Trang Thanh - Một đóa thơ đẫm đà chín mùi

TỐNG PHƯỚC BẢO 03/12/2023 09:00

Từ tập thơ đầu tay “Bay lặng im” đoạt giải Lá Trầu năm 2008 đến “Mây trắng” in năm 2011 và mãi 12 năm sau Trang Thanh mới tái ngộ thơ bằng tập “Thanh không” (NXB Hội Nhà Văn - 2023). Chặng hành trình này, như chính chị từng nói là lang thang đâu đó vẫn thấy thơ như mạch nguồn chảy tràn trong mình…

Nhà thơ Trang Thanh.
Nhà thơ Trang Thanh.

Hành trình đau đáu bước chân thơ

Nhà thơ Trang Thanh, sinh năm 1974, hiện làm báo tại Hà Nội. Tôi vẫn nhớ cảm xúc rờn rợn khi Trang Thanh đọc câu thơ: “nếu đi hết sông này ta có gặp/ người lính cầm trăng ngồi khóc thịt da mình”.

Đó là một đêm mưa bay lất phất miền Cần Thơ gạo trắng trăng thanh. Không gian đêm trộn lẫn tiếng mưa và sự tĩnh mịch. Câu thơ vang lên giữa bàn trà. Những người có mặt chợt lắng xuống. Trại viết của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm đó là lần đầu tiên tôi biết chị.

Câu thơ đẹp đến mức khi tôi đi dọc hành lang của khu nhà về lại phòng mình vẫn tấm tắc nói với 2 cây bút trẻ cùng có mặt ở trại viết, câu thơ đẹp đến đau đớn. Toát lên trong đầu tôi là hình ảnh người chiến sĩ ngồi dưới ánh trăng bàng bạc và nỗi đau ngấm vào da thịt.

Câu thơ ám ảnh ngay cả đến lúc tôi cầm tập thơ mới nhất “Thanh không” của chị, vẫn nhất quyết lật mục lục để tìm bài thơ đó và đọc ngay. Bài thơ nằm trong chùm thơ đã giúp chị đoạt giải Ba của cuộc thi thơ trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2021 - 2022.

Trang Thanh có nét buồn đằm đẵm, đuôi mắt kéo vệt như chính những nỗi buồn ám gợi lên dung nhan đó. Khéo điều ấy vận vào những câu thơ của chị. Vệt buồn nhưng nhức đi từ mảnh vườn của một vùng chiêm trũng mênh mang gần cạnh bên thành phố Nam Định đến phố xá đô thành đông đúc sầm uất. Thơ vẫn vẹn nguyên tiếng thở của bản năng.

Thể như lắng sâu vào lòng nữ sĩ, cuộc đời này vốn những thăng trầm gieo neo thác ghềnh đến với chị cơ bản đều buồn: “như gánh nặng lời nguyền mang tên miền đổ vỡ/ con nước héo cỏ tàn cây gãy/ vườn tôi không mùa hoa chữ/ cái chữ làm con mèo hoang lang thang” (Thanh không). Những câu chữ của Trang Thanh đầy hình ảnh, gợi lên hành trình đau đáu bước chân thơ.

Tôi nhớ hôm đó, trên chuyến lang thang ra chợ nổi Cái Răng, chúng tôi đùa cùng mấy anh chị nhà thơ, đến xứ “cần thơ” thì rõ ràng là phải sống chết với thơ rồi. Cũng từ buổi ấy đi về, thơ Trang Thanh thoát ra vùng tâm tưởng để hình thành con chữ và trải dài các trang báo, các cuộc thi.

Liên tiếp sau đó, Trang Thanh đoạt giải ở các cuộc thi thơ. Sau giải của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2021 - 2022, thơ chị còn đoạt giải cuộc thi viết về lực lượng Cảnh vệ công an nhân dân năm 2023, giành giải trong cuộc thi “Nhịp điệu mới” của Hội văn học - nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên vào những ngày đầu năm 2023.

Khi chia vui cùng chị, tôi bảo thế là thơ chị đúng nghĩa “là con chữ biết hát trên đóa hoa thời gian”. Điều này tôi mượn lời thơ của chính chị để nói về sự trở lại của Trang Thanh.

Chữ nở hoa kết trái

Tập thơ “Thanh không” chia làm ba phần tuần tự với: trong cơn khát của mùa thu, chữ chữ gọi mùa và cuối cùng là bài thơ khóc nhà thơ. Cả 3 phần gói gọn trong 55 bài thơ tự do.

Những câu chữ được thả tự nhiên theo mạch cảm xúc, không cố gồng lên khoác cho thơ sự mỹ miều. Chiếc áo Trang Thanh mặc cho thơ cứ buồn theo bản năng, cứ bay theo đà chữ, cứ đẹp theo nghĩa từ.

Tác phẩm mới của nhà thơ Trang Thanh.
Tác phẩm mới của nhà thơ Trang Thanh.

Hầu hết bài thơ trong tập “Thanh không” là mảnh ghép từng ký ức. Tổng hợp lại như một bức tranh vẽ bằng chữ. Mỗi bài thơ là một mảnh ghép. Mỗi mảnh ghép làm tròn sứ mệnh mà nhà thơ gieo chữ vào. Chữ cứ vậy mà nối nhau. Nối trọn một quãng ký ức.

Ngày lại qua, thời gian miên di trên thân phận, trổ ra những nỗi niềm, tựa hồ như chính phần đầu tiên của tập thơ, phần mở ra những nhánh tình: “ngày ta thương nhau sen mùa con gái/ đêm mắt khải huyền câu chuyện sen câm” (Khúc sen); “ngày tình yêu trắng đá phong rêu người đàn bà ngồi khóc/ son phấn gãy ngang gò má/ chiều vàng rên tranh ngói xám gân xanh số phận/ lạc vào mê ngủ của anh” (Cõi yêu)...

Rất nhiều ngày mang đầy thương tưởng để làm chất liệu cho thơ Trang Thanh vỡ ra những thấu cảm và nảy lên những niệm ý: “tôi hỏi chữ của tôi/ hỏi chữ/ chữ quay ngược cợt cười/ thanh hỏi nhũn/ dấu huyền treo/ dấu ngã nằm co/ thanh sắc lao đi/ dấu than câm/ dấu nặng chìm/ còn lại thanh không” (Thanh không).

Với kiểu hỏi chữ này, tôi tin Trang Thanh đã nhẹ tênh tấc lòng với dâu bể phận mình. Bởi có lần, tôi nhớ đâu đó tháng 8/2022, một chiều tôi vô tình đọc bài thơ chị viết cho chồng mình - nhà văn Nguyễn Khắc Phục, trong đó có những câu đầy sự day dứt và hỗn mang nỗi thương nhớ: “Anh đừng xa em nhé anh/ Ngoài kia đang đêm bão dông/ Đường mơ ta chưa đi hết... Anh đừng đi đâu nhé anh/ Ở bên em đây yên lắng/ Về bên sông mây trắng/ Chiều tương tư mắt cay...”.

Tôi nghe sống mũi mình cay sè, nhắn cho chị những câu động viên, mới hay chị đang sốt, hai chị em tâm sự cả tiếng đồng hồ, lẫn trong nhiều ký ức về người chồng, luôn là niềm tự hào, luôn là những yêu thương và cả nỗi đau chưa thể nguôi ngoai.

Những mong chị cứ vịn vào thơ để sống bằng niềm vui văn chương. Bởi tận cùng tâm khảm của nỗi đau, sự lộng lẫy của vẻ đẹp sẽ toát lên bằng câu chữ. Nỗi đau đến một lúc nào đó, nếu soi bằng sự trầm tĩnh, cũng có cho mình nét đẹp riêng mang…

Trên đóa hoa thời gian

Với lần trở lại này, thơ Trang Thanh giàu màu sắc và gợi hình hơn. Rất nhiều câu thơ chị dùng hình ảnh để biểu thị cảm xúc, từ đó dễ dàng cảm thụ và lay động tâm trí người đọc.

Nhưng đặc biệt, màu sắc triết luận sau chìm nổi cuộc đời của chị đáng để độc giả có sự chiêm nghiệm khi gấp trang thơ cuối lại: “mẹ bảo cứ đi hết sông này là ra tới biển/ nên khôn nguôi những cuộc kiếm tìm/ mẹ đi tìm con, vợ đi tìm chồng, anh đi tìm em/ cả người khuất đi tìm người khuất/ linh hồn họ nhớ nhau neo dọc triền sông/ nước mắt, máu xương làm biển mặn trùng trùng/ biển đợi sông/ mẹ đợi con/ vợ đợi chồng/ nỗi nhớ trăng sào bồi lở bến mênh mông” (Nếu đi hết sông này).

Đôi khi tôi vẫn nghĩ từ câu chữ của người viết, sẽ tìm thấy đâu đó tính cách của họ. Bởi văn chương thoát ra từ con tim của người viết thì làm sao có thể sống giả với cảm xúc. Nếu gồng gượng hay sống sượng, vay mượn những thứ giả trân để đem vào thơ, chẳng thể nào có được bài thơ hay, hoặc câu thơ ám ảnh, hoặc là sự rung chạm của độc giả.

Như chính tôi khi lần giở tập thơ này của Trang Thanh, vẫn có thể hình dung được những câu chuyện chị xâu chuỗi lại thành một bức tranh ký ức của khoảng đời rời xa thơ đằng đẵng 12 năm: “cứ mài mòn nội tâm để viết/ chữ là máu cháy lên/ đốt trang đời vô nghĩa/ khoảng trống cuộc đời/ là con chữ biết hát/ trên đóa hoa thời gian” (Trống).

Tôi thấy Trang Thanh khéo léo trải lòng mình với nỗi đau, nhưng đó đã là nỗi đau của những mùa quá vãng. Tức là khi chúng ta đã đi qua nó một cách hẫng nhẹ, chọn cách trò chuyện cùng nỗi đau, thể như mình thủ thỉ với chính mình những ký ức cũ càng, như nhắc với chính mình con đường hiện tại và ngày mai, như một lần thành thật với chính mình, để xếp lại những day dứt xéo dày khoảng đời đã qua đó. Để sau cuộc tự thú này, sẽ lại là một Trang Thanh khác, một đóa hoa đẫm đà chín mùi với cuộc đời, với thân phận và với thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trang Thanh - Một đóa thơ đẫm đà chín mùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO