Trong thời kỳ chống Mỹ, xã Bình Phú có vị trí chiến lược quan trọng, là căn cứ địa của Huyện ủy Thăng Bình đóng tại thôn Linh Cang đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân Bình Phú giải phóng quê hương…
Khu vực này từng là căn cứ của Huyện ủy Thăng Bình trong chống Mỹ, vừa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT |
Phát triển lực lượng
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), từ năm 1955, chính sách “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Diệm không những không đàn áp được phong trào cách mạng mà còn thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của các tầng lớp nhân dân miền Nam.
Tại Bình Phú, địch củng cố chính quyền bằng cách thành lập trung đội dân vệ, sử dụng bọn mật thám theo dõi, lùng sục các cơ sở cách mạng. Cuối năm 1961, địch tiến hành lập ấp chiến lược Phước Hà, sau đó tiếp tục lập ấp chiến lược liên hoàn Hà Châu - An Lý gồm 2 khu, trong đó, khu Hà Châu là nơi giam giữ những gia đình địch cho là cộng sản, còn An Lý là khu tập trung dân thường. Ấp chiến lược liên hoàn Hà Châu - An Lý được địch xây dựng kiên cố, bố trí hẳn một trung đội dân vệ canh gác nghiêm ngặt, kiểm soát gắt gao mọi hoạt động của nhân dân. Trước các thủ đoạn đó, trên cơ sở Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Huyện ủy Thăng Bình trực tiếp chỉ đạo cách mạng Bình Phú tiếp tục phát triển trên cơ sở, chuyển hướng hoạt động. Lực lượng cách mạng từ thế đấu tranh chính trị, giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công cách mạng bằng cả 2 lực lượng chính trị và quân sự.
Trong thời gian này, đội công tác và du kích xã Bình Phú linh hoạt tổ chức các hoạt động đánh phá kìm kẹp, gây hoảng loạn trong quân địch. Đầu năm 1963, đội du kích xã Bình Phú gồm 15 người phối hợp với đội công tác xã tổ chức đánh phá ấp chiến lược Phước Hà, đưa nhân dân trở về làng cũ làm ăn. Bị đánh bật ra khỏi ấp chiến lược Phước Hà, địch rút về cố thủ ở ấp chiến lược Hà Châu. Lúc này, du kích xã Bình Phú phối hợp với bộ đội địa phương của tỉnh và huyện tấn công địch ở Phước Cang, An Lý, đánh bật một tiểu đoàn cộng hòa và đại đội bảo an ra khỏi vùng giải phóng. Sau khi tổ chức đánh phá thành công ấp chiến lược Phước Hà, lực lượng cách mạng Bình Phú càng được phát triển và hoạt động rộng khắp trên địa bàn. Trên đà thắng lợi, ta tiếp tục giải phóng Đồng Linh, Phước Cang, Đức An, tạo vùng căn cứ rộng lớn. Chính quyền cách mạng ở các thôn vừa mới giải phóng được thành lập. Lực lượng du kích xã phát triển thành trung đội tự vệ. Các đoàn thể quần chúng như nông hội, thanh niên, phụ nữ, lão thành, thiếu nhi cũng được thành lập và đi vào hoạt động sôi nổi.
Giải phóng Bình Phú
Đầu năm 1964, Chi bộ Đảng xã Bình Phú tiến hành Đại hội lần thứ nhất với sự tham gia của 16 đảng viên. Đại hội đã đánh giá quá trình lãnh đạo cách mạng trong những năm qua, đồng thời bàn các nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 3 đồng chí: Trương Ngọc, Đoàn Ngọc Nhân, Nguyễn Văn Nho, trong đó đồng chí Trương Ngọc làm Bí thư. Đại hội thành công đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của phong trào cách mạng địa phương. Trước sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng xã Bình Phú, lực lượng tại chỗ của địch không đủ sức thực hiện các đợt càn quét vào vùng giải phóng. Bởi vậy, địch đã tăng cường lực lượng bằng cách huy động Trung đoàn 51 (núi Quế, Quế Sơn), Sư đoàn 2 (Quảng Ngãi) có sự yểm trợ của trực thăng ồ ạt đưa quân vào các cao điểm ở Bình Phú. Đồng thời bắt ép nhân dân các xã vùng đông Thăng Bình vận chuyển tài sản, lúa gạo, trâu bò... tập trung về khu dồn Hà Châu - An Lý. Sau 5 tháng dùng vũ lực dồn dân, địch mới ổn định được tình hình ở Bình Phú.
Đầu năm 1964, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh phá kìm, phá ấp, xây dựng lực lượng cách mạng tại chỗ. Trên cơ sở đó, rạng sáng ngày 5.9.1964, lực lượng du kích xã Bình Phú phối hợp với đội công tác huyện Thăng Bình và bộ đội Tiểu đoàn 70 của tỉnh đánh phá ấp chiến lược Hà Châu bằng 2 mũi tấn công. Mũi thứ nhất, ta đánh thẳng xuống phía bắc ấp Hà Châu từ dọc tuyến đường đồi Đất Đỏ; mũi thứ hai, ta đi bao từ phía đập An Lý đánh thọc ra phía nam ấp Hà Châu. Lúc bấy giờ, địch ở ấp Hà Châu có một đại đội bảo an gồm 80 quân và một trung đội dân vệ. Chỉ trong vòng 40 phút, lực lượng địa phương và Đại đội 1 của Tiểu đoàn 70 đã đánh phá hoàn toàn ấp chiến lược Hà Châu, tiêu diệt gọn đại đội bảo an, bắt sống 4 tù binh, thu 2 khẩu trung liên, 3 khẩu cối 81, 40 khẩu tiểu liên, đưa gần 100 hộ dân trở về làng cũ sinh sống.
Với chiến thắng quân địch ở ấp Hà Châu, sáng ngày 5.9.1964, xã Bình Phú được hoàn toàn giải phóng. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng: Phá vỡ vòng vây của địch, không cho chúng khôi phục lại các ấp chiến lược; đánh tan mục tiêu bình định của địch là dồn dân lập ấp. Từ đây, ta đưa nhân dân trở về làng cũ, khôi phục lực lượng cách mạng tại địa phương vững mạnh. Không chỉ vậy, ta đã tạo thế vững chắc, an toàn cho căn cứ Huyện ủy Thăng Bình đang hoạt động tại thôn Linh Cang. Đồng thời mở ra con đường chiến lược cho bộ đội chủ lực từ Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà tiến xuống giải phóng các xã vùng đông Thăng Bình.
NGUYỄN QUANG VIỆT