Chị có ngoại hình xấu xí, thô kệch. Vóc dáng bé nhỏ với khuôn mặt sạm đen, mắt sâu mũi tẹt. Mái tóc thô cứng như một nùi rơm. Mọi người trong cái xóm vùng sơn cước này hầu như ai cũng quên cái tên cha mẹ đặt cho chị. Người ta gọi chị là Lùn. Gọi mãi, lâu ngày thành tên. Chị Lùn lại có tính đểnh đoảng, ngẩn ngơ. Khi mang thai chị, mẹ chị bị chó dại cắn. Nhờ chạy chữa kịp thời, bà không sao nhưng dấu vết để lại ở đứa con.
Chị Lùn sống với mẹ và dượng trong ngôi nhà tranh ở cái xóm của huyện miền núi từng được mệnh danh là “cao sơn ngọc quế”. Ngôi nhà khi nắng thì chói chang, khi mưa thì dột nát. Từ nhỏ chị Lùn phải lặn lội lên nương lên rẫy mong tìm cái ăn, cái mặc. Vậy mà chị Lùn vẫn cứ lùn, quần áo bao giờ cũng rách rưới. Một hôm chị Lùn khoe với mọi người:
- Bữa ni Lùn có bộ quần áo mới.
Thật ra, đó là bộ quần áo cũ chị Lùn mua bằng mấy ngày công lao động. Cũng có khi đó là bộ quần áo người khác cho.
Chị Lùn đã ngoài ba mươi nhưng vẫn chưa có nổi một tấm chồng. Những lúc thấy những người cùng trang lứa ríu rít bên chồng con, chị Lùn phát thèm. Chị thèm có một mụn con để hủ hỉ, ôm ấp, chăm lo cho nó, yêu thương nó hết mình, ru nó bằng những lời ru ngọt ngào nhất. Nhưng những gã đàn ông ở đây chẳng ai thèm đếm xỉa đến chị. Lùn nghĩ: “Có lẽ số của mình là vậy, người như mình thì ai mà chịu lấy chứ!”.
Những khi đêm về chị Lùn thường ru giấc ngủ bằng những tưởng tượng mông lung. Suy nghĩ trằn trọc cho đến khi mệt nhọc, chị Lùn thiếp đi.
Nhà chị Lùn ở cuối xóm và ngăn cách với bên ngoài bởi một dòng sông. Đó là một con sông nước chảy hiền lành vào mùa nắng. Hai bên bờ sông là hai bãi đá dài lấp lánh. Xa xa hơn nữa là bãi cát vàng mịn màng như làn da thiếu nữ. Những đêm trăng về dòng sông trở nên thơ mộng. Những bãi đá, bãi cát nằm im lìm dưới trăng. Xa xa về phía ngọn đồi có những đám mây trăng trắng nhè nhẹ trôi. Người dân trong xóm thường mò cua, bắt ốc ở con sông này. Nhưng khi mùa mưa đến, con sông lại trở nên hung dữ. Dòng nước cuồng nộ, ầm ào về xuôi, cuốn phăng những gì nó gặp. Dòng sông mùa lũ khiến lũ trẻ không đến trường được, người dân trong xóm cũng không thể ra ngoài mua mắm muối hay những vật dụng cần thiết.
Nhưng rồi niềm vui đã đến với xóm nhỏ ấy. Người ta quyết định xây một chiếc cầu bắc qua sông. Đoàn người làm công trình ở miền xuôi lên, họ dựng lán trại ở gần nhà chị Lùn. Trong số họ, có một người đàn ông tên Thắng có vẻ quan tâm đến chị Lùn. Thắng có khuôn mặt hơi dài, lông mày rậm. Đặc biệt là ánh mắt nhìn “hơi đểu” một tí. Thắng thường phả khói thuốc trong những lúc rảnh rỗi để suy tư về điều gì đó. Anh ta cũng thường hay chải chuốt làm dáng. Thắng và chị Lùn thường xuyên gặp mặt nhau, nhưng ít khi chào hỏi. Một hôm, Thắng hỏi:
- Em tên gì?
- Dạ! Em tên Lùn - Chị trả lời bằng giọng cưng cứng.
- Em đã có chồng chưa?
Chị Lùn im lặng không nói gì. Và Thắng hiểu.
Vài hôm sau, khi gặp chị Lùn đang cõng củi về, Thắng nói:
- Tối nay đi dạo cùng anh nhé!
Chị Lùn trợn mắt nhìn Thắng. Chị không thể tin vào những gì mình vừa nghe. “Hẹn hò với mình ư? Có phải thế không nhỉ? Hay anh ta chỉ nói cho vui thôi?”. Chị Lùn ngẩn ngơ.
Thắng cười, đi về trại. Còn chị Lùn bước từng bước thật chậm về nhà. Chị xao xuyến, trái tim đập loạn nhịp. Chị nghĩ mãi về câu nói của Thắng. Một cảm giác hạnh phúc thoáng qua trong đầu. Chị Lùn lại phân vân: “Mình có nên đi hay không? Mình vẫn chưa biết gì về anh ta mà! Nhưng mình chưa bao giờ được một thằng đàn ông hẹn hò”.
Sau một hồi đắn đo, chị Lùn bước ra khỏi nhà với bộ quần áo ngó được hơn ngày thường.
Chị Lùn thay đổi, hay cười tủm tỉm một mình. Đôi lúc lại còn ngẩn ngơ quên lời mẹ dặn. Chị cảm thấy yêu cuộc sống này hơn. Và chị cũng bắt đầu thích chải chuốt cho bản thân.
Gần nửa năm trôi qua, cây cầu sắp hoàn thành. Thắng và chị Lùn thường xuyên hẹn hò với nhau. Hai người ngồi với nhau bên bờ sông trong một đêm trăng lãng mạn. Cảnh vật dường như chìm đắm dưới ánh trăng. Hai bên bờ sông không một bóng người, chỉ có tiếng sóng nhẹ nhàng của dòng sông vỗ về. Những giọt sương long lanh rơi làm thấm ướt cả bãi đá. Thắng và chị Lùn ngồi nói chuyện lâu hơn một chút.
- Về thôi anh, khuya rồi! Chị Lùn nói.
Thắng nhìn đăm đăm mặt chị Lùn. Anh ta ôm chầm lấy chị, đặt một nụ hôn nóng bỏng trên môi chị. Rồi anh ta đè chị nằm xuống, đôi tay mạnh bạo mở từng khuy áo... Chị hốt hoảng đẩy anh ta ra. Nhưng anh ta quá mạnh mẽ. Chị buông tay... Giọt nước mắt lăn dài trên má.
Chị Lùn tự an ủi: “Mình muốn có một đứa con mà”.
Từ sau cái đêm ấy, chị Lùn cảm thấy bụng mình thay đổi. Có cái gì đó động đậy trong ấy. Càng ngày nó càng lớn lên, chị bật khóc khi nghĩ về tương lai, về sự ra đời của đứa trẻ. Có lẽ ngày ấy chỉ có một mình chị chống chọi với tất cả, về sự gièm pha, về sự cô đơn. Và đặc biệt là đứa bé sẽ không có cha. Đó là sự mất mát lớn nhất cho một đứa trẻ. Chị không muốn tuổi thơ con mình lặp lại tuổi thơ của mình. Đó là những ngày tháng kinh hoàng.
Chị Lùn thật sự không muốn, không muốn,....
Cây cầu xây dựng xong, Thắng cũng đi luôn. Chị Lùn lại thui thủi một mình với biết bao tủi nhục đắng cay. Chị phải nghe những lời gièm pha của mọi người. Những đứa trẻ nghịch ngợm, khi nhìn thấy chị, ê a hát rằng:
“Thu đi để lại lá vàng
Anh đi để lại cho nàng thằng cu”.
Có người nói:
- Gớm! Đồ con gái hư hỏng, đã ngớ ngẩn lại còn chửa hoang.
Nhưng cũng có người thông cảm:
- Có lẽ nó cần một đứa con.
Chị Lùn câm lặng, lầm lũi sống, không quan tâm đến lời dị nghị của người ta. Chị sẽ sống vì đứa con. Cũng may, mẹ chị hiểu rõ hoàn cảnh của chị, ước mong của chị và luôn động viên an ủi, dù rằng nỗi buồn trong lòng bà cứ lặng lẽ tỏa ra trên khuôn mặt khắc khổ già nua.
Những đêm trăng sáng, chị thường thơ thẩn dạo quanh xóm. Rồi không hiểu sao đôi chân lại đưa chị đến bờ sông. Cảnh cũ vẫn còn đấy nhưng người xưa đâu rồi? Chị cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo, tủi buồn. Anh ta đã một đi không trở lại. Chị không oán trách hay căm giận anh ta. Bởi chị biết thân biết phận... Chị chỉ thương cho cái “mầm sống” đang cựa quậy và ngày càng lớn dần lên trong bụng mình. Và kể từ đó, cứ đến mùa trăng chị hay nhìn về phía cây cầu bê tông và thì thầm: “Trăng sáng ngoài sông...”.
NGUYỄN THỊ ĐƯƠNG