Trang thư kỷ vật

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 16/01/2015 08:36

Khi hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Hoàng Linh chỉ để lại cho vợ và 2 con bức thư vỏn vẹn 20 dòng được viết tại nhà tù Côn Đảo vào những ngày cuối năm 1970. Trang thư - kỷ vật được gia đình ông giữ gìn cẩn thận gần 45 năm qua nay đã ố vàng, nhiều chữ không còn rõ.

Năm 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều người tù ở Côn Đảo, các nhà tù ở miền Nam Việt Nam lần lượt trở về với gia đình, đơn vị. Nhưng vợ con ông Nguyễn Hoàng Linh nước mắt ngắn dài chạy khắp nơi tìm hiểu thông tin của chồng, của cha nhưng vô vọng. Mặc dù có những thông tin khác nhau nhưng với linh cảm của người vợ đối với chồng, người con đối với cha, họ biết rằng ông Linh hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Mãi cho đến năm 2007, gia đình mới tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hoàng Linh, hiện mộ phần nằm tại khu C Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Trang thư ố vàng - kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Hoàng Linh được gia đình gìn giữ 45 năm qua. Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Trang thư ố vàng - kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Hoàng Linh được gia đình gìn giữ 45 năm qua. Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Không biết chính xác ngày mất nên gia đình chọn ngày Thương binh liệt sĩ (27.7) để làm ngày giỗ cho liệt sĩ Nguyễn Hoàng Linh. Mỗi năm đến ngày giỗ, nhiều người không giấu được xúc động khi được bà Hồng - vợ ông đưa xem những dòng chữ trên trang thư đã ố vàng - kỷ vật của chồng - những dòng chữ chan chứa tình cảm của người chồng, người cha: “…Hiện giờ anh đã bị câu lưu tại trại 6 Côn Sơn, em cứ an trí đi rồi một thời gian nữa anh sẽ về. Biết rằng anh ở tù thì cực thân anh lắm, nhưng ngược lại anh lại khỏe hơn em, vì anh ra đi để lại cho em 2 con dại nên anh biết vì anh mà em khổ nhiều. Nhưng bao gian lao khổ cực đó anh đều chịu đựng được, mong rằng chúng ta đừng mất nhau…”. Và câu chuyện xúc động này khiến chúng tôi không thể không tìm hiểu về ông cũng như tìm gặp những người từng cùng ông công tác, bị giam tại Côn Đảo để rõ hơn về một chiến sĩ cách mạng.

Liệt sĩ Nguyễn Hoàng Linh sinh năm 1942, tại xã Châu Thành (huyện Tam Kỳ), nay là phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ). Trong những năm đầu 1960, ông gia nhập Hội Thanh niên học sinh, sinh viên giải phóng Trung Trung Bộ, tích cực tham gia rải truyền đơn, gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch và làm công tác binh vận góp phần cùng nhân dân Tam Kỳ xây dựng và bảo vệ thành trì cách mạng. Từ năm 1966 - 1967, ông tham gia hoạt động hợp pháp trong tổ đặc công G2, tại thị xã Tam Kỳ. Với bí danh Phi Anh, ông đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do tổ chức phân công. Đến năm 1968, cơ sở bị lộ, địch bắt giam ông tại nhà lao tỉnh Quảng Tín, sau đó chuyển ra trại giam Nước Mặn (Đà Nẵng). Mặc dù dùng mọi thủ đoạn để tra tấn nhưng không khai thác được gì, năm 1969 địch đày ông ra nhà tù Côn Đảo.

Ông Phan Thê, nguyên chiến sĩ đặc công G2, hiện ở tại số nhà 707, đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ kể: “Cũng như các đơn vị khác, tối giao thừa Tết Mậu Thân (1968) tổ đặc công G2 thị xã Tam Kỳ nhận lệnh phối hợp với các lực lượng đánh vào tỉnh đường Quảng Tín. Tôi đến nhà của Hoàng Linh trên quốc lộ, nay là số nhà 637, đường Phan Châu Trinh. Khi đó không có Linh ở nhà, vợ Linh đưa cho tôi khẩu súng trường. Tôi đeo súng vào vai, lách mình qua những cây trụ điện, thẳng đến đầu cầu Tam Kỳ nhanh chóng nhập vào đoàn quân chờ đến giờ G. Nhưng do trở ngại về hiệu lệnh nên cuộc tập kích không thực hiện được như kế hoạch đã đề ra. Hôm sau tôi nghe tin Nguyễn Hoàng Linh đã bị bắt. Từ đó chúng tôi mất liên lạc với nhau”.

Những ngày đầu đày ra Côn Đảo, liệt sĩ Nguyễn Hoàng Linh bị giam tại phòng số 14, trại 3 sở Lò Vôi, mang số tù HC14239; sau đó chuyển sang phòng 1, trại 1; cuối năm 1972 chuyển sang phòng 18, trại 6A. Khoảng đầu năm 1973 chuyển sang lao 5 chờ ngày trao trả theo Hiệp định Pari. Ông Nguyễn Ngọc Thọ hiện ở tại thôn Thanh Đông (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) kể: “Trong những ngày cuối năm 1969, tôi cũng bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Lúc đó tôi ở chung phòng giam với Nguyễn Hoàng Linh, thấy anh luôn lạc quan, yêu đời, luôn tin vào ngày mai tươi sáng. Anh còn làm thơ và đọc cho tôi học thuộc. Tuy đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in nội dung bài thơ “Đây là đất Côn Sơn” của anh, trong đó có đoạn “…Đây Côn Sơn thịt rơi, máu đổ/Có hồn Ma Thiên Lãnh, cầu tàu/ Nước đổi thay đầy cả chất màu/ Uống một hớp đã làm đau cái chết/Ma Thiên Lãnh, cầu tàu ai có biết/ Bãi Hàng Dương chết vùi bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác chồng lên trên…”. Còn ông Đỗ Xuân Lập - Thường trực Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ cho hay: “Trong những ngày đầu bị đày ra Côn Đảo tôi và Linh từng ở chung trại giam, sau đó bị đưa đi mỗi người nơi. Tuy nhiên, nhờ tổ chức sinh hoạt đảng trong nhà tù, chúng tôi thường bắt liên lạc với nhau và thi thoảng thấy nhau qua mỗi lần được địch đưa ra phơi nắng. Trước khi thực hiện Hiệp định Pari về việc trao trả tù binh, chúng tôi có dịp gặp nhau nhưng sau đó biệt vô âm tín. Tôi cũng không hiểu điều gì đã xảy ra với Linh”.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trang thư kỷ vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO