến đành đem trả lại áo với lý do là chồng chị không thích mẫu áo chị mua về. Rút kinh nghiệm từ lần đó, mỗi khi đi mua sắm, bất kỳ sản phẩm công nghiệp nào có mã vạch, mã điện tử, chị Yến đều dùng điện thoại để kiểm tra cẩn thận, tránh mua phải hàng giả. Theo chị Yến, sau nhiều lần “soi chiếu”, dù phát hiện, nghi ngờ cửa hàng mình mua sắm buôn bán hàng giả, hàng nhái nhưng vì nhiều lý do nên đành im lặng mà không hề tố cáo, phản ánh thông tin với cơ quan chức năng có liên quan.Cũng giống như chị Yến, chị Nguyễn Thị Hoa (đường Huyền Trân Công Chúa, khu phố mới Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) từ dạo được người bạn hướng dẫn tải và sử dụng phần mềm kiểm tra hàng giả, hàng nhái trên điện thoại đã bớt đau đầu, lo lắng mua nhầm hàng. “Bữa đầu chưa quen nên có những kết luận không chính xác, lại quay sang nghi ngờ chủ hàng. Đó là lần mua dầu gội được sản xuất và sử dụng trong nội địa của Nhật Bản bằng đường xách tay, mình cũng kiểm tra hàng bằng mã vạch. Nó không hiển thị thông tin gì cả. Mình cho rằng đó là hàng giả, cãi nhau với người bán hàng quá trời. Sau kiểm tra thì các phần mềm kiểm tra hàng giả, hàng nhái trên điện thoại hiện nay chỉ có thể kiểm tra mã vạch, mã điện tử đối với sản phẩm sản xuất trong nước và quốc tế. Hàng nội địa của một số nước thì tạm thời đành chịu. Nói như thế để biết rằng, mình đã được bạn bè trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân và gia đình trong việc mua và sử dụng hàng” - chị Hoa nói thêm. Chị Nguyễn Tuyết (một chủ shop mỹ phẩm trên đường Phan Châu Trinh, Tam Kỳ) cũng cho hay, chị luôn khuyến khích khách hàng của mình kiểm tra mã vạch, mã điện tử ngay tại chỗ mỗi khi mua hàng để khách hàng vừa yên tâm, vừa bảo vệ uy tín của cửa hàng.Cần phối hợp với cơ quan chức năngTheo khảo sát bỏ túi của phóng viên, hiện rất ít người biết đến những ứng dụng thông minh trong chiếc smartphone mà rất nhiều người đang cầm trên tay. Thậm chí, trong nhiều lần cùng lực lượng quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra hàng hóa tiêu dùng trong các cửa hàng, khá nhiều thành viên không biết đến ứng dụng kiểm tra hàng giả, hàng nhái từ điện thoại. Theo một số cán bộ QLTT, chức năng này của điện thoại chỉ mới đưa vào sử dụng kèm theo các biện pháp khác, và có thể giúp ích trong một số tình huống. Theo thói quen và kinh nghiệm xử lý hàng giả, hàng nhái, lực lượng chức năng có thể phát hiện được hàng giả, hàng nhái khi kiểm tra bằng mắt thường. Trong khi đó, kẻ gian ngày càng tinh vi, đưa ra thị trường những sản phẩm nhái với mức độ giống hệt sản phẩm thật. “Ngoài việc yêu cầu chủ cửa hàng xuất trình hóa đơn chứng từ mua hàng để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng và một số nghiệp vụ cần thiết của ngành thì cũng có thể cho rằng, các ứng dụng kiểm tra hàng thật, giả bằng điện thoại cũng là phương pháp hay mà các thành viên trong đoàn nên sử dụng khi xử lý công việc” - ông Lê Cần, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, nói.Hiện nay, phần mềm ứng dụng kiểm tra hàng giả, hàng nhái trên điện thoại được sử dùng phổ biến nhất là icheck, gcheck và barcode Việt. Người tiêu dùng chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, tích hợp các chức năng chụp hình, kết nối internet là có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng trên ở bất cứ nơi đâu, khi nào. Cụm từ “người tiêu dùng thông thái” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần lâu nay khi đi mua sắm, tiêu dùng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, quần áo... nhằm đề cao các kỹ năng ứng phó cần thiết với sản phẩm hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan mà cơ quan chức năng chưa có phương án kiểm soát triệt để. “Trong khi lực lượng QLTT đang nỗ lực kiểm soát thị trường hàng hóa thì người tiêu dùng nên trang bị kỹ năng cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tài sản của chính mình. Đồng thời, khi có thông tin hay nghi ngờ các cơ sở kinh doanh buôn bán hàng giá, hàng nhái thì nên kịp thời báo với lực lượng chức năng để cùng phối hợp đẩy lùi hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường. Một khi hàng giả bị phát hiện, không có đất diễn thì nó sẽ tự chết. Năm qua, chúng tôi nhận rất ít đơn thư hay phản hồi về việc nghi ngờ cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái trong khi người dân có rất nhiều thông tin nhưng vì ngại mà không chịu hợp tác. Chứ có thông tin là chúng tôi kiểm tra, làm việc ngay” - ông Lương Viết Tịnh (Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, Đội trưởng Đội chống buôn bán hàng giả, hàng nhái) nói.CHIÊU THỤC ANH
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trang bị kỹ năng chống hàng giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO