(QNO) - Vụ cháu tàu cá QNa 05949 (Bình Minh, Thăng Bình) hôm 23.7 khiến chủ tàu và các cổ đông điêu đứng vì không còn phương kế làm ăn lẫn trang trải nợ nần.
Tàu cá QNa 05949 bị cháy khiến cho các chủ tàu rơi vào hoàn cảnh trắng tay. |
Bỗng chốc trắng tay
Khoảng 10 giờ ngày 23.7, tàu cá QNa 05949 đang neo đậu tại biển Bình Minh bỗng dưng bốc cháy dữ dội. Mặc dù đã nỗ lực bằng mọi cách nhưng chủ tàu, các bạn biển cùng lực lượng biên phòng xã Bình Minh đành bất lực.
ng Nguyễn Anh (thôn Hòa Bình, xã Bình Minh), một trong các cổ đông tàu QNa 05949 nhớ lại: “Bội thu chuyến biển sau 10 ngày đánh bắt bằng nghề lưới vây, chúng tôi bán cá rồi chạy tàu về neo đậu tại biển Bình Minh, thăm nhà vài ngày, tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm chuẩn bị ra khơi. Đang vụ sản xuất chính, không ngờ tàu cháy...”
Tàu cá QNa 05949 được năm anh em Nguyễn Anh, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Lâm, Trương Công Tin và Trương Công Thạnh (cùng thôn Hòa Bình, xã Bình Minh) góp vốn mua lại từ Khánh Hòa, cải hoán nâng cấp hành nghề lưới vây từ 3 năm nay. Mặc dù cần cù bám biển nhưng do giá thành sản xuất cao mà giá bán hải sản luôn bị ép giá nên hiệu quả chuyến biển không cao. “Đầu tư chiếc tàu có giá trị hơn 1 tỷ 200 triệu đồng, năm anh em chúng tôi nỗ lực bám biển. Số tiền này chúng tôi vay mượn là chủ yếu chứ trước đây đi “bạn” chỉ đủ trang trải trong gia đình, không dư dả được. Chừ thì trắng tay rồi. Không biết sẽ sinh kế thế nào đây khi con tàu là phương tiện làm ăn duy nhất của chúng tôi. Còn món nợ gần tỷ đồng không biết anh em chúng tôi làm thế nào để trả được” - ông Trương Công Tin chua xót nói.
Cần sự tương trợ
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam Online, ông Trương Công Bảy -Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng nhiều khả năng tàu cháy là do chập điện. Nhưng việc đã rồi, chủ tàu không mua bảo hiểm nên chừ họ không được bù lại khoản đầu tư, không biết phải xoay xở thế nào để làm ăn và trả nợ. Lúc cháy, trên tàu còn khoảng gần 1 tấn dầu để chuẩn bị cho biển tiếp theo, nên thiệt hại càng lớn… - ông Bảy nói.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Bình Minh đã kêu gọi các ngành, các cấp, đoàn thể trên địa bàn xã và huyện Thăng Bình tự đóng góp và vận động người dân đóng góp để hỗ trợ cho các chủ tàu. “Rất khó để các chủ tàu có thể trả được nguồn vốn đã vay mượn gần 1 tỷ đồng. Chúng tôi biết vậy nhưng không thể làm gì hơn, chỉ kêu gọi hỗ trợ được chừng nào hay chừng ấy. Ngư dân mình kiên tâm bám biển mà rủi ro rình rập, thiệt hại không nhỏ” - ông Bảy nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam thông tin, đến thời điểm này, Quảng Nam chưa hề có cơ chế nào hỗ trợ cho các chủ tàu không may bị cháy phương tiện. Nên khi tàu bị cháy mà không có bảo hiểm họ không biết nương tựa vào đâu. Trong khi đó, dù sở đã có ý tưởng thành lập một Quỹ Tương trợ ngư dân để có thể huy động các nguồn lực xã hội cũng như sự đóng góp của chính ngư dân để hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các chủ tàu bị rủi ro nhưng đến thời điểm này Quỹ Tương trợ ngư dân vẫn chưa có trên thực tế. “Hơn lúc nào hết, các chủ tàu rất cần sự sẻ chia của cộng đồng xã hội sau tai ương này. Mọi đóng góp, dù nhiều hay ít đều rất giàu tính nhân văn. Đó cũng là tấm lòng, sự thể hiện tình yêu biển đảo bằng nghĩa cử thật”, ông Ngô Tấn nói. Ông Tấn khẳng định, trong thời gian đến, Hội Nghề cá sẽ đề xuất UBND tỉnh để thành lập Quỹ Tương trợ ngư dân làm chỗ dựa, hậu phương vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
NGUYỄN QUANG VIỆT